Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa có công văn số góp ý đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Hiệp hội Ngân hàng cho biết, đây là lần thứ 3 sửa đổi Thông tư 01 liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp và TCTD bởi đại dịch Covid-19, chưa nói đến dự thảo lần này cũng không loại trừ khả năng phải sửa đổi lần thứ 4 nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dựa vào kế hoạch, mục tiêu phấn đấu của Chính phủ đẩy lùi dịch bệnh (Chính phủ đã xây dựng kịch bản cả nước mắc 30.000 ca nhiễm bệnh, nay đã lên gấp hơn 10 lần.
Theo đó, VNBA cho rằng nên sửa đổi, bổ sung những điểm cơ bản như thời điểm xác định, thời hạn được cơ cấu cho phù hợp thực tế. Còn nội dung khác cần xây dựng mang tính ổn định xuyên suốt, không nên sửa đổi một nội dung nhưng kèm theo nhiều nội dung liên quan phải sửa đổi.
Cụ thể, đơn vị đề xuất sửa thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi để được cơ cấu theo hướng giữ nguyên thông tư ban đầu, tức kéo dài cho đến sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch. Thời gian thực hiện cơ cấu nợ cũng được đề xuất kéo dài như trên.
Theo quan điểm của VNBA, điều này giúp NHNN không phải sửa thông tư nhiều lần rất tốn kém thời gian; các TCTD không thể lợi dụng và cũng chẳng cần lợi dụng vì không được hạch toán dự thu và phải trích dự phòng rủi ro,khi xử lý rủi ro phải quy trách nhiệm trước khi xử lý theo quy định mới; tăng tính chủ động và nâng cao trách nhiệm của TCTD....
"Nếu NHNN vẫn có ý định tiếp tục sửa đổi lần thứ tư thì quy định như dự thảo, nếu hy vọng sống chung với COVID thì quy định đến ngày 31/12/2022 (hết năm 2023 TCTD đã phải trích dự phòng rủi ro 100% khoản nợ cơ cấu mà NHNN còn quy định như vậy là không phù hợp)", văn bản của hiệp hội này nêu rõ.
Hiệp hội cũng đề nghị cho phép cơ cấu nợ đối với cả dư nợ thẻ tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vì với xu hướng không dùng tiền mặt như hiện nay thì thẻ tín dụng là một hình thức cấp tín dụng rất phổ biến. Đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì việc tăng cường sử dụng biện pháp thanh toán không dùng tiền mặt là rất cần thiết. Thực tế số lượng các khách hàng cá nhân sử dụng thẻ tín dụng cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, các TCTD giữ nguyên nhóm nợ khi khách hàng trả đầy đủ nợ gốc, lãi; hoặc được TCTD và khách hàng thực hiện gia hạn/ cơ cấu nợ trong vòng 15 ngày kể từ ngày chấm dứt thực hiện Chỉ thị 16.
Mặc khác, các TCTD sẽ chuyển nợ quá hạn khi phân loại nợ theo ngày quá hạn trong trường hợp khách hàng không trả đầy đủ nợ gốc, lãi; hoặc trong vòng 15 ngày kể từ ngày chấm dứt thực hiện chỉ thị 16; không được TCTD và khách hàng thực hiện gia hạn/cơ cấu nợ trong vòng 15 ngày kể từ ngày chấm dứt thực hiện Chỉ thị 16.
PHƯƠNG LY