Sản xuất bị đình trệ, nhà máy đóng cửa hoặc hoạt động một phần, khiến lao động cũng bị phân tán, không dễ để hồi phục. Thiếu lao động đang là vấn đề nhiều doanh nghiệp lúc này phải quan tâm bởi để có đội ngũ lành nghề không phải ngày một ngày hai để xây dựng được.
Theo khảo sát tình trạng việc làm của lao động trong đợt dịch lần thứ 4 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ mất việc ở các khu vực là: Xây dựng mất việc gần 67%; Dịch vụ mất việc 63%; Nông lâm ngư nghiệp gần 60%; Công nghiệp (sản xuất) mất việc gần 49%.
Còn về tình trạng tạm ngừng hoạt động của doanh nghiệp tại 5 tỉnh, thành phố lớn, tập trung nhiều doanh nghiệp: Hà Nội trên 66%; Đà Nẵng 69%; Đồng Nai trên 72%; Bình Dương 71%; TP Hồ Chí Minh gần 71,9%.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập do ảnh hưởng dịch COVID-19 trong quý 2 đã lên đến 12,8 triệu người.
Triển khai "3 xanh" khôi phục sản xuất
Lực lượng lao động các tỉnh thành phía Nam đang bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trong bối cảnh vừa chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất không đứt gãy chuỗi cung ứng, để người lao động trở lại sản xuất cũng phải rất thận trọng. Hiện tỉnh Bình Dương đang triển khai sản xuất "3 xanh" trong các "vùng xanh".
Điều kiện hoạt động là "nhà máy xanh", "nhà trọ xanh" và "công nhân xanh". Nhiều mô hình sản xuất đa dạng được triển khai để thích ứng trong điều kiện thiếu lao động, làm sao tối ưu lao động hiệu quả nhất. Ngay khi mô hình "3 xanh" được ban hành đã có gần 400 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với gần 53.000 công nhân.
Tại dãy nhà trọ của một doanh nghiệp may mặc, các công nhân được công ty phối hợp với địa phương "vùng xanh" bố trí ở riêng một dãy phòng trọ nên thuận tiện trong kiểm soát đi lại. Đồng thời địa phương cũng tổ chức xét nghiệm định kỳ, nên công ty đáp ứng được yêu cầu "nhà trọ xanh".
Để đạt điều kiện "nhà máy xanh" và "công nhân xanh" trước khi sản xuất công ty phải khử khuẩn toàn bộ khu vực, tổ chức xét nghiệm 2 lần 1 tuần trước khi lên ca, khi sản xuất thì xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp.
Sản xuất bị đình trệ, nhà máy đóng cửa hoặc hoạt động một phần, khiến lao động cũng bị phân tán, không dễ để hồi phục. Ảnh minh họa.
Đại diện Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, từ khi có mô hình "3 xanh", đã có gần 400 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại sản xuất, với số lao động tăng thêm là gần 53.00 người.
Tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu các địa phương giữ vững và mở rộng "vùng xanh", bởi đó là nền tảng quan trọng cho thực hiện mô hình "3 xanh" cũng như khôi phục kinh tế - xã hội.
Trở về trạng thái bình thường mới thì nguy cơ lây nhiễm vẫn còn. Do đó yếu tố "công nhân xanh" vẫn rất là quan trọng. Rất cần ý thức của người công nhân bảo vệ nơi làm việc của mình, bảo vệ nơi ở của mình, bảo vệ nguồn thu nhập của mình.
Các nhà máy tại Hà Nội khôi phục sản xuất
Tại Hà Nội, việc hoạt động sản xuất phân chia các vùng an toàn đang giúp các khu công nghiệp Hà Nội đã bắt đầu khởi động lại hoạt động sản xuất bình thường mới. Các công ty đã khôi phục được 70% sản xuất so với trước, đảm bảo việc làm cho trên 200.000 lao động.
Ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị 15, công ty giày Đông Anh đã gọi thêm 300 lao động đi làm. Sau hơn 1 tháng áp dụng 3 "tại chỗ", giờ đây người lao động được đi về hàng ngày giữa nhà máy và nơi ở. Cac công nhân rất vui mừng khi được gọi đi làm trở lại.
Tâm lý thoải mái cũng khiến người lao động làm việc hiệu quả hơn. Năng suất lao động của nhà máy đã tăng lên 20% so với khi áp dụng sản xuất 3 "tại chỗ" theo Chỉ thị 16.
Áp dụng Chỉ thị 15, khách hàng không còn dè dặt mà bắt đầu đặt hàng mới, các chuỗi cung ứng được nối lại, vận chuyển cũng thuận tiện hơn giúp công ty dần nối lại hoạt động xuất khẩu hàng hóa.
Các công ty hoạt động trong khu công nghiệp chủ yếu sản xuất, gia công các mặt hàng xuất khẩu. Người lao động của các công ty này được đi lại bình thường có ý nghĩa rất lớn trong việc khôi phục lại sản xuất.
Cần sớm có giải pháp kết nối cung cầu lao động, sẵn sàng phục hồi sản xuất. Ảnh minh họa.
Hồi tháng 7, đã có hàng nghìn người lao động mất việc trong cả nước di chuyển ồ ạt về quê. Dự kiến số lao động về quê quay trở lại làm việc chỉ còn khoảng 60 - 70%. Như vậy, việc đưa người lao động trở lại sản xuất là rất lớn, làm thế nào để kết nối cung cầu thị trường lao động?
Làm thế nào để doanh nghiệp có thể đảm bảo "3 xanh" và liệu mô hình có làm tăng chi phí cho doanh nghiệp hay không?
Xug quanh những vấn đề trên, chương trình Vấn đề hôm nay với sự tham gia của ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và ông Bùi Minh Trí - Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương sẽ phần nào phân tích và giải đáp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.29132756022901202-taux-nas-ioh-cuhp-gnas-nas-gnod-oal-uac-gnuc-ion-tek-mos-nac/et-hnik/nv.vtv