Các thành viên bếp PNU Thành đoàn TP.HCM đi chợ giúp dân - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tôi sống ở chung cư tại quận 8 (TP.HCM) và có tham gia tổ hậu cần của phường để phụ lo đi chợ cho bà con. Theo lịch của phường, mỗi khu phố nhận đơn mua hàng theo ngày riêng. Ngày 28-8 mới đến lượt bà con chung cư tôi "đi chợ".
Nhưng ngày 27-8, chúng tôi đã phải lo giải quyết "sự cố": hàng trăm combo thực phẩm do đơn vị cung cấp giao về phường đã không thể giao cho người đặt. Và tôi đã nhận hơn 100 phần về rồi tính cách chia cho bà con chung cư mình.
Tôi rà lại đơn hàng chung cư mình đặt (chưa đến ngày chuyển đi), đối chiếu với số hàng mình đang được giao về và linh động phân phối gấp. Hàng không theo đơn bà con nơi chúng tôi đặt nên không thể trùng khớp tất cả, nhưng tôi cố gắng thu xếp để giao gần hết. Và một sự cố khác xảy đến: sau sự cố giao hàng dư mấy ngày qua, đơn vị cung cấp ngưng giao hàng cho phường chúng tôi, trong khi tổ hậu cần chúng tôi còn "ôm" bao nhiêu đơn hàng đã nhận.
Chúng tôi phải lo tìm gấp đơn vị cung cấp khác. Chung cư mỗi block có hơn 300 hộ, chỉ 3 block thôi đã bằng cả khu phố. Mua theo combo còn đỡ, chứ nếu mua theo từng món thì người đi chợ như chúng tôi chắc chỉ có khóc! Tôi báo cáo phường về việc thay đổi cách làm khác trước.
Thay vì nhận đơn hàng trên giấy, chúng tôi dán mã QR đặt hàng trong thang máy, nơi dễ nhìn thấy, người mua chỉ cần quét mã đặt hàng, chúng tôi tự xử lý thông tin đơn hàng. Cách này giúp giảm tiếp xúc nhau, tôi đã góp sức xử lý thông tin đơn hàng, còn nhân viên siêu thị đỡ vất vả hơn.
Sau đó, chúng tôi sẽ nhận chuyển khoản đến tài khoản của ban quản trị chung cư. Đơn hàng nào cần chỉnh sửa hoặc chưa nhận được tiền, chúng tôi sẽ nhắc sớm.
Người đi chợ hộ ngoài việc chốt đơn còn phải làm cả những công việc của nhân viên bán hàng và nhân viên giao hàng cộng lại là nhận hàng về, chia hàng và mang hàng đến từng nhà. Hàng thiết yếu đa phần lại là hàng tươi sống, nên ngoài việc thường xuyên bị quá tải đơn hàng thì người đi chợ hộ còn phải chịu áp lực giao hàng nhanh để tránh hàng hóa bị hư hỏng. Hồi hộp và lo lắng nhất là khi nhận hàng từ nhà cung cấp mà không đủ số lượng hoặc bị "bom hàng".
Thực tế có rất nhiều lý do khiến hàng đến trễ, hàng không đủ như yêu cầu, chúng tôi thực sự rất khó nói với người đặt hàng. Có khi nhận hàng lúc 18h chiều, phân chia xong đã 20h, gọi điện nhiều người không nghe máy, mang đến địa chỉ trong đơn lại bị từ chối nhận. Đó là tình cảnh mà tổ chúng tôi đã trải qua. Chỗ tôi nhận tiền trước, nhưng nhiều nơi chưa thể làm được cách này.
Theo tôi, để đi chợ hộ thuận tiện, việc đầu tiên là khâu thiết kế hàng hóa theo các gói hợp lý với địa bàn cư dân. Nhà cung cấp cần cam kết số lượng, chất lượng hàng hóa, giao hàng đúng giờ trong ngày để người đi chợ hộ đỡ vất vả trong khâu chia hàng, giao hàng và giúp người đi chợ hộ tự tin nhận thanh toán trước tiền hàng khi nhận đơn. Cách làm của tôi cũng chỉ là một trong những cố gắng thay đổi để việc đi chợ nhẹ nhàng hơn trong những ngày tới.
Địa phương cần giữ vai trò điều phối quan trọng trong việc lựa chọn nhà cung cấp sao cho thuận tiện cho việc vận chuyển và cung ứng hàng hóa, thiết kế hình thức đặt hàng sao cho thống nhất và đơn giản để dễ triển khai, dễ tổng hợp, từ đó giảm tải công việc cho người đi chợ hộ.
Với mật độ dân số đông thì sự phối hợp nhịp nhàng giữa địa phương - nhà cung cấp - người đi chợ hộ - người mua hàng sẽ là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả và chất lượng của công tác đi chợ hộ.
Giảm tải cho người đi chợ hộ
Trong tuần đầu tiên siết giãn cách, nhiều hộ gia đình không thể đặt mua thực phẩm. Các siêu thị, cửa hàng không đủ người soạn đơn và đi giao. Nhiều nhà phân phối tất bật soạn hàng cả ca đêm vẫn không kịp đơn, nhân viên quần quật từ sáng sớm để nhận hàng và thức đêm chuẩn bị đơn cho ngày hôm sau nhưng chỉ cần giao chậm là người mua lắc đầu... không chịu nhận nữa.
Nỗi khổ đi chợ giùm cũng phát sinh từ đây. Đơn hàng đặt rau muống nhưng siêu thị chỉ có rau cải, người mua đặt nạc dăm nhưng cửa hàng chỉ còn thịt ba chỉ... Đáp ứng đúng đơn hàng là chuyện không dễ với chính các nhân viên siêu thị khi đơn hàng nhiều món, chọn đúng món này lại không có đúng món khác cùng lúc đó. Vậy nên, người mua hàng cũng nên chia sẻ những khó khăn chung này.
Một số nơi bắt đầu tập huấn cho cán bộ phường đi chợ giúp dân qua các ứng dụng (app) của công ty công nghệ. Đây là hướng đi kịp thời lúc này. Cần phải cải tiến mô hình đi chợ hộ bằng cách thay đổi quy trình thực hiện so với hiện nay. Phường xã lo huy động thêm lực lượng đi giao, còn siêu thị tập trung lên đơn, soạn hàng. Cần phải tổ chức lại khi lực lượng shipper sẵn có vốn am hiểu địa bàn, chuyên nghiệp được trở lại hoạt động giao nhận, người nào việc đó, chuyên nghiệp, thành thạo.
Xử lý cùng lúc cả trăm, cả ngàn đơn hàng là việc không thể đối với cán bộ địa phương, trong khi nhiều nơi hiện nay vẫn tổ chức đi chợ hộ bằng cách nhận và gửi đơn hàng bằng giấy đến siêu thị. Cần ứng dụng triệt để công nghệ trong việc nhận hàng, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của cư dân, bớt đi gánh nặng nào đó cho nhân sự tổ dân phố, phường xã.
Một số nơi bắt đầu mở thêm các cửa hàng rau củ, thịt cá khác trên địa bàn. Người mua đặt hàng qua Zalo, các cửa hàng kết nối phường xã thực hiện giao hàng đến nhà. Đây cũng là cách giảm tải cho siêu thị và người dân có nhiều kênh để tự mua hàng.
KHÁNH PHƯƠNG
TTO - Từ những bỡ ngỡ lúc ban đầu, hình ảnh "lực lượng hỗ trợ đặc biệt" là những chú bộ đội, những anh dân quân hay những chị công an xuất hiện trong các siêu thị để đi chợ giúp người dân đã quen dần trong những ngày giãn cách chống dịch.
Xem thêm: mth.93940052282801202-iuv-gnuc-aum-ohn-neb-av-oh-aum-iougn/nv.ertiout