Khóm là cây trồng chủ lực của bà con huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Trước dịch, giá khóm loại 1 tại vườn dao động 4.000-6.000 đồng một trái. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát khiến giá giảm mạnh, có lúc giảm một nửa vẫn không có người mua.
Như trường hợp của chú Út Thơ (Gò Quao) có vườn khóm cận ngày thu hoạch vẫn không thấy bóng dáng thương lái. "Tôi đã gọi điện cho các thương lái hay mua khóm trước đây hỏi tình hình. Họ bảo do dịch bệnh nên các chợ đầu mối, cũng như Chợ nổi Cái Răng không hoạt động nữa nên không có nơi tiêu thụ", chú Thơ nói.
Chung tình cảnh, nhiều vườn kế bên nhà chú Thơ cũng có khóm chín rục mà không bán được. Nhiều người trồng khóm khác đứng ngồi không yên vì lo mùa vụ này mất trắng.
Chứng kiến tình cảnh trên, chàng trai trẻ Huỳnh No sinh năm 1993 không khỏi xót xa. No hiện làm việc bên sản xuất và phân phối ống hút cỏ sậy ở Kiên Giang, có cơ sở kinh doanh ống hút tại quận 8 TP HCM. Bản thân No được sinh ra từ gia đình nông dân tại Gò Quao nên khi nhìn từng đợt khóm của bà con hái lên rồi bỏ đống đến chín rục, anh cảm thấy không cầm lòng.
Vào những ngày cuối tháng 7, No quyết tâm "giải cứu" khóm cho bà con và cung cấp nông sản giá bình ổn, hợp lý cho người dân vùng dịch TP HCM.
Khi thực hiện ý tưởng, No và một bạn đồng hương tên Phong gom lại được khoảng 50 triệu đồng làm vốn. Với số tiền ít ỏi này, mục tiêu của No và Phong là làm sao hỗ trợ tiêu thụ nhiều khóm nhất cho bà con Gò Quao và không bị lỗ sau mỗi chuyến hàng.
Sau 3 ngày đầu triển khai, 8 tấn khóm đã được No vận chuyển từ huyện Gò Quao, Kiên Giang lên TP HCM. Chỉ sau 2 ngày, khóm đã bán sạch. Thấy nhu cầu của thị trường khá cao và nông sản tại quê nhà còn nhiều, No tiếp tục tăng cường lượng phân phối nông sản đến tay người tiêu thụ.
Tuy nhiên, lúc này những rắc rối mới bắt đầu bộc lộ. Vì chưa có kinh nghiệm vận chuyển, No sắp khóm trong thùng xe tải quá cao, khóm bị dập vì sốc nhiệt độ và đi đường dài. Chưa kể, mỗi lần tìm xe vận chuyển là một quá trình gian nan. Có ngày, No không gọi được nhà xe nào, cứ loay hoay mãi trong khi khóm không thể để quá lâu vì sẽ bị hỏng hết. Ngoài ra, do chưa có đội ngũ hỗ trợ, khiến nhiều chi phí bị đội lên.
Thêm nữa, các đơn lẻ đặt hàng 5-10 trái rải rác ở khắp các quận của TP HCM cũng là bài toán nan giải với chàng trai trẻ. No và nhóm cho biết, những ngày đầu do quá tải nên phải đi giao hàng vào ban đêm. Khi nhóm gọi điện cho khách hàng, họ vẫn vui vẻ chờ đến tận 3h sáng để nhận khóm. "Thấy họ trân trọng từng trái khóm, lúc đó bao mệt mỏi đều tan biến và cả hai động viên nhau cùng cố gắng", Phong - cộng sự của No bộc bạch.
Tuy nhiên, vì có quá nhiều đơn nhỏ lẻ, nên đôi lúc, nhóm của No đành phải huỷ đơn và xin lỗi khách vì giao không xuể dù thấy rất ấy nấy....
Sau nhiều chuyến hàng "sóng gió", cả hai bắt đầu rút kinh nghiệm dần trong vận chuyển, xây dựng cách giao hàng lẻ, cách bán hàng, phân loại đơn, nhân viên bán hàng.... Đến nay, nhóm của No có gần 10 thành viên gồm giao hàng và chốt đơn.
Trong tháng 8, khoảng 70 tấn khóm của nông dân Gò Quao - Kiên Giang đã được nhóm No mang đến tay người dân thành phố. No chia sẻ: "người dân tại TP HCM đang rất khó khăn trong đại dịch, vì thế, đây không phải là thời điểm kinh doanh kiếm tiền. Chúng tôi bán nông sản với giá hợp lý nhất để bà con có thể mua được".
Trong tháng 9, việc vận chuyển đường dài có phần ổn định hơn, thế nhưng việc giao hàng trong nội thành vẫn rất khó vì shipper xe máy không thể hoạt động. Theo đó, việc vận chuyển khóm đến tay người dân phụ thuộc 100 % vào xe tải. No và Phong chỉ nhận giao hàng cho các chuỗi rau củ quả được phép hoạt động trong giai đoạn "ai ở đâu yên đó".
Với các đơn hàng lẻ, khách hàng sẽ hỗ trợ thanh toán phí ship và được chia sẻ rõ ràng ngay từ đầu. Phí giao hàng từ 10-20 trái khóm có khung giá khoảng 25.000-40.000 đồng tuỳ theo quận và cung đường.
Hiện tại, kho hàng của nhóm No đặt ở quận 8 để thuận tiện giao các đơn hàng nhỏ lẻ cho khách ở các quận xung quanh. Giá bán khóm trung bình tại TP HCM khoảng 12.000 đồng một trái từ một kg trở lên. Đến nay, gần 100 tấn khóm Gò Quao đã được nhóm No vận chuyển đến tay người dân thành phố.
Từ chỗ bán hàng phi lợi nhuận, hiện nhóm của No hoạt động theo mục tiêu hỗ trợ bán nông sản, chia sẻ lợi nhuận cho bếp ăn 0 đồng và rau củ quả cho bà con khu xóm trọ và khu phong toả. Ngoài ra, nhóm cũng hỗ trợ các chuyến xe miễn phí vận chuyển rau củ quả, các nhu yếu phẩm cho các bếp ăn, hội từ thiện.
Thanh Thu