Trước việc một số cá nhân yêu cầu làm minh bạch chuyện quyên góp tiền từ thiện, gửi đơn tố cáo, Bộ Công an đã vào cuộc xác minh.
Về vấn đề đơn tố cáo liên quan đến quyên góp tiền từ thiện, chiều 22.9, một lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, đơn vị đang rà soát đơn từ ở một số địa phương, trong đó có TPHCM.
Lãnh đạo này cũng cho hay, việc có đơn tố cáo là một chuyện nhưng cơ quan điều tra sẽ xem xét có dấu hiệu lừa đảo hay không.
Lãnh đạo này cũng chưa xác nhận đơn vị đã nhận được đơn tố cáo nào liên quan đến quyên góp tiền từ thiện.
Trong thời gian vừa qua, mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin liên quan đến việc làm từ thiện, kêu gọi từ thiện từ một số cá nhân, việc kêu gọi từ thiện này xuất phát trong những thời điểm cấp thiết: thiên tai, dịch bệnh.
Nhiều nghệ sĩ tên tuổi đã đứng ra kêu gọi từ thiện. Có cả một số cá nhân cũng kêu gọi từ thiện, giúp đỡ người dân trong lúc khó khăn.
Tuy nhiên, sau đó, việc phân phát tiền từ thiện đã phát sinh bất cập. Một số người đã có đơn tố cáo các cá nhân kêu gọi từ thiện.
Cụ thể, có người khi nhận được tiền từ thiện đã trao tới tay người dân gặp khó khăn. Song, có trường hợp thì giữ lại tiền trong tài khoản.
Dư luận đặt rất nhiều câu hỏi về việc cần phải minh bạch số tiền quyên góp, minh bạch quá trình sử dụng tiền...
Liên quan đến lùm xùm kêu gọi quyên góp tiền từ thiện, tối 6.9, bên lề họp báo Chính phủ thường kỳ, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an chia sẻ với báo chí về việc đảm bảo minh bạch trong hoạt động từ thiện.
Theo ông Xô, việc cá nhân, tổ chức đứng ra kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ đồng bào vượt qua khó khăn dịch bệnh, thiên tai... là nghĩa cử cao đẹp, nhân văn. Nhà nước rất khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức đóng góp vận động, kịp thời mang lại hiệu quả thiết thực cho những người đang cần hỗ trợ.
Tuy nhiên, việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn, thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng hay bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được pháp luật quy định cụ thể tại Nghị định 64/2008 của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh, theo quy định này, nghiêm cấm gian lận, báo cáo sai sự thật để chiếm đoạt tiền, hàng do các cá nhân, tổ chức quyên góp.
Do vậy, nếu có dấu hiệu của việc chiếm đoạt tài sản là tiền, hàng từ hoạt động quyên góp ủng hộ thì cơ quan chức năng sẽ xem xét, xử lý với tội danh là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
“Nếu cơ quan chức năng, trong đó có cơ quan công an nhận được các chứng cứ, tài liệu như tôi nói ở trên thì chắc chắn là cơ quan chức năng sẽ vào cuộc” - ông Xô nói.
Theo Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Công an, việc minh bạch số tiền quyên góp được không khó, ví dụ nhận bao nhiêu, chi bao nhiêu, là con số số học, nên hoàn toàn có thể làm được. Nên rất mong những người đứng ra kêu gọi thì cố gắng minh bạch.
Xem thêm: odl.703659-neiht-ut-pog-neyuq-oac-ot-ned-nauq-neil-ut-nod-taos-ar-na-gnoc-ob/taul-pahp/nv.gnodoal