Thời điểm đàm phán kí kết Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Mỹ (BTA), GDP của Việt Nam chỉ ở quy mô 20 tỉ USD trong khi Mỹ là 20 nghìn tỉ USD. Chênh lệch giữa hai nước là quá lớn, không ai có thể ngờ quan hệ Việt-Mỹ lại phát triển ngoạn mục về thương mại như ngày nay.
Sau BTA - Việt Nam tự tin hội nhập quốc tế
Ngày 13.7.2000, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Vũ Khoan và Đại diện Thương mại Mỹ Barshefsky ký Hiệp định Thương mại Song phương Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA).
Nếu không đạt được BTA, Việt Nam sẽ khó có cửa gia nhập WTO, một tổ chức mà luật chơi do Mỹ định hình và dẫn dắt.
Khi đó, Mỹ gửi bản dự thảo Hiệp định Thương mại song phương. “Luật chơi” được Hoa Kỳ vạch rất rõ: Các điều khoản sẽ được đàm phán trên cơ sở các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Do đó, việc đàm phán thành công bản hiệp định này có một ý nghĩa quan trọng với Việt Nam, như một cuộc tập dượt thử sức trước khi bước vào sân chơi lớn toàn cầu là WTO.
“Hiệp định BTA chính là nền tảng tốt giúp Việt Nam tự tin hơn trong công cuộc hội nhập quốc tế. Việt Nam chỉnh sửa, thay đổi hàng chục Luật, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ. Sau BTA, Việt Nam tự tin đẩy mạnh hội nhập sâu rộng, gắn cam kết quốc tế với cải cách trong nước, đặc biệt là cải cách thể chế kinh tế” - TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng CIEM, nhận định.
BTA thúc đẩy một quá trình để Việt Nam từng bước xây dựng một hệ thống pháp luật công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử để hội nhập vào kinh tế thế giới.
Và kết quả vượt mong đợi
“Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ từ 1 tỉ USD vào năm 2000 đã tăng lên 10 tỉ USD vào năm 2007, chủ yếu nhờ tác động của việc ký kết BTA. Sau năm 2007, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tiếp tục tăng cao một phần do sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để tận dụng lợi thế nhân công rẻ do chi phí nhân công Trung Quốc tăng lên, và những doanh nghiệp FDI ở Việt Nam chủ yếu hướng ra xuất khẩu” - GS. David Dapice, chuyên gia hàng đầu về kinh tế Đông Nam Á tại Trường Quản lý Nhà nước John F Kennedy, Đại học Harvard, cho biết.
Năm 2020, dù xuất khẩu sang nhiều thị trường chịu ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19 nhưng thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ vẫn đạt 90,8 tỉ USD, tăng 19,8% so với năm 2019; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 77,1 tỉ USD, tăng 25,7% so với năm 2019; kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ khoảng 13,7 tỉ USD, giảm 5%, xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ ghi nhận 63,4 tỉ USD.
Đáng lưu ý, thương mại song phương tiếp tục được duy trì trong 7 tháng năm 2021 khi Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,7 tỉ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều nhập khẩu, Việt Nam nhập từ Hoa Kỳ 8,97 tỉ USD, tăng 10,6%.
Nhận định về quan hệ Việt-Mỹ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay: Về bản chất, Việt Nam và Mỹ là hai nền kinh tế mang tính bổ sung cho nhau. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư cùng có lợi với Hoa Kỳ, cùng hợp tác với doanh nghiệp Hoa Kỳ để thiết lập chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị chất lượng.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, giá trị nhập khẩu hàng từ Hoa Kỳ trong thời gian tới chắc chắn sẽ tăng lên thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, từ đó thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đến Việt Nam lập nhà máy và gia tăng lượng hàng từ các nhà cung ứng Hoa Kỳ.
Xem thêm: odl.674659-pahn-ioh-nit-ut-man-teiv-atb-hnid-peih-ut-nos-com-ym-teiv-eh-nauq/et-hnik/nv.gnodoal