Trong công cuộc phòng, chống Covid – 19, chúng ta không thể không kể đến sự đóng góp to lớn của đội ngũ tình nguyện viên, chung tay cùng cả nước đẩy lùi đại dịch. Thế nhưng mới đây, sự việc một thành viên của tổ kiểm soát dịch bị tố “vòi” 2 triệu đồng của một shipper (người giao hàng) khi đi giao hàng ở khu vực TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương) đã khiến nhiều người không khỏi bức xúc và cho rằng, chỉ vì hành vi đáng trách của một cá nhân mà làm ảnh hưởng đến sự cố gắng của cả một tập thể.
Trước sự việc trên, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nghiêm Quang Vinh – Giám đốc công ty luật Nghiêm Quang (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) để làm rõ các vấn đề pháp lý xung quanh câu chuyện này.
PV: Nhiều người cho rằng đây là “một con sâu làm rầu nồi canh”, quan điểm của luật sư như thế nào?
Luật sư: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khá phức tạp, thì chính sự tham gia của đội ngũ tình nguyện viên đã góp phần công sức rất lớn trong việc ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch Covid-19. Bản thân tôi rất ủng hộ sự tham gia của các tình nguyện viên, góp sức cùng Nhà nước và các cấp chính quyền đảm bảo an toàn cho các khu dân cư.
Tuy vậy, trong xã hội vẫn có những "con sâu làm rầu nồi canh". Sai phạm xuất phát từ lỗi cố ý thì khó có thể chấp nhận. Khi mà dịch Covid-19 vẫn kéo dài, tình hình kinh tế, sản xuất của người dân đều khó khăn; việc một người làm nhiệm vụ trực chốt kiểm soát dịch lợi dụng công việc được giao để vòi vĩnh tiền bạc là điều không thể chấp nhận. Ngoài ra nó làm ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng chức năng. Hành vi này đã vi phạm quy định pháp luật và cần bị xem xét, xử lý.
PV: Cụ thể trong trường hợp này, nếu có sự việc tình nguyên viên “vòi tiền” của shipper thì người này bị xử lý ra sao, thưa luật sư?
Luật sư: Hành vi của người tình nguyện viên trong sự việc trên có dấu hiệu của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Theo đó Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm” (Điều 355 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Trong trường hợp này, người tình nguyện viên được phân công trực chốt phòng chống dịch Covid cũng được coi là người có chức vụ, quyền hạn; căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Theo tôi, việc đầu tiên cần loại bỏ những cá nhân như vậy ra khỏi tổ công tác phòng chống dịch, để làm trong sạch đội ngũ trực chốt, hoàn thành nhiệm vụ được địa phương giao phó, sớm kiểm soát, đẩy lùi đại dịch Covid-19.
PV: Có những kẻ xấu lợi dụng dịch bệnh, đóng giả là lực lượng chức năng để vòi vĩnh tiền của người vi phạm. Có cách nào để nhận biết đâu là lực lượng chức năng đang được Nhà nước giao làm nhiệm vụ và đâu là những kẻ giả mạo, thưa luật sư?
Luật sư: Thường thì những đối tượng giả mạo sẽ trang bị đồng phục giống với trang phục của lực lượng chức năng dễ dẫn đến việc người dân hiểu lầm. Tuy nhiên, cần quan sát thái độ của những người này; tỉnh táo để phân tích những thông tin mà đối tượng đưa ra, họ có nói đúng về lỗi vi phạm của mình và quy định về xử phạt hay không hay ngay từ đầu đã có lời lẽ đe dọa, vòi tiền để bỏ qua lỗi vi phạm.
Người dân trong trường hợp này cần yêu cầu cho xem giấy tờ để chứng minh đúng là lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, lý do kiểm tra, thông báo lỗi vi phạm là gì,… Nếu không đủ khả năng đánh giá, có thể nhờ người thân am hiểu pháp luật phân tích đánh giá hoặc gọi trực tiếp về đơn vị mà các đối tượng này cung cấp để yêu cầu xác minh.
Trong trường hợp này, người dân không nên vội tin đối tượng và làm theo sự gợi ý, yêu sách của các đối tượng để nhanh chóng được bỏ qua vi phạm (nếu có). Khi thấy bạn là người có hiểu biết, tỉnh táo, chắc chắn các đối tượng giả mạo sẽ từ từ … lẩn mất.
Nếu chưa kiểm chứng ngay được, trường hợp bạn vi phạm, bạn yêu cầu các đối tượng lập biên bản và đề nghị được vào phường giải quyết hoặc lên kho bạc nộp phạt, tuyệt đối không đưa tiền cho các đối tượng này, để tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”.
PV: Rõ ràng người dân đóng góp 1 phần rất lớn trong việc ngăn chặn những người trục lợi trong bối cảnh dịch bệnh?
Luật sư: Về nguyên tắc, mỗi một chốt phòng chống Covid-19 đều có từ 2, 3 người trở lên và phải có trưởng chốt trực. Trong trường hợp bị cán bộ trực chốt vòi tiền, bạn cần báo ngay cho trưởng chốt trực hoặc những người trực chốt khác.
Tuyệt đối không vào hùa với sai phạm, tiếp tay cho kẻ xấu trục lợi. Như vậy còn gián tiếp làm gia tăng tình hình lây lan dịch Covid–19.
Để không có sự việc tương tự xảy ra, mỗi người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về phòng chống dịch. Đối với lực lượng kiểm soát, phòng chống dịch cần nghiêm túc chấp hành quy định của nhà nước. Đối với các hành vi vi phạm cần phải xử lý nghiêm theo quy định.
PV: Xin cám ơn luật sư!