Quan điểm này được thượng tá Lê Mạnh Hà (Phó Phòng tham mưu, Công an TP HCM) cho biết tại buổi họp báo về công tác phòng chống Covid-19, chiều 26/8. Hiện, đơn vị chỉ cấp giấy đi đường cho cá nhân thuộc các nhóm công việc được phép đi lại theo quy định của UBND thành phố.
Ông Hà cho rằng, những cá nhân, tổ chức thiện nguyện chở bình oxy, cung cấp thực phẩm cho lực lượng tuyến đầu, người khó khăn... là rất trân quý. Tuy nhiên, thành phố đang trong thời gian siết chặt giãn cách, các nhóm này chỉ mang tính nhỏ lẻ, việc di chuyển trên đường tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm.
Hơn nữa, khi làm thiện nguyện chỉ trong khoảng thời gian ngắn nhưng giấy đi đường lại có thể lưu hành 12 tiếng, nên sẽ dễ mất kiểm soát, không đảm bảo nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó". Việc này có thể nguy hiểm cho chính người làm thiện nguyện và cả người tiếp nhận.
Theo thượng tá Hà, nhóm từ thiện có thể tập trung theo các tổ chức hoặc khi tiếp nhận ủng hộ từ các mạnh thường quân thì chuyển qua tổ công tác đặc biệt tại địa phương để vận chuyển về những nơi có nhu cầu. "Chúng ta có thể ở nhà và thông báo cho các lực lượng tại địa phương đến tiếp nhận, sau đó phân phối cho nhiều người", ông Hà nói.
Đại diện Công an TP HCM cũng thông tin thêm, đơn vị vừa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc khiểm soát phương tiện, người dân di chuyển qua các chốt trong thành phố.
Cụ thể, các phương tiện vận tải: taxi, xe khách, xe chở công nhân... được cấp mã QR code được phép lưu thông theo khu vực, lộ trình, thời gian cấp phép và không cần kiểm tra giấy đi đường.
Đối với các xe vận tải hàng hóa không được cấp mã QR code, tài xế và người ngồi trên xe phải có giấy đi đường theo quy định.
Các nhóm đối tượng được lưu thông: cán bộ công nhân, viên chức, người lao động, hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19, tình nguyện viên, thiện nguyện viên... phải có giấy đi đường do công an cấp. Giấy do công an phường, xã cấp chỉ đi trong quận, huyện.
Shiper giao hàng sử dụng ứng dụng công nghệ dừng hoạt động tại các quận: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn và TP Thủ Đức. Các quận huyện khác, shipper chỉ được hoạt động trong địa bàn quận, huyện và có nhận diện theo quy định.
Người đi tiêm vaccine có tin nhắn hoặc giấy mời, kèm căn cước công dân; người đi tái khám có bệnh án, lực lượng y tế (có thẻ y tế hoặc giấy đi đường do thủ trưởng đơn vị Sở Y tế, các cơ sở y tế có quyết định thành lập cấp); các trường hợp người, phương tiện chở oxy, thuốc men, vật tư thiết bị y tế... khi có đầy đủ giấy tờ kinh doanh, chứng nhận, hợp đồng vận chuyển hỗ trợ đội ngũ phòng chống dịch sẽ được qua các chốt kiểm soát mà không cần giấy đi đường.
Đối với lực lượng công an, quân sự thì phương tiện và cán bộ chiến sĩ mặc quân phục được phép di chuyển toàn thành phố để thực thi công vụ. Lực lượng thường phục phải có giấy giới thiệu hoặc giấy phân công công tác của thủ trưởng đơn vị hoặc thẻ ngành hoặc giấy đi đường.
Giấy đi đường mẫu cũ theo công văn 2800 của UBND TP HCM do Sở Ngoại vụ cấp (mã 7A, 7B) vẫn được sử dụng.
Cán bộ, công nhân viên chức các sở, ban, ngành có đồng phục, công nhân viên dịch vụ công ích thì mặc đồng phục ngành. Các sở, ban, ngành không có đồng phục mặc áo nhận diện thành phố cấp.
Kiểm tra di biến động dân cư trên nền tảng dữ liệu dân cư thông qua kiểm soát bằng tài khoản kiểm tra mã QR code của dân cư.
Ưu tiên xe của công an, quân sự, y tế và các xe được Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP HCM cấp phù hiệu nhận diện.
Trong thời gian từ 18h đến 6h hôm sau sẽ tạo điều kiện lưu thông cho: cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài; ngành hàng không - sân bay; hoa tiêu hàng hải; vệ sinh môi trường đô thị... ; lực lượng xử lý sự cố khẩn cấp về điện, nước, hệ thống thông tin, hạ tầng giao thông... phải có giấy đi đường kèm giấy xác nhận phân công công tác vào khung giờ này.
Gia Minh
Xem thêm: lmth.3517434-gnoud-id-yaig-pac-coud-gnohk-neiht-ut-mohn-oas-iv/ten.sserpxenv