Túi thuốc phát tại nhà cho F0 TP.HCM tại trạm y tế lưu động. Mỗi trạm (do quân y phụ trách) sẽ quản lý, chăm sóc 50 - 100 F0. Mô hình này bắt đầu phát huy tác dụng - Ảnh: H.T.T.
Theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh, từ đầu dịch đến ngày 28-8 toàn quốc ghi nhận tổng số 422.500 bệnh nhân COVID-19, tổng số ca tử vong đến nay là 10.465 ca, chiếm tỉ lệ 2,5%, cao hơn so với tỉ lệ chung của thế giới (2,08%).
Trong số ca tử vong cho đến nay, có 80% ở TP.HCM, kế đến là tỉnh Bình Dương 7,5%, Long An 2,5%, Tiền Giang 1,9%, Đồng Nai 1,7%, Đồng Tháp 1,2%, các địa phương còn lại từ 0,6% trở xuống.
Qua phân tích dữ liệu 5.575 ca tử vong đủ thông tin, cho thấy có 77,11% ca tử vong là ở tầng điều trị thứ 2, không phải là tầng có bệnh nhân nặng nhất.
Về tuổi của bệnh nhân tử vong, độ tuổi bệnh nhân tử vong gặp nhiều nhất là 50 - 64 tuổi, kế đến là 64 - 75 tuổi, có 0,6% bệnh nhân tử vong 18 - 29 tuổi, 2,2% từ 30 - 39 tuổi, 4,3% từ 40 - 49 tuổi...
Tính về tình trạng lâm sàng của bệnh nhân đang điều trị, có 79,4% không có triệu chứng lâm sàng hoặc triệu chứng nhẹ, 9,2% có triệu chứng nhẹ, tỉ lệ bệnh nhân nặng, nguy kịch là 11,5%.
Theo ông Khuê, trước đây TP.HCM áp dụng mô hình điều trị tháp 5 tầng, hiện tại đã thay đổi sang mô hình 3 tầng như mô hình chung toàn quốc. Trong đó chân đế là F0 điều trị tại nhà, với hệ thống cơ sở y tế lưu động quản lý và cấp thuốc tại nhà. Kế đến là tầng điều trị thứ 2, thu dung bệnh nhân vừa, tầng 3 là ca bệnh nặng và nguy kịch.
Trong đó tầng điều trị thứ 3 hiện đã có thêm các trung tâm hồi sức lớn do Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách. Các trung tâm này cũng được giao cho các bệnh viện ở tầng 2.
"Trung tâm hồi sức do Bệnh viện Bạch Mai quản lý được giao hỗ trợ cho Bệnh viện quận 7 TP.HCM, nhờ đó tỉ lệ chuyển tuyến bệnh nhân nặng từ Bệnh viện quận 7 đã giảm", đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho biết.
Qua khảo sát và đánh giá, ông Khuê cho biết số bệnh nhân COVID-19 tử vong tại TP.HCM có chiều hướng giảm (ngày 21 và 22-8 là 599 ca; ngày 24-8: 340 ca; ngày 25-8: 266 ca; ngày 26-8: 242 ca; ngày 27-8: 287 ca, và ngày 28-8 là 271 ca), và sẽ giảm mạnh hơn trong thời gian tới, đặc biệt là từ sau 15-9 "sẽ có những chuyển biến tốt", ông Khuê dự báo.
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.408 ca, trong đó, thở oxy qua mặt nạ là 4.065 ca; thở oxy dòng cao HFNC là 1.310 ca; thở máy không xâm lấn: 88 ca; thở máy xâm lấn: 921 ca; ECMO: 24 ca.
TTO - Trong ngày thứ 6 TP.HCM thực hiện tăng cường giãn cách xã hội, tỉ lệ F0 trong cộng đồng chiếm hơn 90% tổng số F0 mới. Nhưng chính quyền khuyến cáo người dân bình tĩnh vì điều này nằm trong kịch bản ứng phó của ngành y tế.
Xem thêm: mth.41410912282801202-maig-gnouh-ueihc-oc-mch-pt-o-gnov-ut-91-divoc-nahn-hneb-os/nv.ertiout