vĐồng tin tức tài chính 365

Doanh nghiệp đau đầu về kế hoạch tự xét nghiệm cho shipper

2021-09-22 16:13

Theo quyết định mới nhất từ UBND TP HCM, từ ngày 24/9 đến 30/9, các doanh nghiệp giao hàng thông qua ứng dụng công nghệ sẽ chịu trách nhiệm tổ chức xét nghiệm nhanh cho đội ngũ tài xế (shipper) theo nguyên tắc mẫu gộp 3 người, 3 ngày một lần và cập nhật kết quả vào kho dữ liệu chung của thành phố.

Để triển khai, Sở Công Thương cùng các cơ quan liên quan đã họp với các doanh nghiệp trong 2 ngày qua bàn chi tiết cách thức triển khai. Kết quả, Sở Công Thương và Sở Y tế gợi ý cho doanh nghiệp chủ động chọn hai phương án.

Thứ nhất là Sở Y tế sẽ cung cấp miễn phí bộ xét nghiệm và doanh nghiệp tự bố trí nhân sự đi tập huấn, tổ chức các điểm xét nghiệm cho tài xế. Thứ hai là doanh nghiệp ký hợp đồng dịch vụ trả phí với các cơ sở y tế để shipper tự đến điểm xét nghiệm.

Ngay trong tối 21/9, Be là nền tảng đầu tiên công bố cụ thể quyết định của mình. Các tài xế của họ sẽ đến các địa điểm được Be ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ xét nghiệm nhanh. Tài xế được xét nghiệm linh hoạt trong ngày. Quy trình xét nghiệm mất một phút mỗi người và có kết quả sau 30 phút.

Toàn bộ qui trình đăng kí, trả kết quả diễn ra trực tuyến, quản lý dữ liệu tập trung bằng nền tảng công nghệ của Be. Trong tin nhắn gửi đến tài xế, ứng dụng cho hay chi phí là 75.000 đồng mỗi lần xét nghiệm, do tài xế tự chi trả. Chi phí có thể thay đổi tùy giai đoạn và sẽ có thông báo trước.

"Chúng tôi đã làm việc với các bệnh viện, cơ sở y tế để hỗ trợ tài xế nên có được chi phí hợp lý, ưu đãi nhất có thể", ông Nguyễn Việt Linh, Phụ trách Truyền thông Be Group, cho biết.

Shipper xếp hàng chờ xét nghiệm ở quận Gò Vấp, ngày 20/9/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Shipper xếp hàng chờ xét nghiệm ở quận Gò Vấp, ngày 20/9/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Hầu hết các nền tảng khác hiện vẫn tiếp tục bàn tính phương án cụ thể. Gojek khả năng chọn phương án nhận bộ xét nghiệm miễn phí đến 30/9. Grab và ShopeeFood cho biết đang làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng để có phương án tổ chức và hoạt động phù hợp. Lãnh đạo Loship và AhaMove cho hay đang họp khẩn để thống nhất cách thức triển khai.

Các doanh nghiệp cho rằng, họ vẫn đau đầu cân nhắc vì cả hai phương án đều có nhược điểm. Phương án thuê ngoài dịch vụ sẽ dẫn đến toàn bộ chi phí tăng cao. Nếu chia chi phí này cho tài xế cũng rất khó xử và mạo hiểm. Tài xế có thể phản đối, dừng chạy nếu thu nhập thu hẹp vì tốn thêm tiền.

Trong khi, nhận bộ xét nghiệm miễn phí để tự tổ chức thì lo ngại vì không có chuyên môn về y tế cũng như nguồn lực cần thiết để thực hiện việc test nhanh diện rộng. Do đó, nguy cơ thực hiện không đúng kỹ thuật test mẫu gộp ở quy mô lớn, dễ dẫn đến lãng phí dụng cụ test, và kết quả không chuẩn.

"Như vậy sẽ có khả năng để sót F0 hoặc xác định nhầm F0, tăng khả năng lây nhiễm chéo, khó kiểm soát mức độ lây lan của dịch bệnh. Đó là chưa kể đến việc mỗi doanh nghiệp không có đủ nguồn lực để tổ chức nhiều điểm xét nghiệm - với Gojek là xét nghiệm cho hàng chục nghìn đối tác tài xế - tài xế sẽ phải di chuyển xa hơn, chờ đợi lâu hơn để được lực lượng không chuyên tiến hành lấy mẫu và đọc kết quả, gây lãng phí thời gian và nguồn lực xã hội", phía Gojek nói.

Thực tế, các doanh nghiệp cho rằng, phương án nhận bộ xét nghiệm miễn phí để tự thực hiện sẽ chỉ lý tưởng với đơn vị có quy mô từ 1000 tài xế trở xuống. Các nền tảng lớn, lượng tài xế đến hàng chục nghìn người, để tổ chức thì hệ thống xét nghiệm phải rộng khắp, rất tốn kém nhân lực, tài lực.

Do đó, nếu doanh nghiệp lớn tự xét nghiệm, để đảm bảo tính tuân thủ, nhiều khả năng họ sẽ phải tự cắt giảm số lượng shipper được tham gia lưu thông. Trong bối cảnh nhu cầu của người dân rất cao còn nguồn cung tài xế rất thấp, gia tăng bất cân đối giữa cung và cầu sẽ dẫn đến giá cả dịch vụ tăng cao theo quy luật của thị trường. Tài xế dừng chạy nhiều hơn cũng ảnh hưởng đến sinh kế của họ.

Hiện vẫn chưa có thông tin gì về kế hoạch xét nghiệm sau ngày 30/9 của cơ quan chức năng, liệu doanh nghiệp có còn được nhận bộ kit miễn phí hay không nếu tự xét nghiệm cũng khiến các hãng lo lắng.

Phía Loship tính toán, giá mỗi lần xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 là 238.000 đồng. Với doanh nghiệp có quy mô vận hành 10.000 shipper như họ, chi phí mà doanh nghiệp phải chịu là rất lớn, vào khoảng 9,5 tỷ một tháng.

Gojek thì mong sau thời gian này, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ các chi phí xét nghiệm nhanh. "Đây sẽ là một gánh nặng chi phí lớn nếu như doanh nghiệp phải tự trang trải, trong khi hầu hết hoạt động của chúng tôi đều gần như ngưng trệ trong thời gian qua để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về phòng dịch, chưa kể rất nhiều chi phí phát sinh do bối cảnh kinh tế-xã hội thay đổi trong đại dịch", công ty chia sẻ.

Để tháo gỡ phần nào vướng mắc nêu trên, các hãng đưa ra một số đề xuất.

Đầu tiên là phương án tổ chức xét nghiệm. Theo số liệu của Sở Công Thương, tổng số lượng shipper được phép hoạt động của 34 doanh nghiệp là 92.000 tài xế, trong khi đó có hơn 400 trạm y tế lưu động hỗ trợ thực hiện xét nghiệm trong khung giờ từ 6 giờ đến 21 giờ. Như vậy, nếu mỗi tài xế test 3 ngày một lần thì yêu cầu về nguồn lực từ các trạm y tế trung bình mỗi ngày mỗi trạm xét nghiệm nhanh cho khoảng 75 người.

Trên thực tế, theo các công ty, số tài xế thực sự hoạt động những ngày qua có thể thấp hơn nhiều, chỉ tầm khoảng 50% ước tính trên. Phía Gojek cho rằng, 400 trạm y tế hoàn toàn đáp ứng được con số này nếu được điều phối tốt.

"Chúng tôi đề xuất tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về năng lực xét nghiệm từ hệ thống các trạm y tế lưu động để đảm bảo chất lượng chuyên môn" Gojek nói.

Để tránh tình trạng ùn ứ như các ngày qua, các hãng gọi xe công nghệ có thể tham gia sâu hơn vào việc điều phối tài xế đến xét nghiệm theo các khung giờ, và địa điểm nhằm giảm tải cho cơ sở y tế và tăng tính hiệu quả.

Thứ hai, các nền tảng cho rằng, các cơ quan chức năng có thể cân nhắc việc giãn tần suất test nhanh, dựa trên cơ sở thực tiễn, các yếu tố dịch tễ và độ phủ của vaccine. Lập luận của họ là tất cả tài xế được phép hoạt động đều đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, một số tài xế đã tiêm đủ 2 mũi.

Vì vậy quy định cần xét nghiệm đại trà tất cả tài xế theo tần suất 3 ngày một lần có thể không còn phù hợp khi cân nhắc trong tương quan với các ưu và nhược điểm của việc cho phép shipper lưu thông trên đường.

"Trong dài hạn, tuỳ theo tình hình kiểm soát dịch bệnh và tỷ lệ số ca nhiễm thực tế trong cộng đồng tại từng thời điểm, chúng ta sẽ cần điều chỉnh mốc thời gian phù hợp nhất cho việc xét nghiệm định kỳ", ông Nguyễn Hoàng Trung, CEO Loship, cho biết.

Theo ông Trung, hiệu lực kết quả xét nghiệm có thể kéo dài một tuần đối với nhóm đã tiêm mũi một và kéo dài một tháng đối với nhóm đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Giải pháp này sẽ giúp tránh ùn tắc và giảm tải số lượng shipper tập trung tại các điểm xét nghiệm và shipper được tạo điều kiện thuận lợi hơn để thực hiện công tác giao hàng nhưng vẫn đảm bảo rà soát được nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Gojek cũng ủng hộ ý tưởng kéo dài hiệu lực của kết quả test nhanh. Nền tảng này cho biết họ đánh giá cao chính quyền TP HCM đã lắng nghe và liên tục đưa ra những điều chỉnh về mặt chính sách nhằm tạo điều kiện cho lực lượng shipper hoạt động trong thời gian qua. Nhưng để các điều chỉnh khả thi hơn, họ hy vọng các doanh nghiệp có thể được đồng hành cùng thành phố trong việc tham mưu, góp ý và đưa ra các giải pháp để vừa đảm bảo chuỗi cung ứng được liền mạch, không bị đứt gãy, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Viễn Thông - Tất Đạt

Xem thêm: lmth.0620634-reppihs-ohc-meihgn-tex-ut-hcaoh-ek-ev-uad-uad-peihgn-hnaod/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Doanh nghiệp đau đầu về kế hoạch tự xét nghiệm cho shipper”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools