vĐồng tin tức tài chính 365

Tối đa hóa những lợi ích của Hiệp định EVFTA

2021-08-27 17:23

Hội thảo nhằm đưa ra các khía cạnh thực tế của các doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu trong việc triển khai Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) hiện nay. Đồng thời, chia sẻ những câu chuyện thành công cũng như những khó khăn còn tồn đọng, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19. Các giải pháp đề xuất nhằm tối đa hóa những lợi ích của Hiệp định EVFTA cũng được đưa ra thảo luận trong sự kiện lần này.

Thay đổi trong xuất khẩu

Tại hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào thời điểm đặc biệt, khi kinh tế hai bên và cả thế giới đang phải vật lộn để vượt qua những khó khăn từ dịch Covid-19. Vì vậy, Hiệp định EVFTA lại gánh thêm những kỳ vọng khác, trở thành một trong những động lực để các doanh nghiệp và nền kinh tế hai bên.

Kể từ khi có hiệu lực ngày 1/8/2020, Hiệp định EVFTA đã cho thấy những đóng góp có ý nghĩa trong phát triển kinh tế giữa Việt Nam và EU, đặc biệt là sự tăng trưởng của Việt Nam. Những thay đổi trong quan hệ xuất nhập khẩu song phương là minh chứng điển hình.

Trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, trong 7 tháng năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang EU giảm 5,9% so với cùng kỳ 2019. Nhưng khi hiệp định có hiệu lực, trong 5 tháng cuối năm 2020, trong khi nhập khẩu của EU từ thế giới sụt giảm tới 20%, thì EU nhập khẩu từ Việt Nam tăng 3,8%. 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU vẫn tăng liên tục và ổn định, ở mức 18,3% so với cùng kỳ, đặc biệt là nhóm hàng nông sản.

Ở chiều ngược lại, Hiệp định EVFTA cũng thúc đẩy mạnh nhập khẩu từ EU vào Việt Nam, với các sản phẩm như: linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị… là thế mạnh của EU và cũng là nguồn đầu vào quan trọng cho Việt Nam.

Nếu như năm 2020, nhập khẩu từ EU của Việt Nam tăng 4,3%, thì 6 tháng đầu năm 2021 con số này là 19,8%. Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng được ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA của Việt Nam cũng đạt được mức cao nhất so với năm đầu thực thi của các Hiệp định thương mại tự do khác.

Theo Bộ Công Thương, 5 tháng cuối năm 2020, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng được ưu đãi thuế quan theo EVFTA của Việt Nam là 14,8%.

Theo VCCI, tỷ lệ này gấp 2 lần tỷ lệ sử dụng Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA); gấp 7 lần Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Ấn Độ (AIFTA); gấp 2 lần tỷ lệ tận dụng các thị trường mới của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong năm đầu. 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng được ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA tiếp tục tăng 29%.

Về đầu tư, với những cam kết về quản trị minh bạch từ Hiệp định EVFTA và những cam kết tạo môi trường thương mại đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư của hai bên, Việt Nam đã tiếp nhận được nguồn đầu tư có chất lượng và được học hỏi, hấp thụ khoa học và công nghệ tiên tiến từ EU. Qua đó, tạo ra những giá trị và lợi ích cho doanh nghiệp và nhà đầu tư của cả hai bên.

Tính đến tháng 6 năm 2021, EU có 2.221 dự án, tăng 142 dự án so với cùng kỳ năm 2020, từ 26/27 quốc gia thuộc EU còn hiệu lực tại Việt Nam với vốn đầu tư đăng ký đạt 22,216 tỷ USD, tăng 449 triệu USD so với cùng kỳ năm 2020.

Kinh tế vĩ mô - Tối đa hóa những lợi ích của Hiệp định EVFTA
Thủy sản là một trong những mặt hàng đang tận dụng hiệu quả EVFTA. Ảnh: Báo Nhân dân
 

Trợ lực ý nghĩa cho doanh nghiệp

“Sau những thành công bước đầu trong thực thi EVFTA, chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới khó khăn hơn, thách thức hơn dưới áp lực chưa từng có của dịch COVID-19 ở Việt Nam”, Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Theo ông Lộc, để xử lý tất cả những nguy cơ cả hiện hữu và trong tương lai này, cần giải pháp từ cả chính sách của Nhà nước và chiến lược riêng của doanh nghiệp. Trong các giải pháp đó, nếu khai thác hiệu quả các khía cạnh thích hợp từ Hiệp định EVFTA có thể đóng góp và là một trợ lực ý nghĩa cho doanh nghiệp trong các nỗ lực vượt qua dịch bệnh.

Chẳng hạn như: lợi thế về thuế quan trong Hiệp định EVFTA có thể là một lực hấp dẫn quan trọng để thu hút các khách hàng EU quay trở lại với Việt Nam sau thời gian đỉnh dịch. EVFTA tạo cho Việt Nam lợi thế cực kỳ đáng kể trong cạnh tranh với các đối thủ khác ở thị trường EU.

Hiện tại ngoài Việt Nam, EU mới chỉ có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 3 nền kinh tế ở châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore; trong đó, không có đối thủ cạnh tranh trực tiếp nào với Việt Nam.

Nếu xuất khẩu sang EU qua Hiệp định EVFTA có thể giữ được nhờ lợi thế giá, đặc biệt trong lĩnh vực nông thủy sản, thì tiềm năng lợi nhuận từ hoạt động xuất khẩu sẽ là động lực để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư khôi phục sản xuất sau dịch. Đồng thời, thu hút người lao động trở lại cũng như thúc đẩy khôi phục nguồn nguyên liệu.

Cũng như vậy, các lợi thế từ thuế quan trong nhập khẩu máy móc thiết bị, công nghệ, nguyên phụ liệu cho sản xuất từ EU theo Hiệp định EVFTA có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí; tăng năng suất lao động, cải thiện hiệu quả cạnh tranh.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản sang EU trong năm 2020 - 2021 đã đạt được những thành quả và đối mặt với nhiều thách thức đến từ Brexit, dịch Covid-19 và việc ngành thủy sản Việt Nam bị áp thẻ vàng IUU.

Vương quốc Anh từng là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong EU với giá trị nhập khẩu thủy sản đạt từ 280-330 triệu USD. Dịch Covid-19 gây ra đứt gãy trong chuỗi cung ứng thủy sản toàn cầu, đặc biệt trong khu vực logistics do thiếu container, ách tắc trong vận chuyển tới các nước EU và nhu cầu về thủy sản giảm mạnh trên nhiều thị trường trong đó có EU.

Tại Việt Nam, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ tháng 7, việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và thắt chặt phòng chống dịch ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Trong hai tháng qua, nguồn cung sản phẩm thô và công suất chế biến giảm từ 40-50% so với giai đoạn trước. Nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc thực hiện các quy định IUU, đặc biệt trong việc xin chứng nhận về nguồn gốc nguyên liệu thô từ hoạt động đánh bắt.

Hiệp định EVFTA đã góp phần đáng kể trong những thành quả xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong thời gian qua. Hiện có tới 50% các dòng thuế giảm về mức 0% trước năm 2020 bao gồm thuế suất với các mặt hàng chính như: tôm, cá ngừ, mực và bạch tuộc.

Năm 2021, xuất khẩu tôm và hải sản tăng mạnh do nhu cầu thị trường tăng sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn và thuế ưu đãi cho các sản phẩm làm từ nguyên liệu trong nước. Xuất khẩu tôm tăng 26%, hải sản tăng 23%. Xuất khẩu cá tra giảm 13% do chi phí đầu vào cao trong khi giá xuất khẩu lại không tăng. Dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh tới sản xuất nguyên liệu thô, làm giảm cơ hội tận dụng các dòng thuế ưu đãi.

Nhiều mặt hàng thủy sản như cá ngừ, mực và bạch tuộc được hưởng thuế suất 0% từ năm 2020 nhưng do thiếu nguyên liệu đầu vào và phải nhập khẩu nên không tận dụng được ưu đãi.

Trong năm tháng cuối của năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU dự báo  tiếp tục bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Theo kịch bản tích cự nhất là dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành miền Nam, xuất khẩu trong tháng 8 và tháng 9 sẽ giảm sâu từ 25-30% so với cùng kỳ năm trước và sau đó hồi phục dần vào tháng 3 năm 2022. Kết quả xuất khẩu trong 5 tháng cuối năm 2021 sẽ có thể giảm ít nhất 9% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 3,66 tỷ USD. Vì vậy, đến cuối năm nay, xuất khẩu thủy sản có thể đạt 8,6 tỷ USD, tăng 2,7% so với năm 2020.

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (gọi tắt là EVFTA) là Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). EVFTA được ký kết ngày 30/06/2019 và có hiệu lực từ ngày 01/08/2020.

Theo Bộ Công Thương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) là một trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, với cam kết sâu, rộng, bao hàm cả những nội dung truyền thống và phi truyền thống.

Đặc biệt, EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại những cơ hội lớn đối với kinh tế và xã hội của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang gây ra những tác động nặng nề.

Với những cam kết mạnh mẽ trong lĩnh vực mở cửa thị trường hàng hóa, EVFTA được kỳ vọng sẽ là cú huých đối với tăng trưởng kinh tế với mức dự báo lên 2,18 đến 3,25% vào năm 2025 (giai đoạn 5 năm đầu thực hiện); kim ngạch xuất khẩu tăng thêm khoảng 42,7%; trong đó, các ngành hàng quan trọng như gạo, may mặc, da giày có mức tăng xuất khẩu lên tới 65%, 81% và 99% trong cùng giai đoạn.

Nhiều chuyên gia kinh tế đã ví Hiệp định EVFTA như con đường cao tốc hướng Tây, kết nối Việt Nam với một không gian thị trường rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu thế giới.

Theo TTXVN

Xem thêm: lmth.646525a-atfve-hnid-peih-auc-hci-iol-gnuhn-aoh-ad-iot/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tối đa hóa những lợi ích của Hiệp định EVFTA”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools