Người bệnh được chăm sóc và phục hồi hậu COVID-19 tại Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bà M.D. (57 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết trải qua 24 ngày điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 3 (phường An Khánh, TP Thủ Đức), bà khỏi bệnh và xuất viện được một tuần bà vẫn còn các triệu chứng mệt mỏi, khó thở, mất ngủ thường xuyên.
Gia đình phải động viên tinh thần, kết hợp với bổ sung dinh dưỡng liên tục, bà D. mới đỡ một phần.
Suy nhược cơ thể hậu nhiễm COVID-19 là vấn đề phức tạp, nếu không được quan tâm điều trị sẽ dấn đến hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh. Thân nhân người bệnh, người bệnh nếu nhận thấy có vấn đề ngày càng nghiêm trọng, cần đến các cơ sở y tế có điều trị hậu COVID-19 để được tư vấn và can thiệp càng sớm càng tốt.
BS LÊ THỊ THÚY HẰNG
Triệu chứng COVID-19 kéo dài
Theo báo Guardian (Anh) ngày 13-9 dẫn kết quả một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí y khoa Plos cho biết khoảng 25% bệnh nhân COVID-19, tương đương hàng triệu người ở Mỹ, ghi nhận những triệu chứng kéo dài của bệnh như đau đầu, đau bụng, chóng mặt, có vấn đề về tim mạch, suy giảm nhận thức hay trầm cảm.
Đến nay, nhiều bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đã thành lập các khoa hồi sức và phục hồi cho bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19 như: Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y dược - cơ sở 3… Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân COVID-19 đến khám, điều trị sau khi hết COVID-19 nhưng vẫn còn triệu chứng.
Anh D.N. (26 tuổi, TP.HCM) có kết quả dương tính COVID-19 vào ngày 22-8, được cách ly điều trị tại nhà, đến ngày 2-9 anh N. có kết quả âm tính COVID-19. Tuy nhiên, từ lúc khỏi bệnh đến nay đã hơn 10 ngày, anh thường xuyên rơi vào trạng thái mất ngủ.
"Gia đình có 5 người dương tính COVID-19, đến nay mọi người đều đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, tôi thường xuyên rơi vào trạng thái mất ngủ kéo dài. Mẹ tôi cũng mắc COVID-19 đã khỏi nhưng liên tục khó thở. Ban đêm tôi chỉ ngủ được 3-4 tiếng, sau đó giật mình dậy mặc dù cố gắng tìm cách vận động nhưng tình trạng vẫn không thuyên giảm", anh N. cho biết.
Tương tự, vợ anh L. (44 tuổi, Q.Tân Phú) cho biết sau khi được điều trị khỏi COVID-19 tại một bệnh viện, anh L. được xuất viện về nhà, tuy nhiên sau đó anh bị hôn mê và chẩn đoán đột quỵ, được chuyển đến Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu.
Khi làm xét nghiệm RT-PCR của anh L. lại cho kết quả dương tính. Bệnh viện can thiệp đột quỵ thành công, sau đó anh L. được chuyển đến khoa hồi sức và phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau COVID-19 để điều trị.
Bệnh viện Thống Nhất cho biết thêm, các bệnh nhân được chuyển đến khoa hồi sức và phục hồi chức năng sau COVID-19 chủ yếu đến từ Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 đa tầng quận Tân Bình. Phần lớn là những bệnh nhân lớn tuổi có nhiều bệnh lý nền kèm theo.
"Không phải bệnh nhân nào cũng hoàn toàn khỏe mạnh"
Ông Hồ Thượng Dũng - phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), cho biết mỗi ngày TP.HCM có hàng ngàn người xuất viện sau khi điều trị khỏi COVID-19. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng hoàn toàn khỏe mạnh và ổn định tâm lý sau khi xuất viện, khỏi COVID-19.
"Khoảng 30% bệnh nhân hậu COVID-19 cần vào viện. Nhiều người dù có xét nghiệm âm tính nhưng chưa thực sự hồi phục về thể chất, thậm chí nhiều người còn rơi vào trầm cảm, căng thẳng. Những F0 từng nguy kịch, phải thở máy vẫn còn di chứng phổi, họ rất cần được chăm sóc", PGS Dũng nói.
BS CKI Lê Thị Thúy Hằng, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cơ sở 3, cho biết gần hai năm kể từ khi xuất hiện, dịch bệnh COVID-19 vẫn còn bùng nổ trên diện rộng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Song song với gánh nặng điều trị các ca nhiễm, ngành y tế còn phải đối mặt với thực trạng nhiều người bệnh đã hồi phục sau nhiễm COVID-19 vẫn có các triệu chứng kéo dài trong nhiều tuần, thậm chí vài tháng, gây ảnh hưởng trong đời sống hằng ngày của họ.
Những người bệnh này được coi là mắc phải "hội chứng hậu COVID-19" hoặc "COVID kéo dài". Các triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi, các biểu hiện về tâm thần kinh như khó thở, lo lắng, trầm cảm, suy giảm khả năng chú ý, tập trung, giảm trí nhớ và giấc ngủ làm chất lượng cuộc sống giảm sút nghiêm trọng.
Cơ chế sinh bệnh của vấn đề này chưa được biết rõ, mặc dù các nghiên cứu cho thấy có liên quan đến cơ chế bệnh do virus và miễn dịch.
Người bệnh mắc hội chứng suy nhược mãn tính sau COVID-19 thường khám nhiều chuyên khoa với nhiều thầy thuốc khác nhau, và kết quả thường không được như mong muốn.
Các thuốc thường gặp như giảm đau, giảm tê, các thuốc bổ thần kinh được kê toa không giúp họ thuyên giảm triệu chứng mà còn thêm tác dụng phụ do thuốc và ảnh hưởng đến kinh phí điều trị.
Người khỏi bệnh kiên trì tập thể dục
Theo BS Hằng, người bệnh nên tập thể dục nhẹ nhàng, tập dưỡng sinh, hạn chế làm việc nặng mà nên làm việc nhẹ tăng dần cường độ, giúp giải tỏa căng thẳng.
Bên cạnh đó, người bệnh không nên sống một mình hoặc tự cô lập với mọi người trong nhà, họ cần có sự chia sẻ, cảm thông của mọi người.
Người bệnh cần tránh những thức ăn khó tiêu: nhiều mỡ, nhiều chất béo, không nên ăn sau 19h tối.
Ngoài ra cần hạn chế dùng trà, cà phê về đêm, nên ăn nhiều rau quả, trái cây, nước mát và uống đủ 1,5-2 lít nước trong ngày. Thay đổi món ăn thường xuyên, chế biến thức ăn, bài trí thức ăn hấp dẫn tạo mùi thơm thay đổi kích thích vị giác, chia nhiều bữa nhỏ trong ngày.
Nghiên cứu mới cho thấy những người từng mắc COVID-19 có thể chịu đựng tới 203 di chứng.
Xem thêm: mth.10052450122901202-91-divoc-uah-gnuhc-ioh-gnouht-ioc-gnud/nv.ertiout