“Cách đây vài ngày, tôi nhờ các chị ở ấp 4 (xã Nhị Bình, Huyện Hóc Môn, TP.HCM) đi chợ giùm. Ngoài rau, củ, tôi còn nhờ mua 1 kg thịt heo và 1 kg cá lóc. Tôi đưa tiền trước, tổng cộng đâu gần 250.000 đồng” – ông Võ Văn Bảy (48 tuổi) cho biết.
Tới trưa, toàn bộ rau, củ, thịt, cá ông Bảy nhờ mua giùm được các chị ở ấp 4 mang tới nhà. Vừa mở bịch để xem có đủ những thứ cần mua, ông Bảy và các chị nhăn mặt vì mùi thịt, cá kém tươi xông lên khó chịu.
“Tôi chưa kịp nói gì, các chị ở ấp 4 liền mở lời xin lỗi và gọi điện thoại cho lãnh đạo UBND xã. Trao đổi xong, các chị hứa sẽ trả lại tiền thịt, cá đã mua. Nói rồi, các chị ở ấp 4 bỏ bịch thịt, cá lên xe để còn đi giao thực phẩm cho những người khác cũng nhờ mua giùm. Thiệt tình, tôi áy náy hết sức vì đã làm phiền các chị quá” – ông Bảy cho biết thêm.
Đơn vị cung ứng thực phẩm chở thịt, cá tới ấp để phục vụ bà con giữa mùa dịch COVID-19. Ảnh: TRẦN NGỌC
“Qua hôm sau, tôi nhận lại đúng số tiền đã nhờ mua thịt, cá” – ông Bảy nói.
Tương tự, bà Phạm Thị Bé Hai (44 tuổi) cũng nhờ các anh ở ấp 2, xã Nhị Bình mua giùm mớ rau và 1 kg thịt heo. Bà Hai cũng gửi tiền trước cho các anh.
“Rau thì không có gì, nhưng thịt lại có mùi. Thấy thế, các anh ở ấp 2 gọi điện thoại cho lãnh đạo UBND xã trình bày vụ việc. Xong xuôi, các anh nói sẽ hoàn lại số tiền mua thịt. Qua ngày mai, tôi được các anh ở ấp 2 gửi tiền tận tay. Đã nhờ mua dùm mà còn “hành” các anh tới lui mấy lần vì 1 kg thịt” – bà Hai chặc lưỡi.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Bình, cho biết những vụ việc nói trên xảy ra vào ngày 26-8. Khi đó, xã tổ chức đi chợ giùm cho bà con vì đang thực hiện giãn cách xã hội.
“Đơn vị cung ứng thực phẩm gửi danh sách các mặt hàng rau, củ, thịt, cá… kèm giá tiền cho UBND xã để nơi đây phổ biến tới bà con ở các ấp. Ai cần mua gì thì ghi ra giấy rồi gửi tổ trưởng, kèm theo tiền. Trong trường hợp chưa có tiền thì sẽ trả sau” - bà Nhung cho biết thêm.
Sau khi nhận các phiếu mua rau, thịt của bà con, UBND xã báo cho đơn vị cung ứng để nơi đây sắp xếp thực phẩm từng người mua vào bịch riêng. Sau đó, đơn vị cung ứng giao cho UBND xã để nơi đây chuyển về ấp. Tiếp theo, ấp cùng tổ trưởng đến nhà giao cho bà con.
“Ngày 26-8, tổng cộng trên 100 bà con đăng ký mua thịt, cá. Do đơn vị cung ứng đựng chung thịt, cá với rau, củ và chậm đi giao nên xảy ra tình trạng thịt, cá kém tươi. Phát hiện ra vụ việc, UBND xã chỉ đạo các ấp thu hồi thịt, cá kém tươi và thông báo sẽ hoàn tiền lại” – bà Nhung nói.
Sau đó, UBND xã Nhị Bình làm việc với đơn vị cung ứng thực phẩm liên quan vụ việc trên. Nhận định thịt, cá kém tươi lỗi do mình nên đơn vị cung ứng thực phẩm đồng ý trả lại tiền cho bà con.
“Đang mùa dịch COVID-19, khó kiếm được tiền nên mỗi cọng rau, miếng thịt đối với bà con rất quý. Do vậy, đã nhận mua giùm rau, cá, thịt… cho bà con thì phải chu toàn, đảm bảo chất lượng. Một khi xảy ra chuyện không hay, UBND xã giải quyết ngay để không gây thiệt thòi cho bà con” – bà Nhung chia sẻ.
“Những ngày sau, theo đề nghị của UBND xã Nhị Bình, đơn vị cung ứng chở thịt, cá tới tận ấp phục vụ bà con để đảm bảo chất lượng. Thực hiện giãn cách xã hội và an toàn phòng chống dịch COVID-19, chính quyền địa phương lần lượt thông báo từng hộ tới mua” – bà Nhung cho biết thêm.