Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM cho biết trong quá trình bàn bạc chuẩn bị cho những kế hoạch sau 30.9, Ban chỉ đạo sẽ tính toán giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chi phí xét nghiệm cho nhân viên.
Tự xét nghiệm là một xu hướng
Tại họp báo chiều 22.9, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết về tình hình xét nghiệm cho shipper. Theo đó, hôm nay, Sở Công Thương đã nhận 63.000 kit test từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) và sẽ chuyển giao cho doanh nghiệp vào sáng 23.9 và 26.9 để các đơn vị tự tổ chức xét nghiệm.
Theo ông Phương, vừa qua khi số lượng shipper tăng lên dẫn đến một số địa điểm quá tải. Trước tình hình đó, các sở ngành đã tham mưu cho lãnh đạo thành phố và các đơn vị cũng chủ động liên hệ với các bệnh viện để tổ chức xét nghiệm. Ông Phương cho biết, từ ngày mai, khi các đơn vị sẽ triển khai chính thức việc tự xét nghiệm trên tinh thần nhà nước vẫn sẽ hỗ trợ.
Ông Phương đánh giá, việc để cho doanh nghiệp tự tổ chức xét nghiệm là một xu hướng bắt buộc phải thực hiện tới đây khi chúng ta mở cửa nền kinh tế. Việc doanh nghiệp tự test nhanh giúp cho việc xét nghiệm được triển khai nhanh chóng, an toàn, phát huy tính chủ động của doanh nghiệp và thực tế của doanh nghiệp bởi nếu cứ phụ thuộc vào đơn vị y tế thì rất khó khăn và không đảm bảo an toàn theo yêu cầu.
Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết trong quá trình triển khai nếu có phát sinh sẽ báo cáo cơ quan quản lý nhà nước để có sự điều chỉnh.
Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, trong 2 ngày 22, 23.9, các doanh nghiệp và shipper tiến hành tập huấn công tác xét nghiệm và cập nhật thông tin xét nghiệm trên các ứng dụng của doanh nghiệp hoặc sử dụng ứng dụng do Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn. Về bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên sẽ do Sở Y tế cung cấp trên cơ sở số lượng đăng ký của shipper với Sở Công Thương theo nguyên tắc mẫu gộp ba người, 3 ngày/1lần. Các doanh nghiệp quản lý shipper nhận bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại Sở Công Thương. Trong thời gian này, các shipper có thể sử dụng kết quả xét nghiệm còn giá trị.
Kể từ ngày 24 - 30.9, các doanh nghiệp quản lý shipper chịu trách nhiệm tổ chức xét nghiệm và cập nhật kết quả vào Kho dữ liệu dùng chung của thành phố theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông để phục vụ công tác phòng chống dịch. UBND thành phố giao Sở Công Thương hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp ký cam kết và chịu trách nhiệm về công tác tổ chức và kết quả xét nghiệm. Trường hợp các shipper không đáp ứng đủ các điều kiện như trên sẽ không được tham gia hoạt động.
Tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp
Hiện nay chi phí xét nghiệm cho nhân viên của các doanh nghiệp cũng là một gánh nặng khi hoạt động trở lại, vậy thành phố có hỗ trợ chi phí xét nghiệm hay không.
Trả lời về vấn đề này, ông Phạm Đức Hải – Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cho biết: Trước khi xảy ra dịch, TPHCM có hơn 300.000 doanh nghiệp, sau khi có dịch có lẽ có nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa. Ông Hải cho rằng, trước khi có dịch, chúng ta thấy rằng vai trò của các doanh nghiệp rất lớn trong việc tạo công ăn việc làm cho người dân, của cải vật chất cũng như đóng góp cho sự phát triển của TPHCM. Thành phố đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp như Trung tâm xúc tiến đầu tư, tổ chức nhiều hoạt động liên kết với các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên, liên kết doanh nghiệp với ngân hàng, vấn đề thuế,…
Đại diện Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của TPHCM cho biết hiện trong quá trình bàn bạc chuẩn bị cho những kế hoạch sau 30.9, Ban chỉ đạo xem đây như một giải pháp cần phải tính toán. Sau khi có phương án sẽ thông tin về việc này.