Trong cuộc trò chuyện đặc biệt hoàn toàn online vì tình hình dịch bệnh, vị cá mập chắc cú nhất hội đồng đầu tư Shark Tank Việt Nam cho biết ông vẫn xuống nhà máy mỗi ngày. Nhà máy Sunhouse đặt tại Quốc Oai – một huyện tại Hà Nội sau 16 ngày (tính đến ngày 29/8) chưa có ca nhiễm mới, hiện đang chạy hết công suất và vẫn tiếp tục tuyển người.
* Trong một talkshow ngay đầu dịch Covid-19 hồi năm 2020 do CafeBiz tổ chức, anh từng nhận định "Trong nguy có cơ", trong đại dịch sẽ có cơ hội. Sau một năm rưỡi chống chọi với đại dịch, anh có còn giữ nguyên nhận định ấy?
Ông Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Sunhouse: Chắc chắn. Tôi nghĩ sẽ nhiều cơ hội với những doanh nghiệp có tiềm lực. Nguyên tắc tài sản vẫn thế, lúc nhu cầu thấp thì giá xuống. Ai có tiền sẽ có cơ hội.
* Anh nhìn thấy cơ hội của Sunhouse trong Covid thế nào?
Chúng tôi đẩy mạnh mảng xuất khẩu. Các thị trường quốc tế như Châu Âu, Mỹ hồi phục mạnh, cơ hội cao. Hiện hai nhà máy xuất khẩu của chúng tôi phải chạy hết công suất và vẫn tiếp tục tuyển dụng, tăng người. Sunhouse đang dồn toàn lực cho mảng này.
Với thị trường nội địa, chúng tôi tập trung vào mảng online. Đây là cơ hội và là động lực để chuyển đổi số. Bình thường có thể do lười, nay buộc phải nghĩ ra cách để online.
* Tôi có thấy gian hàng chính hãng của Sunhouse trên Lazada và Shopee. Một nhà sản xuất đồ bếp truyền thống như Sunhouse dịch chuyển lên online thế nào?
Thực ra online hay offline, bản chất gốc vẫn giống nhau. Hình thái giao dịch hàng hóa từ cổ đại đến giờ là nơi để giao thương giữa người mua và người bán. Xa xưa người mua và người bán giao dịch một tụ điểm, chợ truyền thống, sau này hiện đại hơn là những trung tâm thương mại, khi có internet thì các không gian ảo trên mạng – các sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Trong thời đại số, người mua hàng thay vì đến tận nơi thì qua đường truyền internet, xem và đặt hàng được. Về bản chất, TMĐT vẫn là nơi người mua và người bán gặp nhau, chỉ là cách thức gặp nhau khác. Dịch bệnh khiến chúng ta không thể di chuyển vật lý, buộc phải tìm công cụ mới. Các doanh nghiệp phải chuyển đổi, Sunhouse cũng không ngoại lệ.
* Các shop online thường livestream bán hàng. Anh Phú có nghĩ mình sẽ livestream bán chảo sau trải nghiệm bán hàng trên Shark Tank Việt Nam?
Có khả năng chứ! Là một lãnh đạo, khi mình tham gia sẽ là nguồn động viên, truyền lửa cho anh em. Mình sẽ phải là người dẫn đầu.
* Covid cũng là bước ngoặt của nhiều doanh nghiệp. Nhìn lại hoạt động của doanh nghiệp mình, anh Phú thấy đâu là điểm tự hào về đội ngũ nhân viên và những điều làm được của Sunhouse trong thời buổi khó khăn này?
Có nhiều điểm để tự hào về người Sunhouse trong giai đoạn này. Tôi thấy sự nhiệt huyết của anh em, đặc biệt người lao động dưới nhà máy trong điều kiện ăn ở rất khó khăn, phải xa gia đình. Tôi thấy nhiều chị em phụ nữ có con nhỏ, họ đã chấp nhận xa gia đình, xa con mình để đồng hành cùng công ty.
Tôi thấy cả những anh em khối kinh doanh ở nhà nhưng vẫn sáng tạo, tìm mọi cách tiếp cận khách hàng, bán hàng, đồng hành cùng cộng đồng hỗ trợ cho vùng dịch bệnh. Bản thân cán bộ nhân viên miền Nam có một vài trường hợp vì đi cứu trợ, mà 4 - 5 anh em đều trở thành F0, dù trang bị đầy đủ bảo hộ… Điều ấy thể hiện rất tốt tố chất của con người Sunhouse.
* Fanpage Shark Phú vừa đưa ra lời hiệu triệu các F0 khỏi bệnh thành chiến binh chống dịch. Anh có thể chia sẻ cụ thể về chiến dịch này?
Qua câu chuyện trao đổi với anh Đặng Hồng Anh – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, tôi được biết tình hình dịch Covid-19 trong miền Nam hiện nay tỷ lệ tử vong đang cao so với tỷ lệ trung bình, mà nguyên nhân sâu xa là do lực lượng y bác sĩ không đủ để chăm sóc người bệnh.
Vào giai đoạn chống chọi khó khăn nhất của người bệnh, nếu không có người hỗ trợ kịp thời, rất dễ dẫn đến tử vong. Mà lực lượng hỗ trợ y bác sĩ tuyến đầu thì người bình thường lại không được vào, bởi đặc tính dễ lây. Chỉ có những người đã khỏi bệnh, có kháng thể, và đặc biệt rất thấu hiểu tình cảnh người bệnh trong giai đoạn đó cần gì, đó sẽ là lực lượng bổ trợ rất tốt cho lực lượng y bác sĩ, giúp người bệnh vượt qua giai đoạn khó khăn.
Chính vì thế, tôi đã đề xuất lên UBND TPHCM cũng như Bộ Y tế để kêu gọi các F0 có thể trở thành những chiến sĩ trong công cuộc chống lại dịch bệnh. Chúng tôi muốn tiên phong đưa ra sự hỗ trợ đó, thông qua đó mong muốn kêu gọi mọi người cùng chung tay. Tôi mong nhiều doanh nghiệp và người dân những vùng chưa dịch bệnh có thể hỗ trợ, tạo điều kiện thực hiện chương trình, một phần tạo công ăn việc làm cho các F0 – những hoàn cảnh khó khăn chưa thể có việc làm ngay – sẽ có việc, và đó lại lại việc vô cùng nhân văn để giúp cộng đồng.
* Trong giai đoạn khó khăn, vừa duy trì sản xuất, lại vừa hỗ trợ xã hội chống dịch, Sunhouse có phải giảm quỹ lương? Lương của ban quản lý, điều hành có bị ảnh hưởng?
Khi có dịch bệnh, các cấp quản lý lương thì tính theo tỷ lệ doanh thu, nhưng không thấp hơn 50%. Cán bộ công nhân viên cũng tính theo tỷ lệ doanh thu hoàn thành, nhưng không thấp hơn 70%. Chúng tôi ưu tiên những người lao động. Các cấp quản lý thường có thu nhập tốt hơn, nên sẽ cần chia sẻ nhiều hơn.
Còn người lao động thì Sunhouse duy trì mức thu nhập tối thiểu tương đương 70% thu nhập trong giai đoạn bình thường, kể cả trường hợp nhân viên phải nghỉ ở nhà. Đó là chính sách mà chúng tôi đang rất cố gắng trong giai đoạn dịch bệnh này để hỗ trợ người lao động.
* Lương anh Phú thì sao?
Hiện nay tôi không nhận lương. Tôi đang đi làm không công (cười).
* Nhiều tỉnh thành đang phải thực hiện giãn cách xã hội. Hoạt động kinh doanh của Sunhouse bị ảnh hưởng ra sao, thưa anh?
Thị trường nội địa của chúng tôi bị ảnh hưởng nặng. Các cửa hàng, siêu thị điện máy đóng cửa, doanh số thị trường miền Nam ước giảm tới 80%, doanh số thị trường cả nước ước tính sụt giảm một nửa.
Rất may mắn, chúng tôi có mảng xuất khẩu bù lại.
* Trước tình hình này, Sunhouse có phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh?
Giờ không thể lập được kế hoạch. Chúng tôi làm theo kịch bản, đưa ra các dự báo tốt, xấu, trung bình, và khi tình hình rơi vào kịch bản nào thì đưa ra các hành động phù hợp.
3 kịch bản Sunhouse đang đưa ra gồm:
- Kịch bản tốt: Chỉ giãn cách theo Chỉ thị 16 đến hết tháng 8. Với kịch bản này, mảng kinh doanh nội địa có thể tương đương cùng kỳ năm ngoái.
- Kịch bản trung bình: Giãn cách đến hết tháng 9. Lúc này, mảng kinh doanh có thể tương đương 80 – 90% cùng kỳ.
- Kịch bản xấu nhất: Giãn cách đến hết năm. Mảng kinh doanh nội địa chỉ bằng 70% so với cùng kỳ.
Nếu cộng thêm mảng xuất khẩu, doanh thu của chúng tôi dự kiến vẫn tăng trưởng 10%, 20% hoặc 30% tương ứng với 3 kịch bản trên.
* Nhà máy của Sunhouse hiện ảnh hưởng ra sao?
Các nhà máy của chúng tôi hiện cũng đang áp dụng 3T (Ba tại chỗ gồm Ăn tại chỗ, Ngủ tại chỗ, Sản xuất tại chỗ), với 1.500 công nhân trong nhà máy.
Sunhouse tại miền Nam cơ bản làm việc online từ 3 tháng nay. Nhà máy cũng thực hiện "3 tại chỗ". Vấn đề quan trọng nhất của chúng tôi tại miền Nam hiện giờ là thiếu công nhân. Thứ nhất là khó tuyển mới, hai là có những người không muốn thực hiện 3T, ở quá lâu trong nhà máy.
* Shark Tank Việt Nam mùa 4 vừa kết thúc. Tình trạng giãn cách xã hội thế này có ảnh hưởng tới việc rót vốn của Shark Phú vào các startup sau Shark Tank?
Giãn cách khiến các bên khó tiếp xúc. Bên cạnh đó, hiện nhiều bạn startup cũng phải dừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, việc rót vốn chúng tôi đang tạm hoãn.
* Trong 2 mùa đầu Shark Tank, anh từng chia sẻ đã rót vốn vào 5 startup. Anh có thể chia sẻ tình hình của 5 startup này?
Thực ra, tỷ lệ thành công của startup rất thấp, đâu đó dưới 1%. Những startup tôi đã đầu tư, cơ bản họ đang sống lay lắt, chứ chưa có trường hợp nào đột phá, vượt qua được ngưỡng. Phải chấp nhận thôi, vì đây là một khoản đầu tư.
Lên Shark Tank, về bản chất, chúng tôi cũng xác định như các case study giúp giới startup cũng như người dân hiểu hơn về câu chuyện kinh doanh, chứ không đặt mục tiêu quá nặng về việc thành công và kiếm được tiền. Tất nhiên nếu may mắn, như đầu tư mạo hiểm, 10 thương vụ được 1 vụ đã rất may rồi. Thế nên, chúng tôi không bị sức ép về việc phải thành công cho startup mà cố gắng hỗ trợ các bạn ở mức tối đa, khuyến khích các bạn tự trưởng thành.
* Mùa này Shark Phú có vẻ lựa chọn startup kỹ tính hơn, và rất hứng thú với các startup công nghệ. Đã có startup nào trong mùa 4 anh thấy ưng ý và chuẩn bị rót vốn chưa?
Tôi xác định lựa chọn những statup chung hệ sinh thái của Sunhouse, nếu phát triển sẽ giúp Sunhouse phát triển và ngược lại.
AnHome về smarthome, liên quan đến đồ gia dụng thông minh trong gia đình, phù hợp với định hướng của Sunhouse; hay Nobita.pro là startup hỗ trợ các startup bán hàng online. Đấy là 2 startup rất phù hợp trong giai đoạn chuyển đổi số, chúng tôi tính sẽ rót vốn ngay khi hết phong tỏa.
* Có khá nhiều lời khuyên khác nhau cho các startup trong giai đoạn này, mà bản thân các Shark cũng có nhiều lời khuyên thậm chí trái ngược nhau. Nếu chỉ dùng 1 từ để khuyên startup trong giai đoạn khó khăn này, anh sẽ khuyên gì?
Hoàn cảnh của các startup không giống nhau, không thể dùng chung một lời khuyên. Chỉ có mình hiểu mình thôi, không nên nghe xung quanh. Chúng ta lắng nghe để chúng ta học, còn để áp dụng thì chỉ có mình hiểu mình thì mới ra được quyết định đúng đắn. Quan điểm của tôi là không nên nghe xong bắt chước một ai đó.
Mọi case study, giống như khi ta đi học, học xong áp dụng được không thì chưa biết, bởi còn tùy mỗi người. Tôi sẽ không dành lời khuyên cụ thể cho startup nào cả. Những case study tôi đưa ra trên chương trình như vậy, còn ứng dụng được hay không phải do những startup tự lượng sức mình, nội tại của mình để đưa ra quyết định phù hợp. Không có lời khuyên nào mang tính thành công cho tất cả mọi người.
* Shark Phú của Shark Tank mùa 2 không xài Facebook, còn Shark Phú của Mùa 4 thì đã có Facebook, Fanpage, và đôi khi còn chia sẻ cả hình ảnh gia đình. Sau khi bước chân vào thế giới cộng đồng mạng, anh thấy thế nào?
Thực ra tôi không có nhiều thời gian để quan tâm đến cộng đồng mạng. Facebook như nơi mình chia sẻ quan điểm cá nhân hợp lý, vì thế tôi chỉ tham gia ở mức độ hợp lý, với sự tư vấn của các bạn nhân viên trẻ. Tôi già rồi, mắt kém, lười đọc điện thoại, nên chỉ tham gia với mức độ hạn chế thôi.
* Xin cảm ơn anh!
Bảo Bảo
Theo Trí Thức Trẻ