Các tàu cá trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tạm dừng xuất bến từ 0h ngày 26.8. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cho biết chỉ tạm dừng một thời gian ngắn để rà soát khoanh vùng, truy vết triệt để các trường hợp F0 và vẫn đảm bảo nguồn hải sản.
Tạm dừng để chấn chỉnh quy trình quản lý hoạt động cảng cá
Theo lý giải của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) tỉnh, đây chỉ là giải pháp tạm thời trong thời gian ngắn để địa phương truy vết, làm sạch môi trường khu vực xung quanh cảng cá nhằm tránh lây lan cộng đồng. Sau khi ổn định lại sẽ có kế hoạch cụ thể để vừa tổ chức sản xuất, vừa phòng dịch an toàn đối với hoạt động nghề cá.
Lý do là trong thời gian vừa qua, khu vực xung quanh nhiều cảng cá tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã xuất hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2. Vì vậy, Sở NNPTNT đã nhanh chóng kiểm tra, đánh giá hoạt động và kết luận nhiều cảng cá trên địa bàn không đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Theo Sở NNPTNT, việc hoạt động của các tàu cá hàng ngày cũng kèm theo số lượng người ra vào các cảng rất nhiều, kéo theo các hoạt động cung cấp nước đá, cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm, trang thiết bị vật tư sản xuất, đưa đò, thuyền viên đi lại, người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa, hải sản,... rất khó kiểm soát nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19.
Việc tạm dừng xuất bến các tàu cá đã được Sở NNPTNT thống nhất với Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các địa phương trước khi trình Ban Chỉ đạo, phòng chống COVID-19 tỉnh phê duyệt.
Vẫn đảm bảo nguồn cung ứng hải sản trên địa bàn.
Theo thống kê, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có khoảng 700 tàu cá còn đang hoạt động đánh bắt trên biển. Trong thời gian sắp tới sẽ lần lượt có khoảng hơn 300 tàu cá cập bờ để bốc dỡ hải sản. Do vậy, địa phương sẽ tạm thời không thiếu nguồn hải sản trong thời gian tới.
Phương án tiếp nhận các tàu cá cập bến trong thời gian sắp tới cũng đã được ban hành, đảm bảo cho việc tiếp nhận nguồn thủy sản đánh bắt trên biển.
Theo đó, chỉ có 6 cảng cá được chỉ định hoạt động tiếp nhận tàu thuyền đánh bắt của tỉnh cập bờ bốc dỡ hải sản gồm: cảng Bến Lội – Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), cảng Lộc An (huyện Đất Đỏ), các cảng Cát Lở, Bến Đá, Xí nghiệp Cơ khí tàu thuyền, Bến Đầm (TP.Vũng Tàu). Các cảng này được đánh giá đảm bảo được truy vết, tổ chức tốt công tác phòng dịch COVID-19.
Hiện nay, Sở NNPTNT đã có bản dự thảo kế hoạch của hoạt động nghề cá trong thời gian tới và đang lấy ý kiến của các địa phương, cảng cá, sở ngành có liên quan, trên nguyên tắc “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn” theo công điện của Thủ tướng Chính phủ. Phương án này sẽ được trình vào ngày 2.9 để Ban Chỉ đạo tỉnh xem xét.
Việc tiếp nhận bốc dỡ hải sản được thực hiện ra sao?
Hiện nay, các tàu cá của tỉnh muốn cập cảng bốc dỡ hải sản phải thông báo trước ít nhất 24 giờ cho lực lượng Bộ đội Biên phòng và Ban quản lý cảng cá để chủ động sắp xếp. Tất cả thuyền viên trên tàu, chủ, tàu, chủ vựa, lái xe vận tải... khi vào cảng đều phải khai báo y tế và test nhanh theo quy định.
Chỉ một người là chủ tàu (hoặc thuyền trưởng) được đến làm thủ tục nhập cảng, nếu đạt yêu cầu sẽ cho phép tàu cập cảng để tiến hành bốc dỡ hải sản (đã được phân loại trên biển). Quá trình bốc dỡ không dài quá 3h để đảm bảo chất lượng thực phẩm, ngăn ngừa dịch bệnh.
Lực lượng bốc dỡ chỉ được phép dùng thuyền viên trên tàu; hoặc lực lượng 3 tại chỗ trong cảng; hoặc người của chủ tàu, chủ vựa… đưa vào; nhưng phải có kết quả test nhanh âm tính trong ngày, không được phép bốc dỡ nhiều tàu cùng lúc.
Đối với trường hợp tàu cá có ca nghi nhiễm, nhưng cần thiết phải bốc dỡ hải sản, những người trên tàu sẽ được đưa đến các cơ sở y tế xử trí theo quy định. Sau khi khử khuẩn, phương tiện sẽ được cập bờ tiến hành bốc dỡ.
Sau khi hoàn thành bốc dỡ, các tàu cá sẽ di chuyển đến vị trí neo đậu an toàn ngoài khu vực cầu cảng. Các phương tiện vận tải cũng phải được phun khử khuẩn lúc vào cảng, người điều khiển không được phép rời cabin xe (trừ khi cảng có bố trí khu vực riêng). Sau đó, những người trên tàu cá phải thực hiện cách ly theo quy định (có thể tự cách ly trên tàu).