Hôm 23/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc nói chuyện với người đồng cấp Pháp Macron nhằm tìm cách xoa dịu căng thẳng sau khi Paris bất ngờ bị đẩy ra khỏi hợp đồng đóng tàu ngầm trị giá 40 tỷ USD với Australia. Việc này đã khiến Pháp, đồng minh lâu đời nhất của Mỹ, triệu hồi đại sứ của họ tại Washington.
"Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng tình hình sẽ có lợi hơn thông qua những cuộc tham vấn cởi mở giữa các đồng minh, bao gồm cả lợi ích chiến lược của Pháp và các đối tác của chúng tôi ở châu Âu", tuyên bố chung của Nhà Trắng và điện Elysee cho biết.
Theo kế hoạch, Tổng thống Macron sẽ gặp người đồng cấp Mỹ vào cuối tháng 10 nhằm tìm được tiếng nói chung.
Sau động thái này, Tổng thống Macron đã đồng ý cử Đại sứ Philippe Etienne trở lại Washington vào tuần tới. Khi Australia công bố thỏa thuận mua tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, Pháp đã triệu hồi Đại sứ Etienne để bày tỏ sự phản đối. Đây là lần đầu tiên Paris làm như vậy.
Thực tế, thỏa thuận này đã đặt dấu chấm hết cho hợp đồng đóng tàu ngầm giữa Pháp và Australia, vốn được thảo luận từ nhiều năm qua. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian gọi thỏa thuận này là một "cú đâm sau lưng".
Thỏa thuận mua tàu ngầm hạt nhân Mỹ được Australia công bố khi họp báo ra mắt liên minh Mỹ - Anh - Australia (AUKUS). Những chiếc tàu ngầm hạt nhân cho phép Australia thực hiện các nhiệm vụ quy mô lớn hơn trên vùng biển Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong bối cảnh phương Tây ngày càng lo ngại sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Xem thêm: nhc.87531811132901202-aoh-mal-naig-teh-ym-av-pahp-notgnihsaw-ial-ort-us-iad-uc/nv.fefac