Gần 50% trong số khoảng 1.200 bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục ở Vũ Hán vẫn còn di chứng sau 1 năm kể từ thời điểm họ ngã bệnh và được chữa trị khỏi bệnh. Điều này cho thấy những bệnh nhân đã hồi phục vẫn cần được hỗ trợ y tế lâu dài.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) trích dẫn kết quả trên từ một nghiên cứu mới được công bố gần đây của các nhà nghiên cứu từ các bệnh viện ở Bắc Kinh và Vũ Hán, tập trung vào các bệnh nhân từ thành phố ở tỉnh Hồ Bắc - nơi đầu tiên ghi nhận các ca nhiễm COVID-19 vào cuối năm 2019.
Nghiên cứu chỉ ra rằng sau 12 tháng, 20% bệnh nhân vẫn có các triệu chứng phổ biến là mệt mỏi hoặc cảm thấy cơ không có sức lực. 17% số bệnh nhân tham gia nghiên cứu cho biết họ bị khó ngủ, và 11% bị rụng tóc.
Cao Bin, một nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu đến từ Trung tâm Y học Hô hấp Quốc gia tại Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật, cho biết: "Chúng tôi phát hiện ra rằng, một số bệnh nhân hồi phục tốt, nhưng cũng có nhiều người để lại di chứng lâu hơn - đặc biệt là những người bị bệnh nặng".
"Nghiên cứu cho thấy một số bệnh nhân phải mất hơn một năm để hồi phục, và điều này cần được tính đến khi lập kế hoạch cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sau đại dịch", ông Cao Bin cho biết.
Nhóm nghiên cứu đã theo dõi 1.276 bệnh nhân COVID-19 sau khi họ xuất viện từ tháng 1 đến tháng 5/2020 từ bệnh viện Jinyintan của Vũ Hán, một trong những cơ sở đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 tại Trung Quốc.
Các bệnh nhân tham gia nghiên cứu - có độ tuổi trung bình là 59 - đã trải qua các cuộc kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm và kiểm tra thể lực trên máy đi bộ trong sáu phút để đánh giá thể trạng của họ lần lượt vào thời điểm 6 và 12 tháng sau kể từ thời điểm họ nhiễm virus SARS-CoV-2.
Số người có vấn đề sức khỏe sau 12 tháng giảm hẳn so với mốc 6 tháng; tuy nhiên, những người tham gia nghiên cứu vẫn có thể trạng yếu hơn so với những người dân Vũ Hán chưa từng nhiễm COVID-19.
Các nhà nghiên cứu cho biết có khoảng 30% số người tham gia vẫn có triệu chứng thở dốc, thở hụt hơi vào 1 năm sau đó. Hơn 30% bị lo âu hoặc trầm cảm nhẹ - con số này tăng lên so với thời điểm khảo sát 6 tháng trước đó. Nhưng điều đáng lo ngại là 4% số bệnh nhân tham gia nghiên cứu vẫn bị rối loạn khứu giác một năm sau ngày hồi phục.
Tạp chí khoa học danh giá The Lancet nhận định di chứng "COVID kéo dài" là một thách thức lớn của nền y tế hiện đại.
"Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị cụ thể hoặc thậm chí là hướng dẫn phục hồi chức năng, di chứng COVID kéo dài ảnh hưởng đến khả năng tiếp tục cuộc sống bình thường của mọi người và cùng với đó là khả năng làm việc của họ. Điều này sẽ có tác động đáng kể đối với xã hội, hệ thống chăm sóc sức khỏe và thiệt hại về y tế", The Lancet nhận định./.
Bách Tùng
Tổ Quốc