Lừa đảo thông qua mối quan hệ thân quen
Kể từ hôm bị lừa mất 35 triệu đồng, đến bây giờ cứ mỗi lần thấy tin nhắn Facebook của con gái từ Hàn Quốc hiện lên, chị Nguyễn Thị Thủy ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại bần thần lo lắng không biết là thật hay giả.
"Hôm đó tôi đang nghỉ trưa thì có tin nhắn của con gái nói mẹ còn tiền không, mẹ cho con mượn đỡ 5 triệu, chiều con trả lại cho mẹ, sau đó còn thêm mấy tin nhắn nữa.
Tôi chuyển 3 lần vào 2 STK kết 35 triệu 500 ngàn đồng. Sau đó khoảng 2h tôi đi chợ khi về mở máy thấy nick đó khóa gọi không được mới gọi lại cho con gái vì có 2 nick thì hỏi con gái mới biết mình bị lừa, hai mẹ con mới tá hỏa lên" - chị Thủy nói.
Cách đây ít ngày, một chủ tài khoản Facebook có tên Hữu cơ Đà Lạt cũng đã bị hàng chục người làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức đặt hàng rau củ quả và khẩu trang y tế.
"Tôi có mua hàng online qua trang Facebook Hữu cơ Đà Lạt do Cao Thị Mỹ Linh làm chủ, sau khi chuyển tiền tôi không nhận được hàng thậm chí không thể liên lạc với người này" - chị Phan Thị Hồng Hạnh, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh cho biết.
Một người phụ nữ giấu tên ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, vì quá tin tưởng một người phụ nữ tên là Mỹ Linh, người thường xuyên liên lạc với chị, nên số tiền 298 triệu đồng chị đặt mua khẩu trang qua tài khoản này cũng bốc hơi. Người nhận tiền cũng biến mất.
Chỉ tính riêng địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ đầu năm đến nay đã có 39 vụ lừa đảo qua không gian mạng mà công an nắm được.
Theo Thượng tá Đinh Xuân Minh, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: "Các đối tượng sử dụng chiếm đoạt quyền quản trị, hack tài khoản của các nạn nhân, sau đó tìm bạn bè được kết bạn trên các trang cá nhân của nạn nhân rồi thông báo để lừa mượn vay tiền. Hoặc đối tượng chào bán hàng hóa trên Website bán hàng trên các ứng dụng bán hàng đề lừa, đã gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng tại BR-VT từ đầu năm đến nay".
Dịch bệnh COVID-19 càng phức tạp kéo dài; các sân chơi kinh doanh, mua bán hàng online, càng nở rộ; thì càng nhiều người bị mắc lừa. Không chỉ dựa vào thông tin cá nhân để lừa chiếm đoạt tài sản, một hình thức khác cũng đáng cảnh báo hiện nay là không ít người đã bị dụ dỗ tham gia vào các cuộc chơi kiếm tiền online, cùng hoạt động mua sắm mùa dịch.
Mất tiền vì shop ảo - sàn ảo
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một trang page ảo có tên là Gem chuyên bán đồ thời trang trong nhà mùa dịch. Nhiều chị em ở TP Hồ Chí Minh bức xúc vì bị mất tiền triệu mà không được diện đồ đẹp.
"Shop chạy quảng cáo, chụp hình và hàng hóa cũng thấy cảm giác là hàng thật, cho nên chị cũng cố gắng chuyển tiền trước, bạn bè chị cũng nhờ chuyền tiền để mua đồ bên đó thêm 2 lần tổng 3 lần là 4,9 triệu" - chị Phạm Thị Vy Đăng, Q. Bình Tân, TP Hồ Chí Minh bức xúc cho biết.
Theo các nạn nhân, các đối tượng đã sử dụng đủ mọi chiêu thức đánh trúng vào tâm lý họ, dụ họ chuyển tiền trước vào số tài khoản ngân hàng 15599947 Ngân hàng ACB có chủ tài khoản: Đàm Thanh Tâm, rồi sau đó chặn, xoá, hoặc đổi tên page.
Mượn của bạn hơn 30 triệu đồng đầu tư vào sàn Bitcoin có tên GBIS, cô sinh viên này nhận cái kết là toàn bộ số tiền đã biến mất.
"Em biết được cái A này là do một bạn nổi tiếng trên Facebook, em thấy bạn đăng lên là ai mà muốn kiếm tiền online 1 ngày kiếm từ 300 - 400 ngàn thì liên hệ với số điện thoại này, xong em kết bạn Zalo số điện thoại này thì chị đó gửi cho em 1 cái link em vô đăng ký theo những gì chị đó hướng dẫn cho em" - chị Phan Ngọc Mai, sinh viên Trường Đại học Hutech TP Hồ Chí Minh cho hay.
Cũng vì cái app online này anh Nam ở TP Hồ Chí Minh bị mất luôn số tiền 120 triệu đồng.
Tưởng thắng được số tiền lớn nhưng hóa ra lại vào ví của người khác, đó cũng là tình cảnh của người đàn ông này khi tham gia sàn Bitcoin GBIS.
"Anh có thắng tổng số tiền trị giá lên đến 620 triệu đồng. Anh có làm lệnh rút tiền nhưng số tiền lại không vào tài khoản anh mà vào tài khoản khác. Anh mới tìm lại tài khoản Facebook của người hướng dẫn mới phát hiện toàn bộ hình ảnh, số tài khoản ngân hàng tất đều là bill giả" - anh Trần Minh Tuấn, tỉnh Bạc Liêu nói.
VTV.vn - Khi người dân sử dụng mạng thường xuyên vì dịch bệnh, nhiều chiêu trò ăn cắp thông tin, tiền bạc đã xuất hiện tinh vi hơn. Có kẻ đã núp bóng từ thiện để lợi dụng lòng tốt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.42393312113801202-91-divoc-hneb-hcid-ioht-gnam-auq-oad-aul-ueik-noum/taul-pahp/nv.vtv