Công dân Afghanistan lên máy bay quân sự Tây Ban Nha đi di tản tại sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, Afghanistan, ngày 24-8-2021. Ảnh: Bộ quốc phòng Tây Ban Nha
Thông báo được ông Potzel đăng trên Twitter ngày 25-8 là tín hiệu cho thấy Đức đàm phán thành công với Taliban trong bối cảnh các nước đang gấp rút sơ tán công dân và nhân viên đại sứ quán của họ khỏi Afghanistan trước thời hạn 31-8.
Đặc phái viên của Đức Markus Potzel viết phó trưởng đoàn đàm phán của Taliban Sher Mohammad Abbas Stanikzai "đảm bảo người Afghanistan có giấy tờ hợp pháp sẽ tiếp tục có cơ hội được lên các chuyến bay thương mại rời khỏi đất nước theo nguyện vọng sau ngày 31-8".
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Đức bà Annegret Kramp-Karrenbauer khẳng định Đức cam kết tiếp nhận các cựu nhân viên người Afghanistan.
"Những người có quyền đến Đức có thể tin tưởng vào lời hứa này, nó có giá trị vô thời hạn. Chúng tôi sẽ hỗ trợ tất cả để họ có thể rời khỏi đất nước và được tiếp nhận ở Đức", bà Annegret nói trước các phóng viên.
Trước đó, Đức cho biết chiến dịch quân sự hiện tại do các đồng minh NATO thực hiện để sơ tán người Afghanistan cần được bảo vệ sẽ không thể tiếp tục một khi Mỹ rút quân.
Tuy nhiên họ muốn đảm bảo những người Afghanistan dễ bị tổn thương, gồm các nhà hoạt động nhân quyền hoặc cựu nhân viên địa phương của các cơ quan của Đức, sẽ được đưa ra sân bay an toàn để ra khỏi đất nước ngay cả sau thời hạn 31-8.
Ngày 25-8, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết Washington sẽ không chịu trách nhiệm về tình hình tại sân bay quốc tế ở thủ đô Kabul, sau khi quân đội của nước này rút khỏi Afghanistan.
Ngày 31-8 là thời hạn cuối mà Taliban yêu cầu các lực lượng nước ngoài rời khỏi Afghanistan.
TTO - Ngày 25-8, Nhà Trắng cho biết thêm 19.000 người được di tản khỏi Kabul trong 24 giờ trước đó trên 42 chuyến bay quân sự và 48 chuyến bay liên kết khác. Kể từ ngày 14-8, lực lượng Mỹ đã di tản 82.300 người khỏi Afghanistan.