vĐồng tin tức tài chính 365

Cơ hội cho thí sinh rớt đại học đợt 1

2021-09-23 07:02

Theo công bố của các trường đại học (ĐH) trong đợt 1 vừa qua, điểm chuẩn năm 2021 đều ở mức cao tại hầu hết các trường, các ngành, nhất là những ngành hot. Thế nhưng, nhiều trường ĐH vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu và tiếp tục xét tuyển bổ sung. Đây là cơ hội cho các thí sinh (TS) chưa trúng tuyển nguyện vọng nào nhưng cũng cần cân nhắc để lựa chọn ngành học phù hợp.

Tuyển bổ sung ở nhiều ngành kén thí sinh

Tại TP.HCM, một trong những trường ĐH dành nhiều chỉ tiêu nhất cho đợt xét tuyển bổ sung là Trường ĐH Tài nguyên - Môi trường TP.HCM.

Cơ hội cho thí sinh rớt đại học đợt 1 - ảnh 1
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh vào Trường ĐH KHXH&NV
(ĐH Quốc gia TP.HCM) năm 2020. Ảnh: TUYẾT MAI

Theo kế hoạch, trường sẽ xét tuyển bổ sung cho 13 ngành học theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Thời gian nhận hồ sơ đến hết ngày 30-9.

Trong đó, chỉ tiêu nhiều nhất là ngành công nghệ kỹ thuật môi trường với 100 chỉ tiêu, còn lại mỗi ngành 30-50 chỉ tiêu. Mức điểm nhận hồ sơ chỉ 14-15 điểm theo tổ hợp ba môn thi.

Đồng thời, trường cũng tuyển bổ sung đợt 6 cho phương thức xét điểm học bạ THPT cho 13 ngành học này, mỗi ngành 20-50 chỉ tiêu. Điểm sàn xét tuyển tổ hợp ba môn theo tổng điểm của năm học kỳ (trừ học kỳ 2 lớp 12) đạt từ 20,5 điểm.

Được biết trường có 17 ngành học với tổng chỉ tiêu là 1.800 TS nhưng thuộc nhóm ngành khó tuyển sinh. Ở đợt 1, điểm chuẩn đa phần chỉ 15 điểm nhưng số tuyển được chưa đạt 50% chỉ tiêu. Trường chỉ có ba ngành tuyển đủ với 22-24 điểm là quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin và quản lý đất đai.

Tương tự, một số đơn vị lớn tại TP.HCM cũng xét tuyển bổ sung, tuy nhiên chủ yếu cho những ngành học còn thiếu chỉ tiêu ở phân hiệu tại các tỉnh.

Như Phân hiệu ĐH Quốc gia TP.HCM tại Bến Tre tuyển bổ sung 50 chỉ tiêu cho ngành kỹ thuật xây dựng theo cả ba phương thức là xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét điểm thi đánh giá năng lực và học bạ THPT kết hợp với các điều kiện khác.

Hay như Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng tuyển bổ sung 60 chỉ tiêu cho ba ngành (luật kinh tế, kinh doanh nông nghiệp, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành) cho phân hiệu tại tỉnh Vĩnh Long.

Phương thức xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn và kết quả điểm thi THPT năm 2021.

Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng quyết định tuyển bổ sung 700 chỉ tiêu theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, 330 chỉ tiêu của tám ngành cho phân hiệu tại tỉnh Gia Lai và 370 chỉ tiêu của 11 ngành cho phân hiệu tại tỉnh Ninh Thuận.

Điểm nhận hồ sơ là 15-17 điểm tùy ngành. Thời gian nhận hồ sơ đến hết ngày 3-10.

Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung đến ngày 30-9 cho 16 ngành đào tạo nhưng theo phương thức xét kết quả học bạ lớp 12. TS xét tuyển phải tốt nghiệp THPT và có mức điểm học bạ cả năm lớp 12 bằng hoặc cao hơn mức điểm sàn do trường công bố.

Tại khu vực phía Bắc, một số đơn vị cũng đã sớm thông báo xét tuyển bổ sung hệ ĐH chính quy.

Như Học viện Quản lý giáo dục xét tuyển bổ sung ở chín ngành với 375 chỉ tiêu. Học viện Hàng không Việt Nam cũng tuyển bổ sung 50 chỉ tiêu cho ngành công nghệ kỹ thuật điều khiển theo kết quả học bạ và kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Rộng cửa vào trường nghề

Bên cạnh chờ cơ hội vào ĐH theo các đợt tuyển sinh bổ sung, nhiều TS cũng đã cân nhắc đến lựa chọn vào các trường nghề để tiếp tục theo học. Chưa kể chỉ tiêu vào ĐH năm nay chỉ hơn 544.000 TS trong khi có cả triệu TS tốt nghiệp THPT.

Như vậy, có ít nhất hơn 300.000 em sẽ lựa chọn vào học tại các trường nghề theo hệ cao đẳng (CĐ) hoặc trung cấp. Đây cũng là hướng đi đang có nhu cầu nhân lực lớn trong cả nước hiện nay.

Cụ thể, theo thống kê từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), năm 2021, cả nước có gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó có 400 trường CĐ (308 trường công lập), 463 trường trung cấp (230 trường công lập). Riêng tại TP.HCM cũng có 57 trường CĐ, 64 trường trung cấp.

Năm 2021, dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh cho giáo dục nghề nghiệp là khoảng 2,5 triệu người. Trong đó CĐ là 260.000 người, trung cấp là 340.000 người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là 1,9 triệu người.

Thế nhưng tính đến giữa tháng 8 vừa qua, hệ thống này chỉ mới tuyển được 75.000 người học, đạt khoảng 13% kế hoạch năm 2021 và bằng khoảng 83% so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng tại TP.HCM, hầu hết các trường nghề đến nay vẫn chưa tuyển được quá 50% chỉ tiêu, thậm chí chỉ đạt 10%-20%. Do đó, hầu hết các trường sẽ tiếp tục kéo dài thời gian tuyển sinh đến tháng 10.•

 

Hủy kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2

Cuối tuần qua, ĐH Quốc gia TP.HCM vừa có công văn chính thức gửi đến Bộ GD&ĐT về việc hủy kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 do ĐH này tổ chức.

Theo đó, ĐH Quốc gia TP.HCM đã chuẩn bị công tác tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 năm 2021 dành cho TS đã đăng ký và tạo điều kiện cho TS thuộc nhóm đối tượng không tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT do dịch bệnh COVID-19 đăng ký bổ sung. Các công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn tất, sẵn sàng cho việc tổ chức thi khi dịch bệnh được kiểm soát.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước. Thời điểm dịch bệnh được kiểm soát vẫn chưa rõ ràng. Việc huy động số lượng lớn nhân sự tổ chức thi và tham dự thi tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch tại các địa phương.

Do đó, hội đồng thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM đã quyết định không tổ chức kỳ thi này. Với gần 30.000 TS đã đăng ký thi từ trước, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ hoàn trả lệ phí dự thi cho từng TS. Đồng thời, ĐH Quốc gia TP.HCM dành một phần chỉ tiêu để xét tuyển các TS thuộc đối tượng đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2021.

Xem thêm: lmth.7517101-1-tod-coh-iad-tor-hnis-iht-ohc-ioh-oc/cud-oaig/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cơ hội cho thí sinh rớt đại học đợt 1”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools