“Mối quan hệ kinh tế đem lại “win-win” cho Việt Nam và Hoa Kỳ mặc dù trình độ phát triển hai nước khác nhau. Mối quan hệ Việt-Mỹ mang tính bổ sung rất lớn cho cả hai bên”, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng CIEM nhận định.
Tăng trưởng thương mại nhảy vọt hàng chục lần
Rạng sáng 21.9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường đến New York, Mỹ.
Thương mại song phương Việt - Mỹ đã có bước tăng trưởng nhảy vọt đầy ấn tượng sau 26 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Thương mại song phương Việt - Mỹ gần như không có gì vào năm 1995 đã tăng lên 90 tỉ USD vào cuối năm 2020 và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ.
Kể từ khi Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực (tháng 12.2001), thương mại hai chiều giữa hai nước liên tục tăng trưởng cao, tăng tới 47 lần, từ 220 triệu USD năm 1994 (năm Mỹ bỏ cấm vận kinh tế đối với Việt Nam) lên gần 1,5 tỉ USD năm 2001 và đạt khoảng 50,8 tỉ USD vào cuối năm 2017.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, TS Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng CIEM - đánh giá: “Quan hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ có những đặc trưng rất nổi bật. Mức tăng trưởng thương mại giữa hai nước nếu nói là “thần kì, kì diệu” thì hơi quá nhưng đúng là hiếm gặp trên thế giới, mức độ tăng rất nhanh”.
Theo TS. Võ Trí Thành, Mỹ là đối tác cực kì quan trọng của Việt Nam. Điều này thể hiện rõ nhất ở mối quan hệ thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục…
Nói về thương mại, hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Nói về lĩnh vực đầu tư, Mỹ luôn nằm trong top đầu. Mối quan hệ giữa hai nước vượt lên khỏi lĩnh vực kinh tế, điều này thể hiện rõ nhất qua việc mối quan hệ hai nước đang là đối tác toàn diện.
“Hai điểm quan trọng trong mối quan hệ Việt – Mỹ là quan hệ thương mại bổ sung cho nhau và lợi thế so sánh. Mối quan hệ kinh tế đem lại “win-win” cho cả hai bên mặc dù trình độ phát triển của hai nước khác nhau.
Điều này hàm chứa điều đơn giản về kinh tế học nhưng đôi khi chúng ta lại không nhìn ra. Vấn đề đem lại lợi ích đấy không phải lợi thế tuyệt đối mà là lợi thế so sánh, tính bổ sung cho nhau ở mức cao, đem lại lợi ích cho cả hai bên rất lớn”, TS. Võ Trí Thành nhận xét.
Việt Nam tự tin hội nhập quốc tế sau động lực từ BTA
Quan hệ kinh tế Việt Nam - Mỹ không đơn thuần thể hiện ở con số kinh tế, thương mại đầu tư, du lịch mà ý nghĩa dài hạn là những gì Việt Nam học hỏi được trong quá trình hội nhập.
Biểu hiện rất rõ là Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Mỹ (BTA). Đây là văn bản bao trùm nhất mà Mỹ kí với một nước đang phát triển.
Nội dung và ngôn từ của hiệp định BTA đã kí với Mỹ đã trở thành căn cứ vô cùng quan trọng để Việt Nam tự tin đẩy mạnh hội nhập sâu rộng, gắn cam kết quốc tế với cải cách trong nước, đặc biệt là cải cách thể chế kinh tế.
“Nói về hiệp định BTA, nhiều người nghĩ Mỹ là nền kinh tế số 1 thế giới, Việt Nam khi đó là nước trung bình kém, thì Việt Nam chỉ có thua. Thế nhưng Việt Nam đã nỗ lực cải cách thể chế kinh tế trong nước để hội nhập. Rồi khi vào WTO, Việt Nam chỉnh sửa, thay đổi hàng chục Luật, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ… BTA chính là nền tảng tốt giúp Việt nam tự tin hơn trong công cuộc hội nhập quốc tế” - TS Võ Trí Thành nói thêm.
Đánh giá về tiềm năng phát triển kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ, TS Võ Trí Thành cho rằng: “Tiềm năng phát triển kinh tế giữa hai nước còn rất lớn. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc nhiều điều, nhất là việc hai bên sẵn sàng đi vào hiện thực hoá, nâng cấp, làm sâu hơn mối quan hệ ấy. Và phụ thuộc vào nỗ lực cải cách nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Vì sao dư địa còn lớn? Nếu chỉ nhìn vào thương mại lớn thì chưa đủ, cần nhìn vào tỉ trọng một số lĩnh vực để thấy con số còn khá khiêm tốn so với thị trường có sức mua lớn như Mỹ.
Thêm vào đó, thặng dư thương mại giữa hai nước còn rất lớn. Việt Nam đang có chiến lược trọng tâm là thu hút FDI có chất lượng. Với trình độ phát triển Mỹ, việc đầu tư còn nhiều dư địa phát triển. Điều này vừa thể hiện sức mạnh, lợi thế Mỹ, vừa phù hợp bước ngoặt phát triển của Việt Nam cần đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động…”.
Xem thêm: odl.210659-gnout-na-yad-tov-yahn-et-hnik-gnourt-gnat-ym-teiv-eh-nauq/et-hnik/nv.gnodoal