Tờ The Hill đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 22-9 chuẩn bị thống báo rằng Mỹ sẽ mua thêm 500 triệu liều vaccine COVID-19 của hãng dược Pfizer để chia sẻ với thế giới.
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh chính quyền ông Biden đang tìm cách thúc đẩy nỗ lực tiêm chủng toàn cầu.
Mỹ sẽ mua thêm 500 triệu liều vaccine Pfizer để chia sẻ với thế giới. Ảnh: REUTERS
Theo tờ báo, thông báo trên được đưa ra như một phần của hội nghị thượng đỉnh COVID-19 toàn cầu trực tuyến mà Nhà Trắng sẽ tổ chức vào ngày 22-9, bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Thỏa thuận mua mới này sẽ nâng tổng số vaccine mà Mỹ cam kết sẽ chia sẻ với thế giới lên đến hơn 1,1 tỉ liều, một quan chức chính quyền cấp cao cho hay.
Theo quan chức này, số 500 triệu liều vaccine Mỹ sẽ mua thêm này sẽ xuất xưởng trong khoảng thời gian từ tháng 1-2022 đến tháng 9-2022.
Đến nay, chính quyền Mỹ đã phân phối khoảng 150 triệu liều vaccine.
Theo The Hill, Nhà Trắng cũng sẽ kêu gọi thế giới đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số toàn cầu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc tiếp theo vào tháng 9-2022, một mục tiêu mà một quan chức gọi là “đầy tham vọng”.
Tuy nhiên, ngay cả trong bối cảnh Mỹ thông báo sẽ mua thêm vaccine để chia sẻ với thế giới, tiến trình tiêm chủng toàn cầu vẫn còn một chặng đường dài.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính cần 11 tỉ liều vaccine ngừa COVID-19 để tiêm chủng cho 70% dân số thế giới.
Các quan chức cho biết Mỹ cũng sẽ kêu gọi các nước khác đẩy mạnh các cam kết của họ tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào ngày 22-9.
Theo The Hill, các động thái trên được đưa ra trong bối cảnh chính quyền ông Biden đang chịu áp lực về việc phải làm nhiều hơn nữa để giúp người dân ở các quốc gia khác được tiêm chủng.
Ngoài viện trợ vaccine, các chuyên gia và tổ chức vận động đã kêu gọi Mỹ giúp thúc đẩy sản xuất vaccine trên toàn cầu, cũng như tạo điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất cho các nước có thu nhập thấp hơn.
Ông Biden sẽ tổ chức một phiên họp của hội nghị thượng đỉnh COVID-19 toàn cầu trực tuyến vào ngày 22-9, cùng Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) – bà Samantha Power.
Ngoài vấn đề vaccine, các phiên họp khác tại hội nghị sẽ tập trung vào vấn đề nguồn cung oxy và thiết bị bảo hộ, cũng như cách thế giới chuẩn bị để đối phó đại dịch tiếp theo.
Trước đó, trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ hôm 21-9, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã chỉ ra sự bất bình đẳng trong tiêm chủng toàn cầu và gọi đó là một “sự tục tĩu”.
“Phần lớn những người giàu có trên thế giới đã tiêm phòng. Hơn 90% người dân châu Phi vẫn đang chờ mũi tiêm vaccine đầu tiên của họ” – ông Guterres nói.
"Đây là một bản cáo trạng đạo đức về tình trạng của thế giới chúng ta" – ông Guterres nhấn mạnh.
“Chúng ta cần một kế hoạch tiêm chủng toàn cầu khẩn cấp để ít nhất tăng gấp đôi lượng vaccine và đảm bảo 70% dân số thế giới được tiêm chủng trong nửa đầu năm 2022” – ông Guterres nói thêm.