1. Tim Cook
Kể từ khi Tim Cook nhận quyền điều hành Apple từ Steve Jobs 10 năm trước, vốn hóa công ty đã tăng hơn 2.000 tỷ USD. Không một vị CEO nào trong lịch sử tạo ra được nhiều giá trị như thế cho cổ đông. Những con số mà Tim Cook tạo ra trong một thập kỷ vượt qua cả thành tựu của Warren Buffett, người đã chèo lái Berkshire Hathaway gần 45 năm.
Tim Cook thành công một phần là nhờ đã làm điều ngược lại với phong cách của Steve Jobs. Thay vì tìm kiếm sản phẩm siêu đột phá hay tái thiết tổ chức, Tim Cook thúc đẩy quá trình cải tiến liên tục. Trên cương vị lãnh đạo cao nhất, ông lặng lẽ tiếp nối công việc ban đầu được Apple giao năm 1998: Tinh chỉnh chuỗi cung ứng và làm cho công ty trở nên hiệu quả hơn bao giờ hết.
iPhone là trọng tâm chính của Tim Cook. Chip xử lý iPhone ngày nay mạnh hơn 5.000% so với 10 năm trước. Ngay cả những sản phẩm như Apple Watch hay AirPods cũng có thể được coi như phần mở rộng của chiếc iPhone hùng mạnh.
Các thiết bị của Apple hiện nay tạo thành một "hệ sinh thái", thôi thúc mỗi khách hàng sở hữu nhie sản phẩm mác "Táo khuyết".
Nhưng Tim Cook không chỉ mở rộng phát minh của Steve Jobs. Ví dụ, Apple đã đẩy mạnh phát triển chip của riêng mình, mới đây nhất là chip M1. Tờ Economist gọi M1 là kỳ quan công nghệ dường như đã xóa bỏ sự đánh đổi giữa tốc độ và thời lượng pin.
Nhưng đóng góp lớn nhất của Tim Cook có lẽ là cách Apple tương tác với thế giới. Khác với Steve Jobs, tầm nhìn của Tim Cook vượt ra ngoài doanh nghiệp. Tim Cook đã thúc đẩy Apple nhận trách nhiệm cho tác động lớn hơn đến môi trường bên ngoài, ví dụ như lượng khí thải carbon và bảo vệ dữ liệu cá nhân.
2. Satya Nadella
Năm 2014, Satya Nadella trở thành CEO của Microsoft, theo sau Steve Ballmer và Bill Gates. Đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng với Nadella: Vào thời điểm này, Microsoft đã bỏ lỡ thời kỳ chuyển tiếp sang thiết bị di động, Windows 8 thất bại thảm hại, thị trường PC bắt đầu xuống dốc, đẩy hoạt động kinh doanh chính của Microsoft – hệ điều hành Windows – vào thế khó khăn.
Với một loạt thay đổi chiến lược, Nadella đã khôi phục Microsoft thành công ty tiên phong về công nghệ với trọng tâm là điện toán đám mây, điện toán di động và trí tuệ nhân tạo. Điện toán đám mây là mảng kinh doanh tăng trưởng nhanh nhất và đã vượt mảng PC thành nguồn doanh thu lớn nhất của công ty.
Những thay đổi Nadella thực hiện đã tạo ra lợi ích rất lớn cho Microsoft và cổ đông. Lợi nhuận ròng của công ty cả năm 2013 là gần 22 tỷ USD. Đến năm 2021, con số này là hơn 61 tỷ USD, theo Statista. Vốn hóa Microsoft đi từ 300 tỷ USD từ lúc Nadella nhậm chức đến 2.270 tỷ USD hiện nay.
3. Jeff Bezos
Trong vòng 27 năm, Jeff Bezos đã biến Amazon từ nền tảng chuyên bán sách thành đế chế thương mại điện tử lớn nhất thế giới, cả về doanh thu lẫn vốn hóa. Ông đã biến thương mại điện tử từ một khái niệm lạ lẫm thành thực tế cho hàng triệu khách hàng trên toàn cầu.
Jeff Bezos đã giúp biến những nhà đầu tư trung thành của Amazon thành triệu phú USD. Khoản đầu tư ban đầu 1.000 USD giờ có giá trị hơn 2 triệu USD. Nói cách khác: Nếu ôm cổ phiếu Amazon từ ngày IPO đến lúc Jeff Bezos từ chức, nhà đầu tư lãi 2.340 lần.
4. Sundar Pichai
Sundar Pichai trở thành CEO của Google vào năm 2015. Đến năm 2019, ông trở thành người lãnh đạo cả công ty mẹ Alphabet. Thời gian cầm cương của Sundar Pichai rất tốt đẹp, ít nhất là từ nhìn từ phía cổ đông. Trung bình từ lúc ông lên nắm quyền đến nay, mỗi năm vốn hóa của Alphabet tăng 240 tỷ USD. Thành tích này chỉ xếp sau CEO Satya Nadella của Microsoft.
Sundar Pichai được coi là người có công hàng đầu trong thành công của trình duyệt Chrome, giúp Google ngày càng gắn chặt với đời sống của người dùng. Tuy Chrome là dịch vụ miễn phí, nhưng trình duyệt này đã giúp củng cố thế thống trị của Google Search – con gà đẻ trứng vàng của Alphabet. Nhờ Pichai, Google tiếp tục chiếm thị phần áp đảo trong thị trường công cụ tìm kiếm: 94% tính đến tháng 6/2021.
5. Mark Zuckerberg
Mark Zuckerberg tạo ra mạng xã hội Facebook vào năm 2004. Hiện nay, Facebook là mạng xã hội lớn nhất thế giới với 2,85 tỷ người dùng toàn cầu.
Doanh thu của Facebook chủ yếu đến từ quảng cáo. CEO Mark Zuckerberg còn sử dụng các thương vụ M&A để biến Facebook thành một đế chế khổng lồ. Tổng cộng, Facebook đã mua lại hơn 80 công ty lớn nhỏ, nổi bật nhất là Instagram và WhatsApp. Lợi nhuận ròng của Facebook phi nước kiệu từ 53 triệu USD năm 2012 (năm IPO) đến 29,1 tỷ USD năm 2020.
6. Elon Musk
Tesla có lẽ là nhà sản xuất xe điện nổi tiếng nhất thế giới. Tesla trở thành tâm điểm của giới truyền thông vào năm 2013 cùng với CEO Elon Musk khi ra mắt mẫu xe Model S.
Tesla không chỉ tạo được tiếng vang lớn với người mua xe mà còn với cộng đồng nhà đầu tư. Từ khi lên sàn năm 2010 đến nay, Tesla đã trở thành nhà sản xuất xe giá trị nhất thế giới với vốn hóa hiện vào khoảng 700 tỷ USD.
Với đợt chia tách cổ phiếu tháng 8/2020, 1 cổ phiếu Tesla mua vào năm 2013 giờ đã thành 5 cổ phiếu. Như vậy khoản đầu tư ban đầu 1.000 USD, đủ để mua cổ phiếu 58 Tesla với giá 17 USD khi lên sàn, giờ có giá trị 205.462 USD. Điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư gắn bó với Tesla đã lãi 20.446%.
7. Warren Buffett
Warren Buffett là một trong những huyền thoại đầu tư nổi tiếng nhất mọi thời đại. Ông đã biến Berkshire Hathaway thành tập đoàn đầu tư hùng mạnh bằng cách mua lại những doanh nghiệp gặp khó khăn và vực dậy chúng.
Với việc sở hữu những thương hiệu "quốc dân" như hãng bảo hiểm GEICO, hãng pin Duracell, nhà sản xuất kẹo See's Candies, Berkshire Hathaway có vốn hóa trên 650 tỷ USD. Cổ phiếu hạng A của Berkshire là cổ phiếu đắt giá nhất thế giới, được giao dịch với giá trên 432.000 USD.
Theo Warren Buffett, giá cổ phiếu cao khủng khiếp giúp Berkshire Hathaway thu hút những cổ đông có quan điểm giống ông: Tập trung vào những công ty có tiềm năng dài hạn, không đuổi theo lợi nhuận ngắn hạn, Investopedia cho biết.