Các lĩnh vực đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch như vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, giáo viên trường tư thục... Nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động khiến người lao động phải ngừng việc, mất việc, nghỉ việc không lương.
Trong lúc này, các hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, trong đó có Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ trợ giúp hoặc các chính sách cho doanh nghiệp phải dừng hoạt động vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất, hoặc được đào tạo, nâng cao trình độ nghề nghiệp, tìm kiếm công việc mới là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần được giãn, giảm các khoản đóng để có nguồn trả lương và các khoản chi trước mắt duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Giữ việc làm cho người lao động là rất cần kíp lúc này.
Người lao động bị mất việc được nhận hỗ trợ ở TP.HCM - Ảnh: LÊ PHAN
Trong những tháng vừa qua, có gần 34.900 người lao động được người sử dụng lao động vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất; trên 42.600 người lao động được người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc... Nhưng còn nhiều người chưa hiểu rõ chính sách hỗ trợ người lao động hiện hành.
Nhằm thông tin cho người lao động biết các chính sách này, các hỗ trợ của Quỹ Bảo hiểm xã hội, của ngân sách cho các nhóm lao động bị mất việc, ngừng việc do ảnh hưởng đại dịch, từ 9h sáng 1-9, Báo Tuổi Trẻ phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức buổi giao lưu trực tuyến "Chính sách hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và doanh nghiệp khó khăn do COVID-19".
Ngay từ bây giờ, quý bạn đọc có câu hỏi xung quanh các mức trợ cấp, các hỗ trợ hiện có và sắp tới, có thể gửi câu hỏi (ở ô đặt câu hỏi bên dưới) cho các khách mời:
- Ông Đinh Duy Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ - Thẻ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam
- Bà Trần Việt Trang, phó trưởng phòng Quản lý Thu, Bảo hiểm xã hội Hà Nội
- Ông Ngô Trung Tứ, phó trưởng phòng Quản lý Thu, Bảo hiểm xã hội Hà Nội
Câu trả lời sẽ được cập nhật trên tuoitre.vn từ 9h sáng 1-9, mời bạn đọc đón xem.