Ngày 13/7/1986, khoảng 100 công nhân Mexico nhập cư làm thuê cho nông trại tụ tập tổ chức lễ sinh nhật gần các cánh đồng dâu tây ở Sandy, bang Oregon. Bia chảy không ngừng và lời qua tiếng lại nổ ra giữa nhóm nam thanh niên đang ngà ngà say, dẫn đến ẩu đả.
Cậu thanh niên Ramiro nhảy lên chiếc Chevrolet và lao thẳng về phía cánh đồng. Chiếc bán tải chở sáu người đàn ông chạy phía sau, trong đó có Santiago Ventura Morales, đang gấp gáp truy đuổi.
Tới nơi, Santiago và nhóm bạn chỉ nhìn thấy chiếc Chevrolet của đối thủ nên dùng súng lục bắn nát cửa sổ, rạch lốp xe và lấy trộm pin. Họ đốt xe và bỏ đi. Cảnh sát nhận được cuộc gọi về chiếc xe đang cháy nên đã chặn họ lại, tịch thu súng.
4h14 cùng ngày, thi thể Ramiro với 2 nhát đâm vào ngực được tìm thấy trong bụi cây gần chiếc Chevrolet màu hạt dẻ cháy rụi, cạnh ruộng dâu tây. Trưa hôm đó, cảnh sát tìm những kẻ tình nghi. Santiago cùng 6 người bị bắt, còng tay đưa đến văn phòng cảnh sát trưởng quận Clackamas.
Một cảnh sát nói tiếng Tây Ban Nha, nhiều kinh nghiệm đã thẩm vấn các nghi phạm, tuyên bố có thể tìm ra dấu vết của tội lỗi dù nhỏ nhất. Khi là người duy nhất từ chối nhìn thẳng vào mắt nhà điều tra, Santiago với bộ dạng run rẩy tái mặt đã lập tức bị bắt giam với cáo buộc giết người.
Santiago là người da đỏ thuộc dân tộc thiểu số Mixtec đến từ Oaxaca, miền nam Mexico. Năm 14 tuổi, anh ta rời ngôi làng nghèo, vượt biên sang Mỹ lao động chân tay cùng với nhóm trai làng, đều là người Mixtec, chưa ai học hết lớp 6. Họ chấp nhận công việc được trả lương thấp nhất trong chuỗi nông nghiệp và ở trong những mái nhà tạm để tích cóp tiền nuôi gia đình ở quê nhà.
Santiago không có tiền án tiền sự, là người ít nổi nóng. Bốn năm trên đất Mỹ, người ta chỉ thấy cậu thanh niên nhỏ con cao chưa đầy 1,6 m cặm cụi trên đồng và ngại cả việc đáp lại lời trêu đùa của thiếu nữ trong vùng.
Công tố viên đưa ra thỏa thuận nếu nhận tội ngộ sát, Santiago sẽ ra tù trong 36 tháng. Nói bằng tiếng Mixtec với các luật sư, anh ta từ chối đề nghị này, cho rằng "không giết ai".
Vụ án được xét xử tháng 9/1986. Santiago được cung cấp một phiên dịch viên tiếng Tây Ban Nha. Hai người đi cùng xe bán tải là nhân chứng chính được cơ quan công tố mời tới. Ban đầu, họ nói chỉ nhìn thấy chiếc ôtô, nhưng sau giờ nghỉ trưa trong phiên tòa đã bất ngờ thay đổi lời khai, cho hay nhìn thấy Santiago đâm chết nạn nhân.
Mặc dù có lượng máu đáng kể chảy ra từ các vết thương, cuộc kiểm tra trong phòng thí nghiệm không tìm thấy dấu vết của vết máu trên quần áo hay ngay cả hung khí, con dao thu được của bị cáo. Giám định y khoa cho rằng, khi Santiago rút con dao ra khỏi vết đâm "các mô mỡ của nạn nhân đã lau sạch máu". Luật sư của Santiago chế giễu "thuyết chất béo" này nhưng cũng không thuê chuyên gia để phản bác.
Santiago tỏ ra hoang mang trong suốt phiên tòa, thường trả lời các câu hỏi với khuôn mặt trống rỗng, ngờ nghệch. Điều này khiến bồi thẩm càng định kiến rằng Santiago coi thường pháp luật và đang cố gắng che giấu tội lỗi.
Ngày 2/10/1986, sau phiên đối chất 10 ngày, chàng trai nhập cư 18 tuổi bị tuyên phạm tội Giết người, bị phạt tù chung thân. Santiago đứng bật dậy và khóc. Tiếng hét của anh vang vọng khắp vòm của Tòa án Quận Clackamas.
Trong vòng vài ngày, ba trong số 12 bồi thẩm đoàn đã suy nghĩ lại. Họ cho rằng có thể đã đưa ra quyết định sai lầm với Santiago và họp bàn để tự mình làm rõ mọi chuyện.
Họ mời người bạn thân là bà Donna Slepack, Trưởng khoa tâm lý, Đại học Antioch, Portland đến thăm Santiago, kết bạn với anh ta và làm việc cùng 5 giờ mỗi ngày, từ thứ 2 đến thứ sáu. Bà Donna Slepack mang quà cho Santiago, ngoài áo quần, đồ ăn, còn có cả những cuốn sách.
Bà bắt đầu bằng việc để anh khóc trên vai mình như đứa con trai nhỏ, và dạy tiếng Anh. "Cậu bé là học sinh giỏi nhất mà tôi từng có", bà nói.
Khi Santiago có thể giao tiếp tiếng Anh, việc đầu tiên là gọi bà bằng mẹ. Sau đó, anh kể về đêm ở cánh đồng dâu tây, nói không làm gì khác ngoài việc cùng bạn bè đập phá ôtô của nạn nhân rồi đi về nhà. "Con vô tội, họ đổ oan cho con", Santiago ôm đầu và khóc.
Trong khi đó, các bồi thẩm viên bắt đầu tìm hiểu về dân tộc Mixtec, và các nhà nhân chủng học đã nhanh chóng xác định một vấn đề quan trọng: người Mixtec không nói được tiếng Tây Ban Nha. Điều đó có nghĩa, người phiên dịch trong phòng xử đã chuyển ngữ không hiệu quả, không chỉ với bị cáo, mà còn với 2 nhân chứng.
Hơn nữa, truyền thống của người Mixtec không bao giờ nhìn thẳng vào mắt người lớn tuổi. Việc này giải thích cho cách cư xử của Santiago trong suốt quá trình thẩm vấn và cả phiên xét xử.
Chiến dịch lấy lại sự vô tội cho Santiago bắt đầu nổi lên và nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Từ song sắt nhà tù, Santiago thậm chí còn được mời xuất hiện trên chương trình truyền hình của Oprah Winfrey.
Trong vòng vài tuần, các phương tiện truyền thông quốc gia đã đưa tin về "chàng trai Mixtec". Ngay sau bản tin, hàng chục cuộc điện thoại đổ về, ngỏ ý muốn quyên góp những tấm séc hàng nghìn USD cho chiến dịch minh oan.
Bà Donna và các thành viên của bồi thẩm đoàn cũng tìm được cho Santiago một luật sư giỏi nhất Oregon. Sau lần đầu nói chuyện với anh trong trại giam, bị cảm kích bởi sự chân chất và lương thiện, luật sư DeMuniz quyết định bào chữa miễn phí.
Việc đầu tiên, luật sư tìm một nhà tội phạm học uy tín làm việc cho chính phủ trong 15 năm để kiểm tra lại con dao và các bằng chứng vật chất khác. "Thuyết chất béo" của cơ quan công tố, cuối cùng bị xác định là "mâu thuẫn, gây hiểu lầm, không đầy đủ và không chính xác".
DeMuniz cũng nói chuyện lại với 2 nhân chứng, và họ đều nhanh chóng rút lại cáo buộc, đồng thời khẳng định lời khai tại toà do bị cảnh sát và công tố "cưỡng chế". Một nguyên nhân khác là rào cản ngôn ngữ.
Quan trọng nhất, DeMuniz tìm thấy một nhân chứng chưa từng xuất hiện, cũng là công nhân hái dâu thuê tại trang trại, người Mixtec. Anh cho biết đã lái chiếc xe thứ ba, theo sau xe của nạn nhân và xe của Santiago.
Trong một cuộc thẩm vấn được quay video, anh kể trước khi Santiago đến, mình đã chứng kiến một người đàn ông tên Herminio đuổi theo nạn nhân. Herminio sau đó trở về một mình và khá thẳng thắn về những gì vừa xảy ra. "Tôi đã giết anh ta", Herminio nói và biến mất vào tối hôm đó, bỏ lại mẹ già và vợ con tại cái lán. Luật sư nghe và ôm chặt vai "nhân chứng vàng" này, thở sảng khoái.
Lúc này, ở trại giam, Santiago không chỉ chứng minh là người lương thiện, mà còn vô cùng hiếu học. Anh ta đã thông thạo tiếng Anh, có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông và sau đó chuyển sang các lớp cao đẳng về triết học, khoa học chính trị và tiếng Thái. Anh chơi guitar và hát trong dàn hợp xướng của nhà thờ; "chiến thắng" một cuộc thi thơ trong tù.
Sự ủng hộ dành cho Santiago không ngừng tăng lên. Hiệu trưởng Đại học Portland thậm chí đã trao cho anh ta học bổng toàn phần khoa Luật, đợi sẵn ngày được tự do.
Phiên điều trần được mở vào tháng 8/1990 được ví như "phiên toà thế kỷ" với phóng viên khắp nước Mỹ và công chúng phập phồng đợi ngoài cánh cổng toà. Bất chấp sự phấn khích của hàng chục triệu người Mỹ, Santiago vẫn phải quay lại phòng giam để đợi phán quyết cuối cùng, nhưng lần này anh đã không còn phải khóc.
Đêm 4/1/1991, hàng chục máy quay phim vây quanh luật sư trong gian phòng khách, hồi hộp đợi ông quay số đến nhà tù. "Ôi chúa ơi. Thẩm phán lật ngược bản án. Santiago, cậu vô tội rồi. Tự do", luật sư cười lớn khi nói chuyện với Santiago.
Năm ngày sau, Santiago bước ra khỏi cánh cổng tù mở rộng. Trong vòng vây hàng trăm người, Santiago nhớn nhác tìm "mẹ Donna". Hai người ôm nhau khóc.
Sau thời gian về thăm quê nhà ở Mexico, Santiago trở lại Oregon vào năm 1992 để nhận học bổng tại Đại học Portland và làm việc tại Trung tâm Luật bang Oregon sau khi tốt nghiệp. Giờ, anh luôn nhìn thẳng vào mắt mọi người.
Nhưng Herminio, thủ phạm thật sự, chưa bao giờ lộ diện.
Hải Thư (Theo LATimes, OregonLive, LawUmich)
Xem thêm: lmth.8887434-od-ad-nahn-ut-gnahc-auc-gnouht-ihp-iod-couc/ten.sserpxenv