vĐồng tin tức tài chính 365

Muốn chống dịch hiệu quả chứ không làm khó!

2021-08-28 10:37

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) rà soát, chỉ đạo ngay các tỉnh, TP bãi bỏ các quy định khác nhau cản trở lưu thông hàng hóa, hạn chót là chiều 28-8. Trước đó, Bộ GTVT đã nêu đích danh 8 tỉnh, thành phố đưa ra các quy định khác nhau, gây ách tắc trong kiểm soát, lưu thông hàng hóa gồm: Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Hải Dương, Bạc Liêu.

Chưa ghi nhận doanh nghiệp vận tải bức xúc?

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 27-8, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết tổng số ca mắc của tỉnh này đã hơn 1.700 ca. Khoảng 85% trường hợp do lây nhiễm từ các tài xế chở hàng đường dài hoặc chở người mang mầm bệnh từ vùng dịch về địa phương. Do đó, khi phát hiện có dấu hiệu nghi vấn, lực lượng chức năng phải thực hiện test nhanh để bảo đảm công tác phòng chống dịch.

Muốn chống dịch hiệu quả chứ không làm khó! - Ảnh 1.

Các phương tiện vận chuyển hàng hóa vào điểm tập kết tại Bến xe khách trung tâm TP Cần Thơ để khai báo trước khi di chuyển vào TP .Ảnh: CA LINH

Cũng theo ông Bình, An Giang không làm khó tài xế mà chủ yếu để phòng chống dịch bệnh cho tốt. Theo công điện của Thủ tướng Chính phủ, những xe có quét mã QR thì không kiểm soát trên tuyến đường đi nhưng phải kiểm soát tại chốt cuối cùng là nơi giao hàng hóa.

Đặc thù của An Giang là tỉnh trên tuyến biên giới Tây Nam, nên thay vì phải kiểm tra ở rất nhiều điểm giao nhận hàng hóa, An Giang thực hiện kiểm tra ở khu vực đầu vào tại cửa ngõ để giảm áp lực cho các lực lượng làm nhiệm vụ. Qua quá trình kiểm tra, An Giang đã phát hiện nhiều tài xế cố tình cho người khác nằm trong thùng xe hoặc cabin chở từ vùng có dịch về.

Hiện An Giang không bắt buộc phải thay đổi tài xế từ tỉnh khác chở hàng hóa đến địa phương nhưng các xe phải dừng lại kiểm tra một lần để thực hiện khai báo y tế, xác định lại tính hợp pháp của giấy chứng nhận test nhanh cũng như hàng hóa có đúng như đăng ký hay không.

"Chúng tôi khẳng định An Giang luôn tuân thủ nghiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nên không tạo ra "giấy phép con" để gây khó khăn cho tài xế và doanh nghiệp (DN) mà để làm tốt hơn nữa về công tác phòng chống dịch. An Giang sẽ xem xét điều chỉnh lại thời hạn sử dụng giấy chứng nhận test nhanh cho phù hợp" - ông Bình nhấn mạnh.

Trước thông tin Bạc Liêu là 1 trong 8 địa phương đặt ra "giấy phép con" gây khó khăn cho các phương tiện vận tải lưu thông hàng hóa, ông Trần Trung Vĩ - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu - cho biết trên một số phương tiện truyền thông, Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ ra việc tỉnh Bạc Liêu quy định các phương tiện vận tải hàng hóa đường bộ phải có phương án vận chuyển hàng hóa (theo mẫu của Sở GTVT) và không cấp thêm giấy đi đường; các trường hợp còn lại của hoạt động vận tải, chủ tịch UBND tỉnh giao Sở GTVT hướng dẫn, trực tiếp giải quyết và thông báo đến các địa phương trong tỉnh - là một dạng "giấy phép con". Ông Vĩ nói nhận định này không đúng.

"Cái mẫu của Sở GTVT là cấp cho DN tự ký mang theo, thay thế giấy đi đường, hoàn toàn không có "giấy phép con" nào do cơ quan nhà nước ký cả. Đặc biệt, từ khi áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tới nay, Bạc Liêu chưa từng ghi nhận DN vận tải bức xúc, cũng chưa từng xảy ra tình trạng ách tắc, cản trở lưu thông hàng hóa ra vào địa bàn tỉnh" - ông Vĩ nói.

Cần Thơ chờ xin ý kiến của Thủ tướng

Sáng 27-8, tại điểm tập kết trung chuyển và giao nhận hàng hóa ở Bến xe khách trung tâm TP Cần Thơ, các phương tiện vận chuyển đưa giấy xác nhận đăng ký được Sở Công Thương TP Cần Thơ cấp và giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và được phép đưa phương tiện vào TP, không còn cảnh "sang xe, đổi tài" để trung chuyển.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cùng ngày đã ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19 và bảo đảm hoạt động vận chuyển, phân phối hàng hóa trên địa bàn. Theo văn bản này, tài xế và người đi cùng từ vùng dịch về giao nhận hàng hóa trong TP là một trong nhiều nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, là nguồn lây nhiễm khó kiểm soát.

Do đó, UBND TP Cần Thơ ban hành Công văn số 3032/UBND-KT và Công văn số 3438/UBND-KT quy định các phương tiện vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh, TP khác vào Cần Thơ để giao nhận hàng hóa đều phải đăng ký trước. Việc đăng ký này không phải là thủ tục xin "giấy phép con" mà là hình thức thông tin của DN đến các cơ quan chức năng của Cần Thơ biết để hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời khi DN giao nhận hàng hóa trên địa bàn.

Trong những ngày qua, do có nhiều phương tiện đến Cần Thơ giao nhận hàng hóa cùng một thời điểm nên dẫn tới ùn tắc cục bộ. Cần Thơ đã chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, hướng dẫn phương tiện đi theo Quốc lộ, Tỉnh lộ 919. UBND TP Cần Thơ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho TP tiếp tục thực hiện biện pháp như hiện nay theo Công văn 3032 và Công văn 3438. UBND TP sẽ tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, rút ngắn thời gian thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu thông, vận chuyển...

Trước chỉ đạo của Thủ tướng, liệu Cần Thơ có bãi bỏ quy định đăng ký trước hay không, ông Nguyễn Ngọc Hè nói: "Cần Thơ đang xin ý kiến của Thủ tướng. Khi nào Thủ tướng có chỉ đạo thì địa phương sẽ thực hiện".

Trong khi đó, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, cho hay thời gian qua trên địa bàn tỉnh, các phương tiện lưu thông thông thoáng, không xảy ra ùn tắc cục bộ, góp phần cung cấp kịp thời hàng hóa thiết yếu cho người dân và bảo đảm việc phòng chống dịch Covid-19. Việc cấp mã QR "luồng xanh" cho phương tiện vận chuyển hàng hóa được thực hiện miễn phí. Do đó, các đơn vị hoạt động vận tải nên tự đăng ký thực hiện theo hướng dẫn để tránh bị các đối tượng "cò" lợi dụng.

Ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, cho biết việc tổ chức hoạt động vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh phải chấp hành tốt quy định "một cung đường - hai điểm đến". Các phương tiện vận tải hàng hóa có giấy nhận diện phương tiện hoạt động trên "luồng xanh" cũng phải bảo đảm hoạt động đúng cung đường, phạm vi được cấp phép hoạt động.

Lo thiếu nhãn mác, hộp đựng trứng

Ngày 27-8, ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (TP HCM), cho hay tình hình vận chuyển hàng hóa đã tạm ổn định sau thời gian bị rối khi thay đổi giấy đi đường. DN chủ yếu vận chuyển bằng xe tải theo luồng xanh nên không bị vướng, còn trước đó có chốt kiểm soát yêu cầu tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính khi vận chuyển trong TP HCM nên gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, tình hình tiêu thụ trứng khá tốt, có nhiều đơn hàng sỉ mới từ các cơ quan, đơn vị lớn. Tuy vậy, nếu tình hình giãn cách kéo dài, DN sẽ gặp khó về hộp đựng trứng, nhãn mác khi nguồn dự trữ bị cạn.

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cùng ngày, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin có DN trứng lớn ở miền Nam phản ánh xe chở vỏ hộp nhựa đựng trứng không qua được trạm kiểm soát, phải nhờ can thiệp.

Bộ NN-PTNT kiến nghị UBND các tỉnh, thành có chỉ đạo giải quyết triệt để ách tắc trong vận chuyển vật tư đầu vào như thức ăn chăn nuôi, con giống, chất độn chuồng, thiết bị chăn nuôi và sản phẩm đầu ra (gia cầm thịt, trứng) vào, ra khu vực trại chăn nuôi tại các tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Với Bộ GTVT và Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT kiến nghị có biện pháp tháo gỡ về chi phí logistics trong xuất khẩu hàng hóa; chỉ đạo các tập đoàn phân phối trong nước tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, ưu tiên tiêu thụ nông sản tại địa phương nơi DN hoạt động.

Bộ NN-PTNT cũng kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng cơ chế mở cửa hoạt động xã hội đối với những người dân đã được tiêm đủ 1 mũi và 2 mũi vắc-xin Covid-19 sẽ được đi đâu, làm gì ở các tỉnh, thành phố mà tỉ lệ tiêm vắc-xin đạt trên 70% dân số từ 18 tuổi trở lên để tạo điều kiện lưu thông hàng hóa.

Xem thêm: mth.89980521272801202-ohk-mal-gnohk-uhc-auq-ueih-hcid-gnohc-noum/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Muốn chống dịch hiệu quả chứ không làm khó!”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools