Dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ 4 và kế hoạch giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều tỉnh thành cả nước khiến cho thị trường bất động sản tiếp tục rơi vào thế khó khăn. Các sàn giao dịch bất động sản (BĐS) chưa kịp phục hồi hoàn toàn từ những lần bùng phát dịch trước, do đó chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề hơn.
Theo công bố thông tin về thị trường BĐS quý II của bộ Xây dựng, hầu như chỉ có các sàn giao dịch BĐS thuộc những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án mới tiếp tục duy trì hoạt động. Còn lại, khoảng 80% các sàn giao dịch BĐS chỉ làm trung gian môi giới thì hầu như phải tạm dừng hoạt động.
Với tình thế trên đã khiến số lượng lớn các môi giới bất động sản rơi vào cảnh mất việc làm. Nhiều môi giới bất động sản “rẽ lối” tìm hướng đi mới để mưu sinh.
Sale bất động sản như đi câu cá
Anh Nguyễn Hùng Mạnh (28 tuổi), một môi giới chuyên bán phân khúc chung cư ở Hà Nội được hơn 1 năm nay đang chật vật tìm kiếm một công việc ổn định để có tiền trang trải cho cuộc sống gia đình.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, anh Mạnh cho hay: “Hồi mới vào nghề, 3 tháng đầu, tôi không bán được căn nào, sau 7 tháng thì bán được 4 căn chung cư và cho thuê 1 căn shophouse. Hoa hồng mà tôi nhận được tuỳ vào từng dự án, từ 1,8% cho chung cư - 3,2% cho shophouse. Tổng thu nhập hàng tháng tầm 30-40 triệu, chưa kể chi phí chăm sóc khách hàng.
Nhưng mà dịch dã kéo dài ít khách, các sản phẩm không mang tính cạnh tranh nữa do chủ đầu tư giữ giá cao, người mua nhà cũng kém mặn mà hơn. Mấy tháng nay, tôi không bán được hàng mà với nghề môi giới này không bán được thì lấy đâu ra có tiền. Tôi muốn chuyển nghề, tìm một công việc ổn định để lo cho gia đình. Trước mắt, tôi đang bán bảo hiểm vì nhu cầu lớn và đang xin việc với lương cơ bản 2,5 triệu/tháng”.
Còn với anh Nguyễn Văn Nam (27 tuổi) - môi giới đất nền tại thị trường Bình Dương, sau thời gian ngắn "trúng đậm" vì vào nghề đúng lúc thị trường bất động sản sốt nóng, nay cũng đang chật vật tìm nguồn thu.
"Tôi làm “cò” đất đúng vào đợt sốt đỉnh, giao dịch nhà đất bùng nổ khiến nhiều người lao vào môi giới mua bán nhà đất kiếm lời, thậm chí cả nhà cùng làm “cò” rồi nhiều người bỏ cả sản xuất để làm môi giới", Nam kể lại.
“Cả năm trời đi bán, tôi mới bán được 2 lô đất nền. Tiền hoa hồng nhận được từ 2-10% phụ thuộc vào dự án và giá của từng lô. Với lô ở xa phải đi lại nhiều tiếp đón khách, tôi nhận được hoa hồng dao động khoảng gần 10% cho lô có giá từ 600-700 triệu đồng. Còn những lô ở gần hoa hồng chỉ rơi vào 2%. Ngoài ra, tôi được nhận 3 triệu đồng lương cứng từ công ty. Tổng thu nhập rơi vào 10-15 triệu/tháng”, anh Nam cho hay.
Chia sẻ thêm về nghề môi giới, Nam cho rằng, nghề này như đi câu, có những người 1-2 năm không bán được gì nhưng đến lúc có những dự án tốt có thể tháng bán được vài lô.
Do tác động của dịch bệnh, thị trường bất động sản trùng xuống và đi vào trầm lắng. Sàn giao dịch của anh Nam buộc phải tạm ngừng, từ lãnh đạo, nhân viên đều nghỉ, mỗi người tìm một hướng đi khác. Bên cạnh đó, cũng có một số anh em lập thành sàn nhỏ chỉ khoảng 3-5 người vẫn cố bám trụ hoạt động bằng hình thức bán hàng online. Tuy nhiên, với hình thức này, khách không xuống tiền nhanh bằng xem trực tiếp mà hầu như chỉ hứa hẹn giữ suất nhưng không hẹn ngày đặt cọc.
Về phần mình, anh Nam chuyển sang nghề bán hàng online. Anh cho hay: “Bán hàng online chủ động hơn và mang lại cho tôi thu nhập ổn định so với môi giới bất động sản. Bởi thu nhập từ nghề đó khá bấp bênh, lại “theo sóng” lên được thì kiếm được, không thì thôi”.
Trước tình hình trên, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch HĐQT BHS Group cũng bày tỏ quan ngại các môi giới viên khó duy trì năng lượng trong thời gian dài. Khác với việc bán những món hàng khác, có thể xoay xở tiếp cận, thuyết phục khách hàng qua hình thức online, bất động sản là tài sản lớn, người mua không dễ đưa ra quyết định mà cần quan sát kỹ trong thực tế. Điều này dẫn đến cung ít, cầu nhiều nhưng thanh khoản không có.
"Nghề sale giống như đi câu cá, buông cần lâu quá do sàn đóng hay mãi không có cá cắn câu thì sẽ chán nản và đói. Kéo dài thì người môi giới sẽ rất dễ chuyển công ty hoặc bỏ nghề", ông Tuyển nhận định.
Ứng phó với đại dịch
Ngoài vấn đề về nhân sự môi giới bất động sản, ông Tuyển cho biết thêm: Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, không phải sàn giao dịch nào cũng thua lỗ, cũng có một vài sàn giao dịch ổn định, nhờ vào dòng tiền tốt. Các sàn giao dịch đều có những hoàn cảnh khác nhau.
Đối với các sàn giao dịch lớn, đã có tài sản tích lũy, họ đã xây dựng chiến lược rất tốt, nhân sự ổn định nên trong bối cảnh hiện nay, sàn lớn vẫn “sống khỏe”. Dù vậy, số lượng sàn giao dịch này chiếm tỷ lệ nhỏ, chỉ khoảng 20% tổng số sàn đang hoạt động.
Ngược lại, với các sàn giao dịch nhỏ, mới thành lập, chưa có tài sản tích lũy lại chiếm đến 80% đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản là rất lớn.
“Do không có tài sản tích lũy, lãnh đạo rất khó tạo ra chiến lược kinh doanh dài hạn, từ đó tạo ra một áp lực rất lớn để duy trì doanh nghiệp”, ông Tuyển cho biết.
Chia sẻ về cách các sàn lớn đối mặt với dịch bệnh, ông Tuyển nói: “Nhờ vào dòng tài sản tích lũy, các sàn giao dịch lớn đã làm một cuộc “cách mạng” về công nghệ, họ đã tạo ra một xu hướng mua hàng mới cho người có nhu cầu.
Đồng thời, cũng nhờ vào dòng tài sản tích lũy đó, các sàn giao dịch lớn có sự chuẩn bị tốt hơn về mặt nhân sự. Họ liên tục tổ chức các khóa học đào tạo nghề môi giới, từ đó thu hút một lượng lớn nhân sự từ các sàn nhỏ hơn chuyển về”.
Đơn cử như một đơn vị môi giới đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào bán bất động sản mùa dịch - Cen Group, ông Phạm Thanh Hưng (Shark Hưng) đã có chia sẻ về những thay đổi của doanh nghiệp khi đại dịch Covid-19 ập đến.
“Đại dịch Covid-19 là thảm họa, nhưng cũng là yếu tố thúc đẩy cho chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực, từ mua sắm, tiêu dùng, đến vui chơi giải trí…, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Chúng ta phải nhìn thấy mặt tích cực của đại dịch”, ông Hưng cho hay.
Theo ông Hưng, cách mạng công nghệ 4.0 đang làm thay đổi mọi hoạt động trong cuộc sống, bất động sản không nằm ngoài xu thế. Những buổi mở bán online trong bất động sản trở nên quen thuộc, thu được nhiều kết quả vượt trội so với nhiều năm trước.
Là một đơn vị đã có sự chuẩn bị để đón sự phát triển của công nghệ, doanh nghiệp của ông đã mở rất nhiều sự kiện bán hàng online trên nhiều nền tảng, nhiều đầu cầu.
Theo ông Hưng, đây cũng được coi là giải pháp hữu hiệu để doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh của mình. Nếu trước kia, môi giới tìm kiếm khách hàng bằng cách xem khách hàng đi xe gì, mặc hàng hiệu gì thì nay tập trung vào công nghệ tìm kiếm xem khách hàng gõ gì trên bàn phím, làm thế nào để tiếp cận họ trong môi trường mạng.
Ngoài việc áp dụng công nghệ vào việc mở bán online, theo shark Hưng, đơn vị của ông còn tạo ra nền tảng salebook, landing page... cung cấp phương tiện làm việc cho các bạn môi giới bất động sản. Đồng thời, công ty thường xuyên họp hàng tuần, tương tác với nhân viên, động viên, chia sẻ, tạo ra các sân chơi cho nhân viên môi giới để giữ tinh thần mọi người vượt qua khủng hoảng đại dịch.