Nhiều ý kiến cho rằng việc mở lại sản xuất cần đi liền nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn cho công nhân và gia đình họ - Ảnh: N. HIểN
Hoàng Văn Nhâm (sống tại Osaka, Nhật Bản):
Tham khảo cách làm của Nhật Bản
Nhật Bản vẫn đang chịu ảnh hưởng bởi làn sóng tái bùng phát COVID-19, song việc sản xuất ở Nhật vẫn được duy trì, chỉ khác là không còn tăng ca như trước. Mấu chốt để duy trì sản xuất, người lao động vẫn có việc làm là cách đối phó và nhìn nhận về COVID-19 một cách bình tĩnh.
Từ đầu năm đến nay, khu vực hai vợ chồng tôi làm việc là TP Osaka, mọi hoạt động vẫn diễn ra như bình thường, các phương tiện công cộng vẫn chạy, người dân vẫn đi làm và mua sắm không có gì khác, chỉ khác là ai cũng phải đeo khẩu trang.
Tôi làm ở doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đóng hộp, mỗi ngày vẫn đi và về nhà để làm việc theo ca. Trước khi đi làm, tôi lấy bộ kit xét nghiệm COVID-19 đã có ghi tên tuổi trên đó để tự xét nghiệm. Nếu âm tính, tôi mang đến trình công ty để vào làm việc. Nếu dương tính, tôi báo công ty để ở nhà tự cách ly trong vòng 15 ngày theo quy định.
Khi đến công ty, toàn bộ người lao động phải đi qua máy đo thân nhiệt tự động, trên máy có lưu trữ thông tin tên, tuổi, bộ phận làm việc... Nếu công nhân sốt, máy sẽ báo động để có người ra giải quyết. Các F1 vẫn làm việc bình thường song theo dõi có phần chặt hơn, nếu có triệu chứng sẽ được yêu cầu ở nhà ngay.
Để vào đến bộ phận làm việc, người lao động phải thay khẩu trang mới, rửa tay sát khuẩn... Cứ sau khi nghỉ giữa ca, chúng tôi phải thay khẩu trang và làm việc phải giãn cách. Định kỳ khoảng 15 phút/lần sẽ có nhân viên đi xịt cồn vào các vị trí tiếp xúc, lau khóa cửa, bàn ghế công nhân ngồi. Mọi người làm việc phải giữ khoảng cách, nếu vi phạm sẽ bị nhắc nhở, tái phạm bị đuổi việc. Vợ tôi cũng làm tại công ty chuyên về ẩm thực, quy trình theo dõi cũng tương tự nên công việc vẫn được duy trì, công ty không phải đóng cửa nếu có F0.
Trước đây, do còn tâm lý lo ngại nên chúng tôi chưa tiêm vắc xin, sau này khi số lượng người tăng lên nên cả hai vợ chồng đều đã tiêm mũi 1 và cũng đang chờ tiêm mũi 2.
Công ty chúng tôi tổ chức tiêm 100% công nhân tại công ty, những ai đã tiêm trước đó được công ty hỗ trợ một khoản tiền tương đương 600.000 đồng để động viên dù trước đó cũng tiêm miễn phí từ chính sách của chính phủ.
Chúng tôi có con nhỏ song về mặt tâm lý vẫn cảm thấy yên tâm hơn, không quá lo lắng về dịch bệnh bởi cách tiếp cận với dịch ở Nhật có phần bình tĩnh hơn. Đây cũng là một cách sống chung với COVID-19 đáng để tham khảo.
Bà Nguyễn Thị Kim Cương (phó phòng hành chính nhân sự Công ty Cát Vạn Lợi, TP.HCM):
Phòng chống dịch theo nhóm
Chúng tôi là một trong số những công ty VN đã nỗ lực duy trì "3 tại chỗ" hơn 2 tháng qua. Niềm vui của công ty là không có F0, các công nhân đã hoàn thành 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. Lúc đầu, 50% công nhân không muốn làm "3 tại chỗ" vì họ sợ sẽ xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo, sau này trở về gia đình sẽ ảnh hưởng đến vợ con. Hiện nay đã phủ 2 mũi vắc xin, họ lại muốn trở về nhà để đi và về như trước đây theo các phương án mới mà TP đã ban hành.
Có một tín hiệu tích cực là gia đình của các công nhân cũng đã được tiêm vắc xin khá nhiều thông qua chương trình tiêm chủng của địa phương... Với những công nhân này, nguy cơ lây nhiễm cho gia đình vẫn có, do đó nếu đi và về giữa nhà xưởng và gia đình, công nhân phải nâng cao tinh thần phòng dịch của mình. Như bản thân hai vợ chồng tôi làm chung công ty, lúc trước các thành viên gia đình chưa tiêm vắc xin, lúc về nhà chúng tôi phải tắm rửa, thay hết áo quần mới tiếp xúc với thành viên trong nhà nhưng cũng đảm bảo khoảng cách so với trước.
Công nhân cần ý thức đi và về theo một cung đường, về nhà không được giao lưu tiếp xúc mất an toàn với người xung quanh. Tuy nhiên, có một điểm yếu đối với các công nhân là thường sống trong các dãy trọ đông đúc nên rất khó để đảm bảo 5K nếu trường hợp có dịch.
Còn về góc độ công ty, chúng tôi đã lên phương án để sau này cho công nhân đi làm lại bình thường, trong đó điểm mấu chốt là phải xét nghiệm thường xuyên, phân công nhân theo các nhóm nguy cơ cao - thấp - trung bình để có cách phòng dịch theo mỗi nhóm, chia từng khu vực sản xuất, đảm bảo khoảng cách.
Các bộ phận giao nhận, vận tải phải tự xét nghiệm. Trong xưởng, công ty đã chia theo từng nhóm 4 người nên nếu có F0 chúng tôi sẽ xét nghiệm thường xuyên 3 người còn lại, các tổ khác không tiếp xúc vẫn có thể sản xuất bình thường. Đồng thời khi đã xác định sống chung với COVID-19, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp chi phí xét nghiệm nhanh trong khoảng thời gian nhất định để giúp doanh nghiệp phục hồi.
Phan Hải Quân (công nhân Công ty Cát Vạn Lợi):
Âu lo khi vợ con chưa tiêm vắc xin
Tôi đã hoàn thành 2 mũi vắc xin và đã hơn 2 tháng ăn ngủ trong nhà xưởng nên tâm lý chung là muốn được trở về nhà bên gia đình. Tuy nhiên, về để ở bên gia đình vài ngày, nếu về luôn sẽ không có thu nhập nuôi gia đình.
Vợ tôi vừa mới sinh con đầu lòng được 4 tháng, hiện đang cho con bú nên chưa thể tiêm vắc xin. Hiện tôi là lao động "xanh" nhưng vợ con vẫn là nhóm có nguy cơ mắc cao nên tôi lo mình gây ảnh hưởng đến sức khỏe của vợ con.
Có thể áp dụng mô hình mới cho chúng tôi là 7 - 10 ngày được về nhà 1 lần, các ngày còn lại vẫn lưu trú tại nhà xưởng như "3 tại chỗ" đối với những công nhân có vợ con chưa tiêm vắc xin. Tôi mong muốn người lao động phải âm tính với COVID-19 mới được trở về nhà. Khi về nhà, chúng tôi vẫn sẽ cố gắng giữ khoảng cách.
Làm sao để quy trình đi về nhà và trở lại nhà xưởng đơn giản hơn thông qua xét nghiệm nhanh. Nếu âm tính là được phép đi về sẽ giúp chúng tôi an tâm hơn khi vừa có thể sản xuất vừa tránh tâm lý bị gò bó.
TTO - Cùng với việc phòng chống dịch, không thể bỏ quên "sức khỏe" của cộng đồng doanh nghiệp bởi doanh nghiệp có khỏe thì nền kinh tế mới mạnh.