Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi tại buổi làm việc với Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện nghị quyết số 30 năm 2021 liên quan tới công tác phòng, chống COVID-19 - Ảnh: D.T.
Nghị quyết 30 là nghị quyết chung của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, trong đó có nêu các biện pháp đặc biệt, đặc thù, đặc cách, tạo cơ sở pháp lý, tăng tính chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng và các địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện nghị quyết số 30 được thành lập vào ngày 27-8, do Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm tổ trưởng và 6 thành viên khác là các chủ nhiệm và phó chủ nhiệm các ủy ban và văn phòng Quốc hội.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, ngay sau khi có nghị quyết 30, lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tích cực vào cuộc để xử lý các yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch theo yêu cầu của nghị quyết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết số 268 cho phép Chính phủ thực hiện một số giải pháp cấp bách, được ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.
Chính phủ sau đó đã ban hành nghị quyết số 86, kịp thời triển khai các nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Tổ công tác làm tốt vai trò tham mưu, giúp Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ban cán sự Đảng Chính phủ, Chính phủ cụ thể hóa các nội dung kết luận cuộc họp của lãnh đạo chủ chốt Đảng, Nhà nước về phòng, chống COVID-19 và nghị quyết của Quốc hội.
Trong đó, trọng tâm là các giải pháp huy động lực lượng, bổ sung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, chăm lo sức khỏe, bảo vệ tính mạng cho nhân dân, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho an sinh xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Tổ công tác "làm việc không kể ngày đêm, và là tổ công tác 24/7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tham mưu, góp ý các cơ chế, chính sách phù hợp để sớm kiểm soát dịch bệnh. Bao gồm cả chiến lược sản xuất vắc xin trong nước, vận động, tìm kiếm, tiếp cận sớm nhất các nguồn vắc xin, thuốc chữa bệnh, vật tư y tế từ bên ngoài.
Mặt khác, huy động các nguồn tài lực, vật lực của Nhà nước và xã hội được tính toán cẩn trọng đáp ứng cao nhất yêu cầu phòng, chống dịch.
Trong đó bảo đảm tính mạng, sức khỏe của nhân dân lên trên hết, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, người dân các địa bàn trọng điểm khắc phục khó khăn và phục hồi phát triển.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý Tổ công tác phải quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nêu cao tính chủ động kiến nghị, đề xuất với Chính phủ "từ sớm, từ xa", không chờ đợi. Nếu có vấn đề phức tạp, còn ý kiến khác nhau thì kịp thời xin ý kiến Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
"Quốc hội đã ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì càng phải thấy trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sử dụng các quyền này một cách hiệu quả nhất", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
TTO - Ngày 7-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết nhất trí về việc ban hành nghị quyết của Chính phủ để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có 4 giải pháp cấp bách khác với quy định của luật hiện hành.