Giữa tháng 9-2021, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã hoàn tất hồ sơ, chuyển Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM đề nghị truy tố Hiệp cùng đồng bọn tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
"Sở hữu" 5 ngàn tấn vàng ở... Trời tây
Đầu năm 2019, Hiệp cùng Võ Văn Cậm Em (SN 1964, ngụ Củ Chi) thành lập Công ty Cổ phần đầu tư tài chính Rolex (Cty Rolex) đặt trụ sở tại số 2 đường Hồng Hà, P2, Q.Tân Bình. T
háng 5-2019, do có người quen giới thiệu, ông Phan Hữu Nghị (SN 1988) - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thương mại Hữu Nghị Toàn Cầu (Cty Hữu Nghị Toàn Cầu) đến Cty Rolex đặt vấn đề vay vốn để đầu tư nhà máy sản xuất bao bì giấy carton đặt tại cụm công nghiệp Cư Kuin, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Tại buổi gặp, Hiệp "nổ" rằng đang nắm giữ nguồn vốn rất lớn, có khả năng đầu tư vào dự án của Cty Hữu Nghị Toàn Cầu.
Sau đó, Hiệp kể lại chuyện gặp ông Nghị cho bạn là Đỗ Phú Phong (SN 1972, ngụ P8, Q.Gò Vấp) - thành viên Công ty TNHH Tư vấn thương mại và đầu tư Hoàng Phúc (Cty Hoàng Phúc) do ông Vũ Văn Sơn (SN 1970) làm Giám đốc. Phong cho Hiệp biết Cty Hoàng Phúc có bộ hồ sơ gọi "Chứng nhận sở hữu di sản" để tại công ty có nội dung ghi nhận ông Sơn là người sở hữu 5.000 tấn vàng, trị giá 10 tỷ USD tại ngân hàng Citibank of New York.
Hiệp đề nghị Phong cho mượn bộ hồ sơ trên để "nhá” cho phía Cty Hữu Nghị Toàn Cầu. Được Hiệp hứa cho hưởng lợi 1 triệu USD nếu cung cấp các tài liệu trên nên Phong đồng ý.
Do ông Sơn đi vắng, giao công ty cho trông coi nên Phong tự ý lấy bộ hồ sơ "Chứng nhận sở hữu di sản" đưa cho Hiệp. Để tạo lòng tin với ông Nghị, Hiệp đưa ông Nghị xem hồ sơ cùng với hình ảnh chụp lượng lớn vàng, USD và cho biết công ty đang làm các thủ tục trình chính phủ để đưa số vàng, đôla trên về nước đầu tư. Để rút được số tiền trên, Hiệp đề nghị ông Nghị đưa trước 130.000USD để làm chi phí mở cổng thanh toán quốc tế.
Tin tưởng, ông Nghị chuyển trước cho Hiệp 3 tỷ 50 triệu đồng (tương đương 130.000USD). Hiệp cam kết trong 4 ngày sẽ mở cổng thanh toán quốc tế, Ngân hàng Nhà nước sẽ giải ngân nguồn tiền từ nước ngoài về. Ít ngày sau, Hiệp tiếp tục thông báo do có "trục trặc" nên cần thêm 200 triệu để giải quyết lấy tiền ra. Tin lời, ông Nghị tiếp tục chuyển 90 triệu đồng.
Lúc này, Hiệp đang bị một người khác đòi nợ nên bỏ trụ sở công ty tại Hồng Hà và thành lập Công ty TNHH đầu tư tài chính HCT (Cty HCT) đặt tại Khu dân cư Citiland, P7, Gò Vấp. Hiệp mời ông Nghị tới đây và vẽ nên việc cùng hợp tác đầu tư dự án nhà máy sản xuất bao bì giấy carton với vốn đầu tư lên tới 50 triệu USD.
Lập hẳn hợp đồng để cùng ông Nghị ký kết, Hiệp tiếp tục viện lý do thiếu chi phí thực hiện giải ngân và yêu cầu ông Nghị đưa thêm 5.000USD. Sau khi lấy tổng cộng 3,377 tỷ đồng của ông Nghị, Hiệp thỏa thuận với Phong giả chữ ký của ông Vũ Văn Sơn - Giám đốc Cty Hoàng Phúc - làm giấy ủy quyền với nội dung: "Cty Hoàng Phúc do Vũ Văn Sơn đại diện là chủ sở hữu hợp pháp tài khoản tại Ngân hàng Citibank of NewYork trị giá 10 tỷ USD, ủy quyền cho Cty HCT được quyền thay mặt ông Sơn tiếp nhận tham gia và đăng ký đầu tư các dự án, được quyền ký kết các hợp đồng".
Hiệp đưa giấy tờ ủy quyền này cho ông Nghị xem nhưng do nghi ngờ toàn bộ giấy tờ Hiệp đưa ra là giả nên ông Nghị yêu cầu Hiệp trả lại toàn bộ số tiền đã nhận. Sợ ông Nghị tố cáo, Hiệp chuyển khoản trả 50 ttriệu đồng và cam kết trả hết số tiền còn lại trước ngày 16-12-2019. Tuy nhiên, do Hiệp không thực hiện cam kết nên ông Nghị làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an. Cùng thời gian này, Hiệp đã chuyển khoản trả ông Nghị hết số tiền chiếm đoạt.
Chiếm đoạt gần 7,5 tỷ đồng
Cũng với thủ đoạn ngụy tạo thông tin đang sở hữu một khoản tiền lớn, có khả năng đầu tư tài chính, Hiệp cùng Đỗ Phú Phong, Nguyễn Văn Mực, Võ Văn Cậm Em lừa ông Lê Quang Vinh - Tổng giám đốc, ông Trịnh Sơn Hà - Giám đốc bán hàng khu vực Châu Á Công ty Glocal Green USA.,LLC (Cty Glocal Green) lầy gần 7,5 tỷ đồng. Cụ thể, Hiệp sử dụng pháp nhân Công ty Cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu TFF (Cty TFF) có trụ sở tại đường Phạm Văn Bạch (P15, Q.Tân Bình) do Hiệp làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị để ký kết hợp đồng tài chính với Công ty Glocal Green USA.,LLC để chiếm đoạt tiền.
Năm 2019, Cty Glocal Green ký kết hợp đồng mua xăng dầu của Công ty ARK Century PTE.,Ltd (trụ sở tại Malaysia) nhập khẩu về Việt Nam với điều kiện trước khi nhận hàng, Cty Glocal Green phải mở thư tín dụng dự phòng thanh toán (gọi tắt là SBLC) số tiền 30 triệu USD. Do không đủ khả năng tài chính nên qua giới thiệu, hai ông Vinh và Sơn gặp Nguyễn Văn Mực (SN 1967, quê An Giang) nhờ hỗ trợ. Thấy cơ hội được hưởng lợi số tiền lớn, Mực liên hệ với Hiệp. Không có đồng nào trong tay nhưng rắp tâm làm "quả lừa" lớn nên Hiệp hứa cho Mực 5% hoa hồng trên tổng số tiền ký hợp đồng nếu môi giới thành công.
Trong cuộc gặp với ông Hà, Mực giới thiệu là cán bộ Ban Kế hoạch Tài chính Trung ương và là Phó giám đốc Cty TFF (Cty "sân sau" của Ban Kế hoạch Tài chính Trung ương) do Nguyễn Minh Hiệp làm Chủ tịch HĐQT. Mực cho ông Hà biết là Cty TFF có khả năng tài chính rất lớn, có khả năng cho Cty Glocal Green thuê số dư để mở SBLC. Mực đại diện Cty TFF ký kết hợp đồng tư vấn cho thuê số dư với ông Hà nội dung: Nguyễn Văn Mực đồng ý cho Trịnh Sơn Hà thuê số tiền 30 triệu USD để làm đối ứng với mức phí 2,5% và 0.5 % phí tư vấn cho cả 2 bên. Số tiền này dùng để mở SBL tại ngân hàng HSBC Việt Nam".
Sau đó, Mực đưa ông Hà tới Cty TFF gặp Hiệp và Em. Dù Mực và Em không phải là thành viên Cty TFF nhưng Hiệp vẫn đưa ông Hà xem quyết định bổ nhiệm Mực làm Phó Giám đốc và Em là Kế toán trưởng Cty này. Hiệp khẳng định với ông Hà trong vòng 3 ngày sẽ mở tài khoản tại Ngân hàng HSBC và chuyển 30 triệu USD làm bảo lãnh thanh toán hợp đồng mua xăng dầu cho Cty Glocal Green. Do Cty TFF không có chức năng cho thuê tài chính nên Hiệp ký kết văn bản hợp tác thỏa thuận kinh doanh, nội dung: "Cty TFF đồng ý hợp tác với Cty Glocal Green và góp số tiền 30 triệu USD với mức lợi nhuận 1% (300.000USD tương đương 7,017 tỷ đồng), số tiền này dùng để mở SBLC, đảm bảo thực hiện hợp đồng mua dầu trả chậm, yêu cầu ông Hà đặt cọc số tiền 1,5 tỷ đồng, sau khi có SBLC thanh toán 5,517 tỷ đồng còn lại". Tin lời các đối tượng, ông Hà trao đổi với ông Vinh và ứng trước cho các đối tượng 1,5 tỷ đồng.
Để lừa lấy số tiền còn lại, Hiệp thỏa thuận với Phong làm giả 1 bản hối phiếu của Ngân hàng HSBC nội dung "Cty Glocal Green do ông Lê Quang Vinh làm đại diện được cấp vốn số tiền 100 triệu USD" để gửi cho Vinh - Hà. Sau khi nhận tờ hối phiếu giả, hai ông này tiếp tục đưa thêm tiền cho Hiệp nhiều lần với tổng là 7,486 tỷ đồng. Bị các nạn nhân làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an, Hiệp chuyển trả cho 2 ông này 1,5 tỷ đồng.
Căn cứ tài liệu chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã khởi tố vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", khởi tố bị can đối với Nguyễn Minh Hiệp, Võ Văn Cậm Em, Đỗ Phú Phong và Nguyễn Văn Mực tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Hiệp, Em và Mực bị tạm giam, riêng Phong được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cứ trú. Quá trình tạm giam, Mực đã chết do nhiễm Covid-19 nên Cơ quan điều tra đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can và quyết định đình chỉ điều tra bị can.
Xem thêm: lmth.954021_aul-id-ed-yt-gnoc-ueihn-pal/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc