Tỉ lệ kết án tù thấp của các tòa án quân sự so với tòa dân sự trở thành đề tài chỉ trích của các nhóm hoạt động dân sự Hàn Quốc, theo Reuters. Trong ảnh: Quân nhân bị truy tố tội quấy rối tình dục một nữ trung sĩ bị dẫn tới tòa quân sự ở Seoul ngày 2-6-2021 - Ảnh chụp màn hình Yonhap
Theo Hãng thông tấn Yonhap, các tội mà quân nhân phạm phải trước khi nhập ngũ sẽ bị tòa dân sự xét xử thay vì tòa quân sự. Đáng chú ý, quân nhân phạm các tội liên quan đến tình dục trong thời gian tại ngũ sẽ bị tòa dân sự xét xử ngay từ đầu.
30 tòa án quân sự cũng sẽ bị bãi bỏ và hợp nhất còn 5 tòa, đặt trực tiếp dưới sự giám sát của bộ trưởng quốc phòng.
Lực lượng công tố viên quân sự, quân cảnh cũng sẽ chịu sự quản lý trực tiếp của tư lệnh các quân chủng và bộ trưởng quốc phòng để hạn chế bao che. Theo cách tổ chức hiện nay, công tố viên quân sự nằm dưới sự quản lý của các sư đoàn trưởng.
Các nhà lập pháp cũng đề xuất bãi bỏ các phiên tòa phúc thẩm quân sự, chỉ để quân đội tổ chức các phiên sơ thẩm.
Theo Yonhap, đây là cuộc cải tổ hệ thống tòa án quân sự lớn nhất trong vài thập kỷ qua. Các điều khoản sửa đổi sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 7 năm sau.
Động thái cải tổ diễn ra sau vụ một nữ trung sĩ không quân tự tử vì bị đồng nghiệp quấy rối tình dục. Nạn nhân đã làm đơn tố cáo nhưng bị cấp trên che giấu và trù dập dẫn tới việc cô bị trầm uất rồi tự sát.
Quân đội Hàn Quốc khi đó đã hứng chịu sự chỉ trích mạnh mẽ, buộc tư lệnh không quân phải từ chức vì đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của vụ việc và có dấu hiệu bao che.
Gần đây nhất, ngay trong tháng 8 này, một nữ binh sĩ phục vụ trong hải quân đã tự tử sau khi bị cấp trên quấy rối nhiều lần. Một hạ sĩ quan lục quân cũng nhập viện sau nhiều lần tự sát vì bị đồng nghiệp nam quấy rối.
Sau các sự việc trên, một số chuyên gia và các nhóm dân sự Hàn Quốc đã kêu gọi bãi bỏ hoàn toàn các tòa án quân sự trong thời bình vì cho rằng có tiêu cực trong việc điều tra, xét xử, theo Yonhap.
Trong một cuộc điều trần tại Quốc hội Hàn Quốc hồi tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook ủng hộ việc cải cách hệ thống tòa án quân sự. Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã kêu gọi "đại tu" hệ thống tòa án và cách ứng xử trong doanh trại.
"Việc thông qua các điều chỉnh trên chỉ là bước đầu tiên và có ý nghĩa lớn", nghị sĩ Min Hong Cheol của Đảng Dân chủ cầm quyền nói với Yonhap ngày 31-8.
Theo ông Min, các nhà lập pháp cần đảm bảo công lý và minh bạch được thực thi nhưng cũng phải tính đến các đặc thù và vai trò của quân đội trong đảm bảo an ninh quốc gia.
TTO - Tướng Lee Seong Yong, người đứng đầu lực lượng Không quân Hàn Quốc, đã nộp đơn từ chức ngày 4-6. Ông Lee cũng xin lỗi, nhận trách nhiệm trong vụ một nữ trung sĩ tự tử vì bị đồng nghiệp nam cùng cấp quấy rối.