vĐồng tin tức tài chính 365

Củng cố tấm khiên chống đỡ rủi ro

2021-08-28 07:14

“Ngân hàng nào càng có tích luỹ, gia cố tiềm lực tài chính, có kịch bản ứng phó phù hợp với thực tế, bắt kịp xu hướng để giảm thiểu rủi ro, biết vận dụng linh hoạt chắc chắn sẽ có lợi thế và năng lực chống chịu trước sóng gió”, chuyên gia cho hay.

Làm dày bộ đệm dự phòng

Thông tin của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, dưới tác động của dịch Covid-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng, từ mức 1,69% thời điểm cuối năm 2020 lên mức 1,78% vào cuối tháng 4/2021. Ghi nhận tại báo cáo tài chính đã công bố của gần 30 ngân hàng thương mại (NHTM) cũng chỉ ra, tổng nợ xấu nội bảng tăng 4,51% trong 6 tháng đầu năm 2021.

Con số này chưa phải là quá lớn, nhưng nợ xấu tiềm ẩn thời gian tới từ các khoản cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là thách thức mà các ngân hàng sẽ phải đối diện. Theo chuyên gia, các số liệu về nợ xấu hiện nay chưa phản ánh đầy đủ nhất về tình hình thực tế, bởi các ngân hàng đang được phép cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN của NHNN.

Ngân hàng đang ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu tích cực
Ngân hàng đang ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu tích cực

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng, diễn biến của dịch vẫn còn rất phức tạp, hoạt động sản xuất kinh doanh ngưng trệ, tác động không nhỏ tới doanh nghiệp, người dân, khiến gia tăng nợ xấu thời gian tới. Ông dự báo tỷ lệ nợ xấu có thể lên đến 2,5 - 3% vào cuối năm 2021.

Chính bởi thế, không khó lý giải khi hầu hết các ngân hàng đều đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro. Với khối NHTM Nhà nước, BIDV là nhà băng trích lập dự phòng rủi ro lớn nhất trong nửa đầu năm 2021, với 15.424 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ. Agribank ghi nhận mức trích lập 12.650 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ. Chi phí dự phòng rủi ro của Vietcombank cũng tăng 37% so với cùng kỳ năm 2020, lên mức 5.500 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021 và ngân hàng dự kiến sẽ trích lập hơn 10.000 tỷ đồng cho cả năm 2021. VietinBank cũng tăng trích lập dự phòng rủi ro 28% so với cùng kỳ lên 8.456 tỷ đồng.

Ở khối NHTMCP tư nhân, VPBank đạt mức trích lập 8.653 tỷ đồng; ACB trích lập 6.352 tỷ đồng - tăng 66%; MB ghi nhận con số 4.240 tỷ đồng - tăng 28%; Techcombank trích lập 1.448 tỷ đồng - tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2020…

Nhờ đó tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng tiếp tục được củng cố. Đây được xem là nền tảng để ngân hàng chủ động ứng phó, chống chịu tốt hơn với các rủi ro trong tương lai, không để nợ xấu tăng đột biến.

Vietcombank đứng top đầu ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao - đạt 352% (tới cuối tháng 6/2021); Techcombank cũng là ngân hàng ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng, đạt mức 259%. Tỷ lệ này ở MB, ACB đều trên 200%. VietinBank, Agribank, BIDV tỷ lệ bao nợ xấu quanh 130%, TPBank là 145%...

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank cho hay: Việc các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ tích cực, cao hơn 100% đồng nghĩa với việc xử lý nợ xấu của ngân hàng đó tốt.

Chú trọng chất lượng, an toàn

Theo các chuyên gia, hiện tín dụng vẫn là mảng kinh doanh chủ đạo, mang lại tới 70 - 80% thu nhập cho các ngân hàng. Vì thế bên cạnh việc tăng trích lập dự phòng, để có "sức đề kháng" tốt, ngân hàng phải chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, đa dạng hoá danh mục để phân tán rủi ro.

Lãnh đạo NHNN đã nhiều lần nhắc nhở các ngân hàng là đi đôi với việc mở rộng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế thì các ngân hàng cần hết sức chú trọng tới vấn đề chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt dòng tín dụng chảy vào những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán…

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp như hiện tại, sự an toàn của hệ thống ngân hàng là vô cùng quan trọng bởi hệ thống ngân hàng có mạnh khỏe, hoạt động hiệu quả mới có thể hỗ trợ được cho nền kinh tế, cho người dân và doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy nhiều ngân hàng đã và đang rất nỗ lực để duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả, an toàn, bền vững. Như VietinBank triển khai ba tuyến kiểm soát rủi ro để có thể thiết lập hạn mức rủi ro cũng như giám sát mức độ tập trung danh mục tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Hay MB duy trì được vị thế nhờ cân bằng giữa tăng trưởng tín dụng và huy động, tín dụng tập trung vào những ngành ít chịu ảnh hưởng từ Covid-19 như năng lượng tái tạo, thương mại, sản xuất, y tế… MB cũng mở rộng cơ sở khách hàng thông qua nhiều sáng kiến, bao gồm trả phí giới thiệu cho tài khoản mở mới qua ứng dụng (app). Tại thời điểm cuối tháng 6/2021, MB có 8,8 triệu khách hàng, trong đó có 5,5 triệu khách hàng mới được thu nạp qua app.

Hay như với VIB, trong 6 tháng đầu năm 2021, dư nợ bán lẻ của VIB tăng trưởng 14,5%. Công ty chứng khoán Mirae Asset cho hay, danh mục tín dụng đa dạng hoá, nhưng tập trung phân khúc bán lẻ, cùng với giá trị trung bình cho mỗi khoản vay không quá lớn đang là lợi thế giúp ngân hàng này phân tán rủi ro - yếu tố quan trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay.

Còn với MSB, Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Linh cũng chia sẻ, ngân hàng này 4 năm gần đây liên tục nâng tỷ trọng các món nợ có tài sản đảm bảo từ gần 79% năm 2018 lên hơn 85% vào thời điểm cuối tháng 6/2021. Cùng với việc kiểm soát chặt tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, MSB tập trung giải ngân vào những lĩnh vực ít rủi ro hơn, và có tiềm năng phát triển trong bối cảnh dịch như giáo dục, y tế, năng lượng sạch…

Việc tuân thủ các chỉ số an toàn cũng được mỗi ngân hàng đặc biệt chú trọng. Đơn cử như Techcombank, báo cáo cuối quý II/2021 cho thấy, hệ số an toàn vốn (CAR) đạt 15,2%, trong đó 97,4% là vốn cấp 1, cao hơn nhiều so với mức tối thiểu là 8% theo trụ cột I của Basel II. Mới đây, CTCP Tư vấn EY Việt Nam đánh giá và kết luận Sacombank tuân thủ các nội dung của Basel II theo quy định Thông tư 41 và Thông tư 13 của NHNN. Trụ cột I về quản lý hệ số CAR được Sacombank áp dụng từ đầu năm 2020, CAR riêng lẻ và hợp nhất của ngân hàng luôn duy trì ở mức trên 9% - mức cân đối giữa an toàn hoạt động và hiệu quả kinh doanh. TPBank có chỉ số CIR (chỉ số chi phí trên thu nhập) cuối quý II/2021 giảm về mức 36% (từ 43% cuối quý II/2020) nhờ triển khai số hoá triệt để, toàn diện…

Theo chuyên gia, những khó khăn thách thức hiện nay chính là thước đo tốt nhất sức khoẻ của các ngân hàng. "Ngân hàng nào càng có tích luỹ, gia cố tiềm lực tài chính, có kịch bản ứng phó phù hợp với thực tế, bắt kịp xu hướng để giảm thiểu rủi ro, biết vận dụng linh hoạt chắc chắn sẽ có lợi thế và năng lực chống chịu trước sóng gió", chuyên gia cho hay./.

Xem thêm: lmth.28360000042210202-or-iur-od-gnohc-neihk-mat-oc-gnuc/nv.semitaer

Comments:0 | Tags:No Tag

“Củng cố tấm khiên chống đỡ rủi ro”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools