Học viên Học viện Quân y (Hà Nội) hướng dẫn và phát bộ kit test xét nghiệm nhanh tại nhà cho người dân ở phường 4, quận 8, TP.HCM - Ảnh: XUÂN MAI
Những ngày sau đó, bên cạnh việc cần điều trị về mặt thể chất, họ còn rất cần đến điều trị về mặt tinh thần. May mắn là những ngày gần đây, việc chăm sóc tinh thần cho bệnh nhân đã có những cải thiện đáng kể.
Chiều muộn 27-8, chúng tôi theo chân các học viên Học viện Quân y có mặt tại đường Phạm Thế Hiển, phường 4, quận 8, TP.HCM và những con hẻm nhỏ nằm sâu trên con đường này.
Với sự hỗ trợ của tổ trưởng tổ dân phố, những học viên Học viện Quân y đã gõ cửa từng nhà, tận tình hướng dẫn từng hộ gia đình cách lấy mẫu xét nghiệm nhanh. Ai không thể tự test nhanh được, các học viên này sẽ thực hiện.
Ông Nguyễn Xuân Dinh - phó chủ tịch UBND phường 4, quận 8 - cho biết hiện trên địa bàn phường có 147 tổ dân phố. Những ngày qua, địa phương tăng tốc xét nghiệm, mỗi vùng sẽ có hình thức xét nghiệm khác nhau theo kế hoạch của thành phố.
Tính đến trưa 27-8, phường đã lấy 12.503 mẫu xét nghiệm nhanh, phát hiện 751 ca dương tính, chiếm tỉ lệ 6%, tất cả là ca nhiễm trong cộng đồng.
Theo dữ liệu từ cổng thông tin COVID-19 TP.HCM, qua thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tại quận 8 ở mức báo động "đỏ", chiếm trên 90% trong tổng số ca mắc mới được ghi nhận trên địa bàn quận.
Với việc F0 mới hầu hết đều là ca cộng đồng thì địa phương sẽ xử lý như thế nào? Ông Dinh cho biết khi người dân đi lấy mẫu xét nghiệm nhanh sẽ ghi thông tin cá nhân kèm số điện thoại vào phiếu, phiếu này được nhân viên y tế thu lại.
Ngay khi có kết quả test nhanh dương tính ở trường hợp nào đó, tổ chuyên gia chăm sóc F0 của Trường ĐH Y dược TP.HCM tại quận 8 sẽ gọi điện thoại ngay đến tư vấn, hỏi thăm sức khỏe. Từ đây mọi việc được xử lý "bài bản" ở các bước tiếp theo.
Nếu F0 cần thu dung hay hỗ trợ y tế (những trường hợp có triệu chứng hoặc kèm bệnh nền, không đủ điều kiện cách ly tại nhà) thì tổ chuyên gia Trường ĐH Y dược TP.HCM sẽ chuyển ca bệnh về trạm y tế phường để làm hồ sơ đưa F0 đi cách ly và điều trị.
Nếu F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, cùng với đủ điều kiện cách ly tại nhà, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn những việc cần làm khi cách ly tại nhà. Hiện phường có 2 trạm y tế lưu động, mỗi trạm có 3 người là học viên Học viện Quân y có nhiệm vụ thăm khám, phát thuốc, hướng dẫn cho các trường hợp F0 đang cách ly ở nhà.
"Phường ưu tiên tư vấn tất cả trường hợp F0 nên vào khu thu dung. Trước đây địa phương đã gặp tình trạng thiếu nơi thu dung cho F0 nhưng hiện quận đã mở rộng, đáp ứng đủ khu thu dung nếu địa phương tiếp tục ghi nhận nhiều ca F0" - ông Dinh chia sẻ.
Theo ông Dinh, thực tế rất nhiều trường hợp khi hay bản thân mình hoặc người thân trở thành F0 thường rơi vào tình trạng hoảng loạn, hoang mang. "Đa số tâm lý người bệnh muốn được quan tâm. Họ lo lắng, suy nghĩ nhiều nên không ăn, không vận động, làm oxy trong máu giảm, kéo theo kháng thể giảm. Họ cứ nghĩ nhiễm COVID-19 sẽ đưa đến cái chết" - ông Dinh nói.
Vì thế, bên cạnh cấp phát túi thuốc cho F0, nhân viên y tế sẽ gọi điện thoại tư vấn, trấn an, động viên, hướng dẫn ăn uống... để F0 để tăng cường sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần. Trong trường hợp người bệnh không thể tự lo thực phẩm, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ.
TTO - Trong ngày thứ 6 TP.HCM thực hiện tăng cường giãn cách xã hội, tỉ lệ F0 trong cộng đồng chiếm hơn 90% tổng số F0 mới. Nhưng chính quyền khuyến cáo người dân bình tĩnh vì điều này nằm trong kịch bản ứng phó của ngành y tế.
Xem thêm: mth.43490029092801202-naht-hnit-couht-nod-gnuhn-noh-ueihn-oc-ad/nv.ertiout