Hầu hết chúng ta đều được cha mẹ dạy rằng: "Để có được một cuộc sống hạnh phúc, con phải học thật giỏi, tìm cho mình một công việc tốt, thu nhập ổn định…"
Phần lớn chúng ta tin và làm theo lời khuyên đó. Nhưng kết quả mà nó đem lại không như những gì ta mong đợi. Tôi đã đi học chăm chỉ, đạt điểm cao trong các kỳ thi và có một công việc khá tốt. Dù vậy, tôi vẫn không cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc.
Gallup đã thực hiện một cuộc thăm dò ở phạm vi toàn cầu. Họ phát hiện ra 85% mọi người không hài lòng với công việc hiện tại của mình. Điều này dẫn đến tình trạng hàng loạt nhân viên nghỉ việc, kiệt sức hoặc suy giảm năng suất.
Tôi đã từng làm việc với một đồng nghiệp "khốn khổ". Vì không thích công việc của mình nên anh ấy trở nên chán nản, không có bất kỳ động lực nào để thực hiện chúng. Thậm chí, không thích cả những đồng nghiệp xung quanh.
Khi tôi hỏi lý do, anh ấy nói: "Sự giám sát, lãnh đạo của những người cầm quyền mới thật sự là nguyên nhân khiến tôi ghét công việc này". Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều đó.
Tôi hỏi rất nhiều người rằng: "Khi nào bạn biết rằng mình phải từ bỏ một công việc nào đó?" Dưới đây là 5 dấu hiệu mà tôi đã tổng hợp được sau một thời gian dài nghiên cứu. Hãy đọc và cho tôi biết đáp án của bạn.
1. Văn hóa doanh nghiệp độc hại
Đặc trưng của văn hóa tiêu cực là những yêu cầu khắt khe về doanh thu, các vấn đề chính trị văn phòng, buôn chuyện và đâm sau lưng người khác...
Bạn đã từng làm việc trong môi trường độc hại như vậy chưa?
Tôi đã từng trải nghiệm điều đó. Quản lý của tôi rất biết cách điều khiển nhân viên của mình. Dù biết rất rõ nguyện vọng của bạn, cô ấy vẫn lựa chọn lờ đi và làm ngược lại. Mục đích duy nhất là khiến bạn phải mệt mỏi, đau khổ.
Người quản lý sẽ không hướng dẫn hoặc đưa ra bất kỳ sự trợ giúp nào, trừ khi có một mục đích nào đó. Vì vậy bạn không nên quá tin tưởng vào những lời khuyên của họ. Bạn sẽ không bao giờ biết họ muốn gì bởi tất cả đều phụ thuộc vào tâm trạng.
Tôi đã khiếu nại với bộ phận nhân sự, nhưng không có một lời giải thích hay biện pháp xử lý nào cả. Vì vậy, cô ấy vẫn tiếp tục lặp lại hành vi của mình, cho đến khi tôi và các đồng nghiệp rời đi.
Văn hóa doanh nghiệp độc hại có tác động vô cùng khủng khiếp đến sức khỏe tinh thần và thể chất của chúng ta. Nó rút cạn năng lượng và giết chết động lực làm việc. Đồng thời, nó cũng khiến hiệu quả và giá trị công việc của bạn giảm sút.
Hãy bắt đầu tìm kiếm một công việc mới, nếu bạn thấy mình đang phải sống và làm việc trong một nền văn hóa độc hại, tiêu cực mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào từ bộ phận nhân sự.
2. Bạn gặp khó khăn trong việc cải thiện năng suất
Một điều hiển nhiên là những người vui vẻ, đam mê, hăng say với công việc luôn làm việc hiệu quả.
Nếu cảm thấy chán ghét công việc, bạn sẽ bị phân tâm, không thể nào tập trung vào việc cải thiện năng suất của mình.
Theo Cal Newport, hầu hết những việc thừa thãi đều được thực hiện trong lúc bị phân tâm. Nó khiến mọi người trở nên bận rộn nhưng không tạo ra bất kỳ giá trị nào.
Họ đang tiêu tốn năng lượng tinh thần, thể chất và cảm xúc một cách vô nghĩa. Vì vậy, nếu bạn thấy mình đang bận rộn, loay hoay tìm cách nâng cao hiệu quả công việc, thì đó chính là dấu hiệu cho thấy bạn không còn phù hợp với nó nữa.
Hãy tự hỏi bản thân: "Mình có đang quá bận rộn không?"
3. Sếp của bạn thật "đáng sợ"
Chắc hẳn, bạn đã từng nghe câu: "Mọi người không bỏ việc. Thứ mà họ từ bỏ là sếp của mình."
Theo "Peter Principle", các nhà quản lý đều có rất nhiều cơ hội để thăng tiến. Nhưng một khi, dấu hiệu của sự kém cỏi, bất tài bị lộ ra, sự nghiệp của họ sẽ chấm dứt.
Và rất có thể, sếp của bạn là một người không có đủ năng lực lãnh đạo. Một ví dụ thực tế: Giả sử có một kỹ sư giỏi. Dựa vào kiến thức chuyên môn của mình, anh được thăng chức nhưng không được đào tạo về quản lý. Và rồi, anh ấy khiến mọi thứ rối tung (công việc đình trệ, nhân viên chán nản,...).
Các dấu hiệu cho thấy một người quản lý không đủ năng lực là: hay bắt nạt, tránh xung đột, chỉ trích nhân viên nơi công cộng, kỹ năng lắng nghe kém,... Hành vi này có tác động rất lớn đến các nhân viên. Họ sẽ chán ghét công việc, thậm chí là cuộc sống của mình.
Thử nhìn xem, sếp của bạn có dấu hiệu nào kể trên hay không? Và bạn có thật sự thích làm việc với họ?
4. Bạn ghét ngày Chủ nhật
Bạn vừa tận hưởng một ngày cuối tuần tuyệt vời bên gia đình. Nhưng một cảm giác kinh khủng sẽ ập tới khi bạn nhớ ra ngày mai là thứ Hai. Bạn phải đi làm, đối mặt với sếp,... Chúng làm bạn căng thẳng.
Tôi đã từng trải qua rất nhiều đêm chủ nhật như vậy, trong đầu luôn tràn ngập những suy nghĩ và cảm giác lo lắng.
Bạn có cảm thấy căng thẳng vào tối chủ nhật không? Nếu có, hãy chuẩn bị tìm cho mình một công việc mới phù hợp hơn.
5. Bạn cảm thấy kiệt sức mỗi ngày
Nếu ngày nào bạn cũng cảm thấy kiệt quệ về cảm xúc, thể chất và tinh thần, thì bạn nên suy nghĩ đến việc từ bỏ công việc này. Bởi nó đang đòi hỏi quá nhiều ở bạn.
Tôi từng bận rộn, quay cuồng với đống công việc của mình và không có thời gian dành cho gia đình. Tôi từ chối chơi cùng con bằng lý do: "Hôm nay bố mệt". Nhưng khi nó nói: "Lúc nào bố cũng về nhà với khuôn mặt mệt mỏi" thì tôi chợt nhận ra công việc này đã không còn phù hợp với mình nữa.
Tôi xem xét lại bản thân, gia đình và công việc. Rất nhanh chóng, ngay sáng hôm sau, tôi đưa ra một quyết định quan trọng. Tôi cần hoàn thành tốt và bàn giao lại các nhiệm vụ công việc còn lại. Cuối cùng là dành nhiều thời gian hơn cho những người thân yêu.
Nếu bạn có một hoặc nhiều dấu hiệu như: không thể tập trung làm việc hiệu quả, không thích sếp của mình, ghét ngày Chủ nhật, thiếu năng lượng hay cảm thấy văn hóa doanh nghiệp độc hại, khiến bạn trở nên tiêu cực thì đã đến lúc nên tìm một công việc mới.
Và nếu đã từng bỏ việc, hãy thử trả lời câu hỏi này: "Khi nào bạn biết rằng đã đến lúc mình phải nghỉ việc?"
Mai Phương
Theo MD