Mới đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội đề xuất bổ sung đối tượng được thụ hưởng gói 26.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, cũng như kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc để các địa phương đưa nguồn lực hỗ trợ đến các đối tượng kịp thời, phản ánh đúng tình hình thực tiễn tại doanh nghiệp.
Quy định đòi hỏi phải có quyết toán thuế của năm 2020 mới được nhận hỗ trợ là một trong những điểm vướng nhất với doanh nghiệp tại thời điểm này, bởi như các doanh nghiệp du lịch, bối cảnh đại dịch đồng nghĩa với doanh thu bằng 0.
"Chúng tôi đã làm hồ sơ, giấy tờ nhưng yêu cầu doanh nghiệp phải có doanh thu, phải có báo cáo thuế năm 2020. Du lịch Việt chúng tôi là một trong những doanh nghiệp tồn tại đến cuối cùng nhưng đến lúc này cũng phải đóng cửa thì làm gì có doanh thu", ông Trần Văn Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền Thông Du Lịch Việt, cho biết.
Người lao động làm việc tại các điểm du lịch. (Ảnh minh họa: TTXVN)
"Từ đầu tháng 7 tới giờ hoàn toàn đóng cửa chống dịch, vì vậy việc báo cáo thuế của năm 2020 và những năm trước là chúng tôi không thực hiện được hoặc rất khó khăn để thực hiện. Chúng tôi mong muốn được tháo gỡ những vướng mắc đó để chúng tôi tiếp cận dễ dàng hơn với gói 26.000 tỷ", ông Đỗ Xuân Ngoạn, Tổng Giám Đốc HONGAI TOURS, cho hay.
"Cái khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp là quy định các doanh nghiệp cần phải có kết quả thanh tra thuế năm 2020. Quy định này không phù hợp với quy định trước đó của Chính phủ về việc hạn chế và không thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp trong giai đoạn diễn ra dịch bệnh", ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta, nói.
Ngoài ra, các địa phương đã có quy định danh mục những ngành nghề, công việc của người lao động tự do. Tuy nhiên, cán bộ ở cơ sở vẫn có cách hiểu khác nhau hoặc vẫn còn nhiều người lao động tự do làm các công việc không có trong danh mục nên chưa được hỗ trợ.
Đến nay, cả nước đã có hơn 15 triệu người được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết 68, với số tiền đã chi hỗ trợ 8.400 tỷ đồng.
Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết sẽ sớm trình Chính phủ xem xét, sửa đổi các quy định theo hướng đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục xác nhận và phê duyệt hơn nữa để người sử dụng lao động và người lao động được hỗ trợ kịp thời.
VTV.vn - Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng được coi là "phao cứu sinh" trong lúc khó khăn, nhưng nguy cơ sẽ chỉ rất ít hướng dẫn viên được tiếp cận. Tiến độ triển khai hiện cũng rất chậm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.60720709013801202-gnod-yt-00062-iog-iahk-neirt-gnort-gnouv-og-ihgn-neik-ion-ah/et-hnik/nv.vtv