Trong một video mới nhất quay được từ camera giấu kín, các nhà khoa học đến từ Cộng hòa Séc cho biết họ đã có bằng chứng đầu tiên cho hành vi giải cứu đồng loại của lợn rừng, khi chúng bị mắc kẹt vào bẫy của con người.
Theo đó, một nhóm lợn rừng đã thể hiện tinh thần đồng đội khi phối hợp với nhau để nhấc cửa một chiếc bẫy hộp, giải thoát cho hai con lợn rừng đực vô tình lọt vào trong đó. Những nỗ lực thông minh và đột phá này trước đây đã được quan sát thấy ở một số loài động vật có tính xã hội cao, bao gồm chuột và kiến.
Các nhà khoa học cho biết giải cứu đồng loại là một hành vi phức tạp, nó đại diện cho một hình thức đồng cảm cao của giống loài. Đây là lần đầu tiên hành vi này được quan sát thấy trên lợn rừng.
Lợn rừng Sus scrofa thể hiện hành vi đồng cảm giống loài cao.
Đối với con người, giải cứu có thể là một hành vi khá dễ hiểu. Khi thấy một đứa trẻ bị đuối nước, ngay lập tức, bạn có thể cởi bỏ giày dép và nhảy xuống cứu đứa trẻ đó. Hoặc chí ít, những người xung quanh cũng sẽ tri hô để mong muốn tạo ra sự chú ý về mặt xã hội để cứu được tính mạng của người bị nạn.
Những hành động tưởng chừng hiển nhiên đó, hóa ra, lại khá phức tạp về mặt nhận thức. Theo xác nhà khoa học, một hành vi giải cứu được xác định khi nó thỏa mãn cả 4 tiêu chí sau:
1) Có một nạn nhân đang gặp nạn
2) Một người cứu hộ đang tự đặt mình vào rủi ro trong nỗ lực giải thoát nạn nhân
3) Để giải cứu nạn nhân, người cứu hộ cần thực hiện một hành động đáng kể, ngay cả khi nỗ lực không thành công
4) Người cứu hộ không vị lợi ngay lập tức khi họ giải thoát nạn nhân
Con người chúng ta có thể dễ dàng thỏa mãn cả 4 tiêu chí này. Tuy nhiên đối với các loài động vật, đó lại là một thử thách khó khăn. Bản năng của chúng là sinh tồn, vì vậy, khó có thể tìm thấy một loài động vật nào tự đặt mình vào nguy hiểm chỉ để cứu đồng loại mà không vị lợi.
Nếu trước đây có một con vật cứu một con vật khác, nhiều khả năng chúng sẽ làm điều đó vì việc cứu con vật kia cũng là để có được thức ăn hoặc thực hiện hành vi tình dục với con vật đó.
Bởi vậy, khi các nhà khoa học quan sát được hành vi giải cứu của lợn rừng, họ đã khá ngạc nhiên.
Chiếc bẫy hộp mà các nhà khoa học sử dụng trong nghiên cứu.
Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Scientific Reports, hành vi giải cứu được ghi nhận trên lợn rừng (Sus scrofa). Trong một nỗ lực nghiên cứu loài động vật này, các nhà khoa học đã đặt một chiếc bẫy hộp và một chiếc camera giấu kín ghi lại hành vi trong khu vực sinh sống của chúng.
Vào một đêm lúc rạng sáng, họ đã quan sát thấy có 2 con lợn rừng bị sập bẫy, một con lợn rừng vị thành niên và phụ huynh của nó. Sau khi bị mắc bẫy, cả 2 con lợn bắt đầu có dấu hiệu đau khổ, chúng húc vào các bức tường của bẫy và chạy xung quanh.
Vài giờ sau đó, hành vi này thu hút được sự chú ý của một nhóm gồm 8 con lợn đực và một con cái trưởng thành. Chúng được quan sát thấy khi đứng bên ngoài lồng bẫy. Con lợn rừng cái sau đó dường như đã đồng cảm với tiếng kêu cứu của đồng loại.
Nó dựng đứng bờm lên và bắt đầu lao vào khúc gỗ đang chặn ở đầu bẫy, cũng là cơ chế mở khóa để giải thoát cho hai con lợn bên trong. Khúc gỗ sau đó bị loại bỏ, những con lợn rừng đực đã có thể đẩy cửa và thoát ra ngoài.
"Toàn bộ cuộc giải cứu diễn ra nhanh chóng, các hành vi cụ thể và phức tạp được nhắm mục tiêu chính xác cho thấy xu hướng xã hội sâu sắc và khả năng giải quyết vấn đề đặc biệt ở lợn rừng", các tác giả nghiên cứu viết.
"Hành vi giải cứu có thể được thúc đẩy bởi sự đồng cảm bởi vì con lợn rừng cứu hộ cái biểu hiện hành động không vụ lợi, một dấu hiệu của sự đau khổ, cho thấy trạng thái cảm xúc phù hợp với sự đồng cảm hoặc thấu hiểu với hai con lợn rừng đực là nạn nhân".
Con lợn rừng cái húc vào thanh gỗ ở đầu bẫy để giải thoát cho hai con lợn rừng đang đau khổ ở trong.
Trước đây, một số nghiên cứu đã cho thấy lợn rừng có hành vi đồng cảm với đồng loại. Khi thấy một con lợn rừng khác gặp nạn, chẳng hạn như rơi xuống vực hoặc mắc kẹt, chúng đã thể hiện sự đau khổ bằng cách kêu rống hoặc chạy loạn.
Các nhà khoa học cho biết có thể thông qua một cơ chế tương tự mà con lợn cái trong trường hợp này đã có động lực không vụ lợi để cứu hai con đực trong bẫy lồng. "Lợn rừng thể hiện hành vi đồng cảm dưới nhiều hình thức khác nhau. Báo cáo của chúng tôi về hành vi cứu hộ có thể là một bằng chứng bổ sung đại diện cho sự đồng cảm của chúng", các nhà nghiên cứu viết.
"Trong số tất cả hành vi phù hợp với trạng thái cảm xúc thì hành vi giải cứu thể hiện sự đồng cảm phức tạp nhất". Trước đây, nó chỉ được quan sát thấy ở các loài động vật bậc cao hoặc có tính xã hội như con người. Nghiên cứu mới bây giờ là một bằng chứng cho thấy lợn rừng cũng đã phát triển sự đồng cảm ấy.
Tham khảo Nature
Thanh Long
Pháp luật và bạn đọc