Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu Becamex chính thức đi vào hoạt động từ ngày 12-8 do bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phụ trách chỉ đạo.
Bệnh viện được đặt tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Becamex, quy mô 437 giường. Trong đó, 300 giường điều trị, cấp cứu bệnh nhân mức độ nặng và 37 giường điều trị, cấp cứu bệnh nhân mức độ nguy kịch.
Bên cạnh các trang thiết bị y tế hiện đại, bệnh viện còn được trang bị các phần mềm quản trị số hóa hiện đại. Qua đó, đảm bảo quản lý minh bạch, hiệu quả, chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân, giảm tỉ lệ bệnh nhân tử vong trong đại dịch COVID-19.
Có mặt tại Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu Becamex (phường Lái Thiêu, TP Thuận An, Bình Dương) mới thấy hết được sự vất vả của đội ngũ y bác sĩ đang từng ngày giành giật sự sống cho các bệnh nhân COVID-19.
Vì đây là tầng 3, tầng cao nhất của tháp điều trị nên tất cả những bệnh nhân nhiễm COVID-19 đều ở mức độ nặng và rất nặng. Hầu hết các bệnh nhân đều phải thở máy và một số phải can thiệp ECMO.
Ở khu điều hành, các bác sĩ liên tục theo dõi những thông số của bệnh nhận được truyền về từ khu điều trị.
Đội ngũ bác sĩ ở khu điều hành và khu điều trị liên tục trao đổi với nhau qua bộ đàm để hội chẩn, phối hợp điều trị cho từng bệnh nhân.
Mỗi lần vào khu điều trị, các nhân viên y tế phải ở đó liên tục 8 tiếng, nhiều lúc nguy cấp còn phải ở lâu hơn.
Tất cả các nhân viên y tế ở đây đều làm việc trong không khí cực kỳ khẩn trương và căng thẳng, áp lực.
Bệnh nhân có khả năng qua khỏi hay không phụ thuộc rất lớn vào sự nỗ lực, tận tình chăm sóc điều trị các các nhân viên y tế. Họ luôn tập trung cao độ trong công việc, không một phút lơ là theo dõi cẩn trọng diễn biến của từng bệnh nhân.
Hiện tại, Bệnh viện này đang điều trị cho khoảng 270 bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng, rất nặng.
Đội ngũ nhân viên y tế làm việc mỗi ca 8 tiếng luân phiên liên tục, có thời điểm bệnh nhân nhiều, đội ngũ nhân viên y tế thiếu nên có người làm việc liên tục 12 tiếng một ngày. Nhiều người phải ăn ngủ tại chỗ để kịp thời chăm sóc điều trị cho bệnh nhân.
Anh Nguyễn Xuân Hoàng-Sinh viên đại học Y Hà Nội (chuyên khoa Bác sĩ nội trú hồi sức cấp cứu) cho biết, ở đây nhân lực còn thiếu nhưng số ca nhiễm nặng liên tục tăng gây áp lực rất lớn cho đội ngũ y bác sĩ đặc biệt là đội ngũ điều dưỡng. Vì bệnh nhân thở máy nên đội ngũ điều dưỡng phải chăm sóc bệnh nhân toàn bộ, từ cho thuốc, cho ăn, thay bỉm, hút đờm…Ngoài ra, họ còn phải làm công việc hành chính, viết hồ sơ theo dõi…
“Khi điều trị mà bệnh nhân chuyển biến tốt, có thể rút ống từ khí quản ra mọi người ai cũng vui. Lúc đó, bệnh nhân có thể ngồi dậy được bắt tay bác sĩ thì chính là lúc bệnh nhân đã qua khỏi cửa tử, bệnh nhân vui một chúng tôi vui 10”, anh Hoàng chia sẻ.
Các bệnh nhân được theo dõi sát sao, từng diễn biến sẽ được báo ngay về khu điều hành để phối hợp hội chuẩn, can thiệp kịp thời giành giật sự sống cho bệnh nhân.