Ngày 22-9, giá vàng của thế giới giao dịch phổ biến quanh ngưỡng 1.780 USD/ounce, tăng khoảng 20 USD/ounce so với mức giá mở phiên giao dịch ngày trước. Như vậy sau 2 phiên tăng giá liên tiếp, giá vàng thế giới tăng khoảng 40 USD/ounce tương đương tăng 1,1 triệu đồng/lượng.
Qui đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá vàng thế giới hiện tương đương khoảng 49 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 550.000 đồng/lượng so với một ngày trước.
Giá vàng tại thị trường trong nước cũng được điều chỉnh tăng cùng chiều với giá vàng thế giới. Vào đầu giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá mua vào bán ra ở mức 56,5 - 57,15 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng so với giá đóng cửa hôm qua.
Tương tự, các công ty kinh doanh vàng bạc khác như PNJ, DOJI, Phú Quý… có mức tăng từ 50.000 – 100.000 đồng/lượng, giá mua vào phổ biến ở ngưỡng 56,5 – 56,8 triệu đồng/lượng, ở chiều bán ra giao dịch quanh vùng 57,4 – 57,6 triệu đồng/lượng.
Như vậy, sau 3 phiên tăng giá liên tiếp, giá vàng SJC đã tăng tổng cộng từ 350.000- 500.000 đồng/lượng tuỳ doanh nghiệp.
Giá vàng thế giới ghi nhận phiên tăng thứ 2 liên tiếp trong bối cảnh Evergrande – một công ty kinh doanh bất động sản lớn tại Trung Quốc đối mặt với nguy cơ vỡ nợ với khối nợ 300 tỷ đô la.
Đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế IMF cho biết tin tưởng chính phủ Trung Quốc có đủ công cụ và dư địa chính sách để có thể kiểm soát tình hình Evergrande.
Giới đầu tư cũng suy đoán rằng việc Evergrande đang gặp khó khăn về tài chính có thể nhận được gói cứu trợ của chính phủ Trung Quốc.
Tuy nhiên, S&P Global Ratings - một công ty hàng đầu thế giới xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp nhận định chính phủ Trung Quốc chỉ can thiệp nếu sự thất bại của Evergrande dẫn đến sự ảnh hưởng sâu rộng, đe dọa nền kinh tế quốc gia này.
Những người đồng thuận với nhận định này tỏ ra lo ngại cuộc khủng hoảng của Evergrande có thể làm chao đảo thị trường tài chính toàn cầu. Chính vì vậy, họ tiếp tục bán các tài sản rủi ro như cổ phiếu và hàng hóa cơ bản để tìm đến những tài sản an toàn như vàng, đồng đô la và trái phiếu kho bạc Mỹ. Điều này, tạo cơ hội để giá vàng đi lên.
Đà tăng của giá vàng hiện chưa thực sự bùng nổ do giới đầu tư vẫn đang chờ đợi thông tin từ cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Thị trường cho rằng Fed có thể phát tín hiệu sẵn sàng cắt giảm chương trình mua tài sản vì lạm phát ở Mỹ đang tăng cao và thị trường việc làm đã có nhiều cải thiện. Chính vì vậy, bất kỳ tín hiệu nào về việc sớm cắt giảm chương trình mua tài sản cũng có thể dẫn tới sự điều chỉnh của giá vàng.