Các nhân viên bảo vệ làm thành rào chắn trước trụ sở Tập đoàn Evergrande ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) vào ngày 13-9, khi rất đông người kéo tới đòi nợ - Ảnh: Reuters
Cổ phiếu của Evergrande giảm mạnh 7% trong ngày 21-9, sau khi mất 10% vào ngày trước đó. Nhà đầu tư lo sợ khoản nợ 305 tỉ USD của tập đoàn này sẽ gây ra cuộc khủng hoảng lớn cả trong và ngoài Trung Quốc. Để vượt qua "bão" nợ, Evergrande tất yếu cần sự giúp đỡ của chính phủ.
Tôi tin với nỗ lực và sự làm việc chăm chỉ của chúng ta, Evergrande sẽ bước qua thời khắc đen tối nhất, tiếp tục các công trình sớm nhất có thể và đạt được mục tiêu quan trọng là bàn giao các dự án bất động sản như đã cam kết.
Ông Hui Ka Yuan (chủ tịch Tập đoàn Evergrande, viết trong thư trấn an các nhân viên vào ngày 21-9 nhân dịp Tết Trung thu)
Hiệu ứng domino
Trên thực tế, Evergrande lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán từ năm 2020. Họ đã gửi thông báo tới chính quyền tỉnh Quảng Đông về nguy cơ xảy ra khủng hoảng khi đến hạn trả nợ hồi đầu năm nay. Từ đó tới nay, số nợ đáo hạn tăng chạm ngưỡng 300 tỉ USD.
Trung Quốc đã thông báo đến các chủ nợ của Evergrande rằng tập đoàn này không thể trả được nợ đáo hạn ngày 21-9. Họ đang phải trả mỗi ngày khoảng 180 triệu nhân dân tệ (27 triệu USD) tiền lãi, trong khi chỉ còn 23 tỉ USD tiền mặt.
Một số nguồn tin cho biết Evergrande đang thảo luận phương án tái cấu trúc nợ với các ngân hàng, lên kế hoạch bán tài sản và cổ phiếu để giảm bớt 50 tỉ USD tiền nợ vào giữa năm 2023.
Khủng hoảng hôm nay với Evergrande có nguyên nhân từ các món nợ dưới chuẩn. Nợ dưới chuẩn được hiểu là các khoản cho vay các đối tượng có mức tín nhiệm thấp. Nợ dưới chuẩn có độ rủi ro tín dụng rất cao song bù lại có mức lãi suất rất hấp dẫn.
Theo Economic Times, các công ty phát triển bất động sản Trung Quốc thường nhận được các khoản vay lớn ngắn hạn và dễ dàng được tái cấp tài chính thông qua các quan hệ tài chính ngầm. Tuy nhiên dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã siết lại vấn đề nợ xấu của ngân hàng và đặt hạn mức tín dụng cho các công ty bất động sản. Ngoài ra, Evergrande cũng đã vung tay đầu tư vào bóng đá và nhiều lĩnh vực không liên quan. Năm 2017, thu nhập của họ đã giảm đến 75%.
Biến cố với Evergrande khiến giới phân tích rùng mình nhớ lại sự sụp đổ của tập đoàn Mỹ Lehman Brothers vào năm 2008 mà hệ quả kéo theo là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Bà Jenny Zeng, chuyên gia của Công ty quản lý tài sản toàn cầu AllianceBernstein, cảnh báo khủng hoảng Evergrande có thể lan ra nhiều lĩnh vực kinh tế của Trung Quốc, dẫn đến sự sụp đổ của hàng triệu nhà cung cấp mà tập đoàn này đang nợ họ hàng tỉ USD.
Hàng triệu người đã đặt cọc mua nhà của Evergrande có thể sẽ không nhận được nhà. Nghiêm trọng hơn, nó có thể làm tê liệt hệ thống tín dụng của Trung Quốc như đã từng xảy ra ở Mỹ năm 2008.
Dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng này sẽ không gây tác động lớn trên toàn cầu.
"Evergrande đúng là một công ty bất động sản lớn. Có thể sẽ có tác động lan rộng trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc và các ảnh hưởng kinh tế khác... Nhưng "khoảnh khắc Lehman" là cuộc khủng hoảng ở quy mô rất khác" - trang MarketWatch dẫn phân tích từ các chuyên gia của Ngân hàng Barclays (Anh). Và nữa, hậu quả của nó như thế nào sẽ còn phụ thuộc vào cách Trung Quốc xử lý khủng hoảng.
Tiến thoái lưỡng nan
Với Trung Quốc, đây là một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Việc dang tay cứu Evergrande có thể gửi đi thông điệp chính phủ chấp nhận hoặc thậm chí khuyến khích các doanh nghiệp liều lĩnh. Trong khi đó, Trung Quốc đang muốn điều ngược lại: chấm dứt các rủi ro để đảm bảo hệ thống tài chính ổn định lâu dài.
"Mọi người đều kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ có một dạng giải pháp nào đó, do Evergrande là một công ty có tầm quan trọng mang tính hệ thống... Tôi nghĩ, rốt cục sẽ có một hoặc vài doanh nghiệp quốc doanh giàu có tiếp quản Evergrande", kênh CNBC dẫn nhận định của Jimmy Chang - giám đốc đầu tư Quỹ Rockerfeller Global Family Office.
Dù Trung Quốc chưa có động thái nào song tổ chức xếp hạng tín dụng S&P Global Ratings cho rằng Bắc Kinh sẽ không hỗ trợ trực tiếp cho Evergrande. "Chúng tôi tin Bắc Kinh sẽ chỉ buộc phải can thiệp nếu có sự ảnh hưởng quy mô lớn đến nhiều doanh nghiệp bất động sản và gây ra rủi ro hệ thống cho nền kinh tế", tổ chức này nhận định.
Trong khi đó, nhóm chuyên gia của Tập đoàn Citi cho rằng Trung Quốc có thể "câu giờ" bằng cách yêu cầu các ngân hàng giữ nguyên tín dụng và kéo dài hạn chót thanh toán nợ cho Evergrande bởi Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc là một trong số những chủ nợ lớn nhất của công ty này.
Evergrande là tập đoàn phát triển bất động sản lớn thứ hai ở Trung Quốc, nổi lên từ cơn sốt phát triển hạ tầng vào những năm 2000 ở Trung Quốc. Không chỉ là đại gia bất động sản, công ty này còn lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác như xe điện, Internet, truyền thông, công viên giải trí, bóng đá, thực phẩm, giải khát...
Với hơn 2.000 công ty con trong nước và 200 công ty ở nước ngoài, Evergrande nắm số vốn khoảng 2.000 tỉ nhân dân tệ (hơn 309 tỉ USD), tương đương 2% GDP của Trung Quốc, theo ước tính của Tập đoàn Goldman Sachs.
TTO - Ngày 22-9, Tập đoàn Bất động sản Hengda - một đơn vị kinh doanh bất động sản của tập đoàn China Evergrande - chính thức thông báo sẽ thanh toán lãi trái phiếu trong nước đúng thời hạn ngày 23-9.
Xem thêm: mth.77962912122901202-aoh-yag-oc-ednargreve-nas-gnod-tab-gnaoh-gnuhk/nv.ertiout