Tình trạng trên được dự báo có thể làm suy yếu đà phục hồi kinh tế của khu vực, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân cũng như hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Bà Maria - 51 tuổi, phải sử dụng máy thở ít nhất 8 giờ mỗi ngày vì vấn đề sức khỏe. Thế nhưng, hồi tháng 6, bà suýt chút nữa đã bị cắt điện chỉ vì không thể thanh toán hóa đơn tiền điện.
Mặc dù vấn đề sau đó đã tạm thời được giải quyết, nhưng bà Maria vẫn chưa biết, sẽ phải xoay xở như thế nào trong những tháng tới, khi hóa đơn tiền điện đã tăng 35% còn thời tiết lại đang lạnh dần.
"Tôi phải cố gắng hết sức để giảm chi phí tiền điện. Vào ban đêm, tôi chỉ sử dụng ánh sáng của tivi và tới giường nằm nhờ ánh sáng của điện thoại di động. Tôi không biết mình sẽ như thế nào trong mùa đông này", bà Bà Maria - người Tây Ban Nha chia sẻ.
Theo DW, ngày càng nhiều người tiêu dùng châu Âu gặp phải khó khăn trong việc chi trả hóa đơn tiền điện hay khí đốt như bà Maria, khi giá nhiên liệu liên tục leo thang.
Thời tiết lạnh giá bất thường tại châu Âu và sự mở cửa trở lại của nhiều nền kinh tế khiến nhu cầu nhập khẩu năng lượng trên toàn thế giới tăng mạnh, trong khi nguồn cung khí đốt từ Nga và sản lượng điện gió lại giảm mạnh. Các yếu tố này kết hợp lại đẩy giá tăng lên.
Giá điện tại thị trường châu Âu đã tăng vọt. (Ảnh minh họa: AP)
Chính phủ một số quốc gia như Italy, Tây Ban Nha đã triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân, trong đó, Tây Ban Nha dự kiến sẽ chuyển khoảng 3 tỷ USD lợi nhuận từ các công ty năng lượng tới người tiêu dùng trong vòng 6 tháng tới.
Còn tại Anh, chính quyền Thủ tướng Boris Johnson đã tiến hành họp khẩn với các công ty năng lượng và tổ chức tiêu dùng, trong bối cảnh hàng triệu người dân tại nước này sẽ phải đối mặt với hóa đơn tiền điện tăng hơn 10% trong tháng 10.
London khẳng định, sẽ làm việc với ngành năng lượng để ngăn chặn các tác động xấu từ việc giá nhiên liệu tăng cao.
Các chuyên gia lo ngại, tình trạng giá nhiên liệu tăng cao kéo dài sẽ không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng, mà còn đe dọa các ngành sản xuất quan trọng của châu Âu, từ đó đảo lộn sự phục hồi của kinh tế khu vực.
Hiện một số công ty phân bón lớn đã phải tạm dừng hoạt động các nhà máy do giá khí đốt tăng cao, trong khi ngành sản xuất xi măng, thủy tinh, giấy hay chế biến thực phẩm cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn.
VTV.vn - Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu mới được công bố, chỉ số lạm phát của tháng 8/2021 trong toàn Khu vực đồng euro đã tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!