vĐồng tin tức tài chính 365

Mô hình y tế 3 trụ cột của TP.HCM khi mở cửa trở lại

2021-09-22 07:02

Theo kế hoạch về công tác phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế của TP.HCM, khi TP cơ bản kiểm soát được dịch sẽ dỡ bỏ dần các cơ sở cách ly tập trung và bệnh viện (BV) dã chiến của quận, huyện, TP Thủ Đức đặt tại các chung cư, nhà văn hóa, trường học, ký túc xá… để khôi phục công năng ban đầu.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe của TP sẽ thay đổi thế nào để đảm bảo mục tiêu sống chung an toàn với virus SARS-CoV-2 sau khi TP mở cửa trở lại, giảm bớt các cơ sở dã chiến? Theo PGS-TS Ngô Quốc Đạt, Phó Trưởng Khoa y ĐH Y Dược TP.HCM, TP cần vận hành một mô hình y tế gồm ba trụ cột quan trọng: Y tế cơ sở, y tế tư nhân và tuyến y tế dự phòng tăng cường.

Mô hình y tế 3 trụ cột của TP.HCM khi mở cửa trở lại - ảnh 1
Thăm khám cho F0 điều trị tại nhà ở quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Dỡ bỏ bệnh viện chiến là hợp lý

. Phóng viên: Ông nhận xét như thế nào về việc TP sẽ giảm BV dã chiến thời gian tới khi đã cơ bản kiểm soát được dịch?

+ PGS-TS Ngô Quốc Đạt (ảnh): Tôi cho rằng đó là điều tất yếu mà trước đây khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, tôi từng nhắc. Đã là “dã chiến” thì chỉ phục vụ cho những khi khẩn cấp, với mục tiêu tăng cường chăm sóc y tế khi hệ thống có dấu hiệu hoặc được dự báo là quá tải. Hiện nay, TP đã tổ chức cho F0 không triệu chứng và có triệu chứng nhẹ tự chăm sóc, điều trị tại nhà dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế.

Bên cạnh đó, theo GS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, thì các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của TP từ tháng 5 đến tháng 9-2021 đã khiến hệ số lây truyền Rt từ hơn 5 (tức một F0 lây cho năm người) giảm xuống mức 1,03. Quan trọng nhất là năng lực của hệ thống y tế từ tuyến cơ sở phường, xã đến tuyến trên đã được cải thiện rõ rệt; số người được tiêm vaccine mũi 1 đã rất cao và tiêm mũi 2 cũng đang tăng nhanh, nhất là nhóm người già và có bệnh lý nền. Vì vậy, khi số ca triệu chứng nặng và tử vong giảm sâu thì sẽ không cần đến quá nhiều giường bệnh dành riêng cho bệnh nhân COVID-19.

Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng TP chủ trương dỡ bỏ dần BV dã chiến là hợp lý. Khi đó, chúng ta cần sắp xếp lại nguồn lực y tế (nhân lực, vật lực) hợp lý để đáp ứng với giai đoạn sống chung an toàn với virus SARS-CoV-2. Đặc biệt, hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng cần được củng cố, tăng cường và được đầu tư thỏa đáng. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với xu hướng và cách làm ở nhiều nước trên thế giới.

Mô hình y tế 3 trụ cột của TP.HCM khi mở cửa trở lại - ảnh 2

Ba trụ cột cần xây dựng cho hệ thống y tế

. Là người tham gia vào mô hình chăm sóc F0 ở cộng đồng của ĐH Y Dược TP.HCM tại một số quận trên địa bàn TP, theo ông, khi bình thường mới thì mô hình y tế nào sẽ tối ưu?

+ Qua thực tế triển khai công tác chăm sóc F0 trong cộng đồng tại quận 10, sau đó là quận 8, quận Bình Tân, tôi thấy mô hình bệnh COVID-19 ở đây cũng tương tự như dữ liệu mà các chuyên gia dịch tễ trong nước và nước ngoài nhận xét từ trước đến nay. Đó là có khoảng 80% các ca F0 không triệu chứng, 20% còn lại có triệu chứng, trong đó có khoảng 1/3 cần đến thở ôxy và 5% cần được cấp cứu, hồi sức. Một điều quan trọng là trong nhóm 20% có triệu chứng nếu được phát hiện, can thiệp sớm, chăm sóc và điều trị đúng cách thì số ca phải chuyển lên tầng 2 và tầng 3 sẽ giảm.

Với cấu trúc bệnh nhân như vậy, cùng với hiệu quả của vaccine (trong điều kiện TP có thể tiêm đầy đủ vaccine cho hầu hết dân số), các trụ cột y tế sẽ gồm: (i) Tổ chức hệ thống y tế nhà nước với các cơ sở y tế cấp phường, xã, thị trấn làm nền tảng; (ii) Tổ chức hệ thống y tế tư nhân, với các cơ sở khám chữa bệnh, phòng khám tư nhân làm đột phá; và (iii) Các nhóm y tế được dự phòng để tăng cường trong tình trạng khẩn cấp.

Đối với hệ thống y tế nhà nước, tôi cho rằng phải đầu tư nhiều hơn cho các trạm y tế cấp phường, xã; các cơ sở chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ và trung bình. Ở tuyến này cần các nhân viên y tế được tập huấn kiến thức về virus SARS-CoV-2, tư vấn cho bệnh nhân COVID-19 tự chăm sóc tại nhà hoặc tiếp nhận, sàng lọc, hỗ trợ ôxy, chuyển cấp cứu kịp thời. Vì nhóm này phụ trách khoảng trên 85% số ca F0 nên lượng nhân viên phải đảm bảo cho các kịch bản dịch bệnh khác nhau (ví dụ 2-3 nhân viên chăm sóc cho khoảng 20-30 hộ gia đình).

Hiện tại, hệ thống y tế tư nhân tham gia vào phòng chống dịch còn hạn chế và chưa chủ động nhưng tôi nghĩ phải có cơ chế để họ tham gia vào chữa trị cho bệnh nhân COVID-19. TP.HCM đặc thù là có sẵn một mạng lưới bác sĩ gia đình, phòng khám tư nhân rộng khắp đến từng khu phố, tổ dân phố, con hẻm, khu chung cư… Họ hiểu và quen thuộc với người dân địa phương do thường xuyên thăm khám, chữa trị các bệnh khác. Điều đó càng thuận lợi để họ theo dõi và chữa trị cho bệnh nhân COVID-19 tại nhà. Tôi cho rằng phòng khám tư nhân sẽ nhanh chóng thích nghi việc chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân COVID-19 khi chính quyền có hướng dẫn và cơ chế phù hợp.

Cuối cùng là lực lượng y tế dự phòng tăng cường luôn sẵn sàng trong tình huống khẩn cấp. Dịch bệnh vừa qua tại TP cho thấy vai trò rất quan trọng của các tình nguyện viên lĩnh vực y tế, ví dụ bác sĩ răng hàm mặt, sinh viên ngành sức khỏe, nhân viên y tế về hưu và Hội Chữ thập đỏ... Trong trường hợp dịch bệnh gia tăng đến ngưỡng chịu đựng của hệ thống y tế phường, xã, hay thậm chí các phòng khám tư nhân địa phương, đội ngũ dự phòng này sẽ được tăng cường. Các tình nguyện viên có thể đăng ký trước và khi dịch diễn biến phức tạp thì lực lượng này sẵn sàng hỗ trợ hệ thống y tế cơ sở. Tất nhiên, khi bình thường mới thì dù là tình nguyện viên cũng phải có cơ chế đãi ngộ phù hợp.

Mô hình y tế 3 trụ cột của TP.HCM khi mở cửa trở lại - ảnh 3

Linh hoạt điều phối giường bệnh

. Nhiều người quan tâm đến số giường bệnh dành cho bệnh nhân COVID-19, trong đó có số giường hồi sức. Làm sao để đảm bảo số giường dự phòng hiệu quả, thưa ông?

+ Giường bệnh cho bệnh nhân COVID-19 hay bệnh nhân khác đều quan trọng cả, thậm chí có những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo còn nguy hiểm hơn COVID-19. Đó là chưa kể TP là nơi có nhiều BV tuyến cuối đang điều trị cho nhiều bệnh nhân ung thư, bệnh mạn tính ở khắp các tỉnh, thành lân cận. Vì vậy, số giường bệnh nên được đánh giá một cách tổng thể. Khi vaccine đã được tiêm đủ, nhất là người già và có bệnh nền, trong điều kiện không xuất hiện thêm các biến chủng mới nguy hiểm khác thì bệnh nhân COVID-19 cũng được xem như các bệnh thông thường, có thể nhẹ và có thể nặng. Khi đó, vai trò điều phối giường bệnh là rất quan trọng.

Điều phối ở đây là dựa trên nguyên tắc tính toán dữ liệu, tiên đoán nhu cầu, linh hoạt chia sẻ nguồn lực từ cấp y tế cơ sở (phường, xã, phòng khám tư nhân) đến tuyến BV tầng 2, tầng 3. Dịch ở phạm vi TP thì Sở Y tế tính toán điều phối giường bệnh giữa các quận, huyện. Nếu dịch ở một tỉnh, TP trực thuộc trung ương bùng mạnh thì cần đến sự hỗ trợ của các tỉnh lân cận, từ Bộ Y tế - thẩm quyền điều phối của Chính phủ.

Vì vậy, tôi cho rằng không chỉ chính quyền TP mới cần một bảng điều khiển dữ liệu (dashboard), mà bản thân các cơ sở y tế từ tuyến dưới đến tuyến trên cũng phải chủ động xây dựng “dashboard” của riêng mình để việc điều phối giường bệnh có thể hợp lý nhất.

. Xin cám ơn ông.

Hệ thống y tế chống dịch COVID-19 ở TP.HCM hiện nay

TP hiện có trên 190 cơ sở cách ly tập trung; trên 80 BV tầng 2; 10 BV, trung tâm hồi sức chuyên sâu ở tầng 3; chín BV đa khoa và một BV chuyên khoa tư nhân tham gia chữa trị cho bệnh nhân COVID-19. Tổng số giường bệnh lên đến trên 100.000, cùng với hàng trăm máy thở chức năng cao; máy thở xâm nhập, không xâm nhập; hàng ngàn hệ thống ôxy dòng cao; hàng chục máy lọc máu liên tục và các hệ thống ECMO, PCR các loại. 

Xem thêm: lmth.9986101-ial-ort-auc-om-ihk-mchpt-auc-toc-urt-3-et-y-hnih-om/ioh-ax/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Mô hình y tế 3 trụ cột của TP.HCM khi mở cửa trở lại”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools