Nếu bạn cho rằng những người giàu có và thành công đều nhờ sự "tiếp nối thế hệ" và may mắn thì hãy nhìn tấm gương của Jack Ma – từ một thầy giáo bình thường tại trường Đại học tới ông chủ đế chế thương mại lớn nhất Trung Quốc – Alibaba. Lý do gì khiến người đàn ông có ngoại hình thấp bé này lại khiến hàng triệu người trên thế giới phải ngước nhìn và ngưỡng mộ? Câu trả lời là Jack Ma dám ước mơ và dám biến giấc mơ của mình thành hiện thực.
Ông chỉ ra 4 nguyên nhân phổ biến mà người trẻ không thể biến những ước mơ và mục tiêu của mình thành hiện thực do dù giấc mơ đó rất thực tế và có khả năng thành công cao – kiếm thật nhiều tiền.
Dừng lại ở từ "muốn"
Thành công và giàu có để có một cuộc sống tốt đẹp hơn là mong muốn của rất nhiều người nhưng sự phân hóa giữa ranh giới của người giàu và kẻ nghèo nằm ở chỗ một người dám ước mơ và hành động để thực hiện ước mơ còn người kia chỉ dừng lại ở 2 từ "tôi muốn…".
Người xưa đã có câu: "Nhất đảm, nhị lực, tam công phu". Câu này có nghĩa là muốn thành công trước tiên bạn phải cần sự can đảm, dũng cảm – dám nghĩ. Sau đó bạn cần sự nỗ lực – dám làm và cuối cùng là có bản lĩnh để đương đầu với những khó khăn và thách thức trong quá trình làm việc. Bước thứ nhất đã không làm được thì lý do bạn nghèo là thực tế còn sự giàu có chỉ có trong giấc mơ của bạn. Muốn giàu bạn phải "think and grow rich" trước tiên và phải cố gắng để thực hiện nó bằng được.
Kiếm được tiền nhưng không biết cách tiêu tiền
Các bạn trẻ ngày nay có quan điểm " làm hết mình, hưởng thụ tối đa". Bạn vẫn vung tay quá trán cho những khoản chi không cần thiết và không có thói quen hoạch định chi tiêu một cách rõ ràng, cứ "thích thì nhích" không cần suy nghĩ. Quan điểm này chẳng sai nhưng đó là lý do vì sao bạn mãi nghèo cho dù bạn kiếm được rất nhiều tiền.
Theo Jack Ma. tùy thuộc vào khả năng tài chính và nhu cầu cá nhân của mỗi người, bạn có thể vạch ra những khoản chi phù hợp. Đặc biệt nên nhớ luôn phải có một khoản tiết kiệm để "ứng biến" với những trường hợp ngoài ý muốn xảy ra trong cuộc sống. Càng tốt hơn nếu bạn biến khoản tiết kiệm ấy thành những khoản đầu tư sinh lời. Tiền có thể "đẻ ra" nếu như bạn biết đầu tư và dám đầu tư.
Thụ động và hay chờ đợi
Không ít những bạn trẻ ngày này có lối sống thụ động, thích hưởng thụ hơn là phải làm việc. Các bạn nghĩ rằng thành công là nhờ may mắn và thời cơ. Ai cũng có thể nói được câu: "Tôi muốn kiếm thật nhiều tiền" nhưng không phải ai cũng thực hiện được điều mình muốn.
"Nốt hôm nay, ngày mai tôi sẽ…" tại sao không phải là ngay hôm nay, ngày thời khắc bạn đưa ra được những ý tưởng và sự quyết tâm. Sẽ chẳng có ngày mai nào cả vì bạn sẽ mãi chỉ như ngày hôm nay nếu cứ đợi chờ mà không chịu bắt tay vào làm luôn.
Chậm hơn người khác một ngày, người ta đã bỏ xa bạn cả quãng đường dài rồi. Người theo sau vẫn chỉ là người thụ động cố gắng để đuổi kịp người khác. Lời khuyên Jack Ma muốn gửi gắm, mục tiêu là do bạn đặt ra, ước mơ là của riêng bạn nếu không muốn phải bắt đầu bằng "tôi muốn" thì đừng chần chừ mà hành động ngay từ hôm nay.
Dễ hài lòng với cuộc sống hiện tại
Jack Ma đã từng mơ ước trở thành người đàn ông giàu có nhất trong tương lai. Tuy nhiên chặng đường chạm đến thành công của ông chẳng hề dễ dàng chút nào. Ông đã không ít lần thất bại, không ít lần bị từ chối lời làm việc tại nơi ông yêu thích. Ông đã từng là một giáo viên dạy Tiếng Anh tại trường Đại học Hàng Châu – Trung Quốc. Trong suy nghĩ của ông chưa từng có hai từ "từ bỏ" ông cũng chưa từng thỏa hiệp với hiện tại. Ông luôn cố gắng, nỗ lực, vấp ngã lại đứng lên để thực hiện mục tiêu của đời mình.
Có lẽ vì vậy mà trong cách tuyển dụng nhân viên làm việc tại Tập đoàn Alibaba, ông "ghét" những người đến với vai trò là một chuyên gia. Ông cho rằng, họ sẽ chỉ là chuyên gia của ngày hôm qua nếu không biết học hỏi, không tiến bộ và mãi đứng im với năng lực hiện tại.
Sự thỏa hiệp với cuộc sống hiện tại sẽ làm bạn không muốn phấn đấu không muốn cố gắng, ngủ quên trên chiến thắng và ăn mày quá khứ. "Núi cao còn có núi cao hơn" muốn kiếm nhiều tiền muốn thành công thì chớ vội hài lòng với hiện tại. Hãy cố gắng ngày mai trở thành phiên bản tốt hơn ngày hôm nay.
(Tham khảo: Trường kinh doanh HBR)
PV
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị