Từ sau khi cuộc chiến quyền lực chấm dứt và chuyển giao về Kusto nắm quyền, ông lớn trong ngành xây dựng Coteccons vẫn đang có chuỗi thời gian kinh doanh khó khăn.
Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons vừa có giải trình về tình hình kinh doanh kém khả quan trong nửa đầu năm 2021. Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2021, Coteccons ghi nhận doanh thu giảm mạnh so với cùng kỳ xuống còn 5.119 tỉ đồng, lãi sau thuế giảm còn 99 tỉ đồng. Khấu trừ, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm của Công ty chỉ còn 99 tỉ. Đáng chú ý, Coteccons lần đầu phát sinh chi phí lãi vay sau khi Kusto nắm quyền kiểm soát đã sử dụng đòn bẩy, chi phí quản lý tăng mạnh từ 180 tỉ lên 242 tỉ đồng.
Giải trình về kết quả hoạt động sa sút này, Ban lãnh đạo Coteccons cho biết doanh thu trong kỳ giảm do những khó khăn chung của ngành xây dựng, cùng với tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các dự án. Nói về nguyên nhân tăng chi phí lãi vay, Coteccons cho biết chi phí doanh nghiệp tăng do Công ty tăng trích lập dự phòng phải thu khó đòi.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại quãng thời gian qua có thể thấy tình hình hoạt động kinh doanh của Coteccons đang có nhiều vấn đề khiến cổ đông lo lắng kể từ sau khi Kusto chính thức nắm quyền kiểm soát tại Coteccons. Đến nay, dù ban lãnh đạo mới có những công bố về các kế hoạch kinh doanh mới, nhưng với những nhà đầu tư vào cổ phiếu Coteccons vẫn có nhiều câu hỏi, đặc biệt là bài toán giành thị phần và trở lại vị thế như từng vốn có.
Có thể thấy, trong khoảng năm 2016 đến 2018, doanh số của Coteccons luôn nhiều hơn 10.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau đỉnh cao năm 2018, Coteccons bắt đầu lao dốc, một phần vì thị trường xây dựng ngày càng khó khăn và phần khác là những mâu thuẫn nội bộ không thể giải quyết giữa các cổ đông lớn. Chính thức nắm quyền kiểm soát tại Coteccons từ tháng 10.2020, và lần lượt thay máu dàn lãnh đạo cấp cao, Coteccons sau gần 1 năm Kusto nắm quyền điều hành thực sự chưa cho thấy sự đột phá, ngược lại lợi nhuận liên tục giảm mạnh.
Tính riêng quý 2/2021, Coteccons ghi nhận 2.550 tỉ đồng doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ, thấp hơn 36% so với cùng kỳ năm trước. Đà giảm của doanh thu là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận gộp kỳ này chỉ đạt 135 tỉ đồng, thấp hơn 45% so với quý 2/2020. Đáng chú ý, đây là quý thứ 2 liên tiếp chủ thầu này ghi nhận suy giảm lợi nhuận. Ngoài ra, đây cũng là mức lợi nhuận quý thấp nhất trong gần một thập niên kinh doanh của Coteccons. So với giai đoạn 2016-2018, thời được coi là hoàng kim của Coteccons, mức lợi nhuận quý 2 vừa qua chỉ tương đương khoảng 1/10.
Hiện tại, Coteccons vẫn đang trong giai đoạn tái cơ cấu với rất nhiều khó khăn cả từ bên trong lẫn bên ngoài. Mới đây, Ban Tổng giám đốc Coteccons cũng vừa thông qua Nghị quyết không ký hợp đồng mới hoặc dừng hợp đồng hiện hữu với một loạt nhà thầu phụ, nhà cung cấp. Nguyên nhân Coteccons đưa ra do những đơn vị này đang mâu thuẫn lợi ích và là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Coteccons cũng như công ty con là Unicons. Một điểm sáng đáng ghi nhận của công ty đó là bất chấp những khó khăn về dịch bệnh trong 6 tháng đầu năm và tình hình cạnh tranh gay gắt giữa những công ty xây dựng, Coteccons vẫn mang về 18 gói thầu với giá trị hơn 14.000 tỉ đồng. Tuy nhiên vẫn có nhiều thách thức trong thời gian tới, đặc biệt trong giai đoạn năm 2021-2022, dịch COVID-19 chưa biết bao giờ mới kiểm soát được, điều này ảnh hưởng nhiều đến thời điểm có thể thực hiện được công trình.
Xem thêm: odl.342849-nahk-ohk-hnaod-hnik-yagn-iouhc-iohk-taoht-eht-auhc-nav-snoccetoc/et-hnik/nv.gnodoal