Chuyên gia xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, lùm xùm vừa qua liên quan đến chuyện các nghệ sĩ làm từ thiện đã phô bày tất cả những vấn đề bức bối mà xã hội cần giải quyết để đưa công việc này sang trang mới.
Chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình
TRANH CÃI CHUYỆN SAO KÊ ĐỂ LÀM GÌ?
- Là người từng đưa ra lời khuyên, không cần đôi co trên mạng xã hội, Thủy Tiên nên bày bằng chứng ra. Bây giờ cô ấy đã công khai hết 18.000 trang sao kê rồi đấy. Ông thấy sao?
Ông Trịnh Hòa Bình: Tôi nói như thế vì chuyện cãi cọ giữa nghệ sĩ và cư dân mạng thật sự rất không hay. Để minh bạch thì nghệ sĩ không còn lựa chọn nào khác hơn là phải trình bày các bằng chứng. Sao kê là một cách. Nhưng nếu nói về luật thì “cuộc chơi” này tất cả mọi người đều sai rồi, kể cả những người lên mạng đòi sao kê.
Nghệ sĩ khi đi làm từ thiện không để ý chuyện đó. Họ cũng không lường trước kết cục có thể bị người đời đấu tố để phòng bị, để dự trữ sẵn những câu trả lời cho dư luận. Ngay cả việc minh bạch, công khai tài chính một cách toàn thiện toàn mỹ cũng là điều họ không đặt ra từ đầu.
Bây giờ, sau khi nhiều nghệ sĩ đã công khai sao kê - một việc rất đáng hoan nghênh - thì các luật sư, chuyên gia kiểm toán, truyền thông... mới vào cuộc để phân tích. Thú thật, tôi thấy những chuyện đó không thỏa đáng lắm. Nếu tất cả đã sai ngay từ đầu rồi thì liệu chúng ta có nên tiếp tục mổ xẻ vấn đề này, hay cần quan tâm điều gì khác?
- Vậy điều gì mới cần được quan tâm trong câu chuyện này, thưa ông?
Ông Trịnh Hòa Bình: Những lùm xùm như vừa qua đã cho thấy những bất cập trong đó có cả lỗ hổng luật pháp, cách hành xử của cộng đồng và cả những sự chủ quan, cảm hứng… của nhiều nghệ sĩ.
Trên phương diện luật pháp, tôi hy vọng sẽ sớm có sự nghiên cứu và ban hành chính sách công nhận quyền kêu gọi ủng hộ của cá nhân. Đồng thời có cách quản lý, bảo vệ quyền chính đáng đó!
Về phía các nghệ sĩ, nếu người đời có lên án, phê bình đi chăng nữa thì nên chăng cần bàn luận về sự cảm tính, chủ quan… của họ. Ngay như với những hình ảnh đẹp như Thủy Tiên lội nước lũ đi cứu trợ vẫn có thắc mắc vì sao chỗ này cho 5 triệu, chỗ kia cho 7 triệu… Phải chăng đấy là sự tùy tiện?
Bởi vì trong bối cảnh như thế: khung cảnh rối ren, hạn chế về điều kiện thời tiết, phương tiện di chuyển… Có rất nhiều vấn đề thuộc phương diện kỹ thuật của từ thiện mà nếu chỉ có cái tâm thôi thì không đủ.
Còn các mạnh thường quân có lẽ cũng nên đặt ra câu hỏi trước khi thực hiện lệnh chuyển tiền như sau: Liệu mình có nên góp tiền cho một cá nhân nào đó chỉ dựa trên niềm tin?
- Nhiều nghệ sĩ vừa đưa ra thông điệp: mùa lũ năm nay, miền Trung sẽ không còn được nghệ sĩ cứu trợ nữa... Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Trịnh Hòa Bình: (Cười) Đó chỉ là cách nói giận dỗi thôi.
Nhưng tôi nghĩ sau những chuyện như thế này, nhiều người sẽ rút kinh nghiệm, không tự đứng tên mình kêu gọi hoặc làm từ thiện quy mô như Thủy Tiên nữa… Họ sẽ phải nghĩ đến khung hành lang pháp lý, sẽ phải làm bài bản, chuyên nghiệp, minh bạch hơn.
Những lùm xùm, bê bối như hiện nay xét trên một khía cạnh tích cực, chính là một cú hích để những ai đang làm từ thiện vì tùy hứng, làm vì thích thú, làm để cho thiên hạ biết mình là ai, hoặc không có đủ năng lực tổ chức… sẽ phải tự rút lui.
- “Đánh bóng tên tuổi” - vì sao ông lại nghĩ như vậy?
PGS. TS Trịnh Hòa Bình: Tôi nghĩ bản chất họ có tâm, nhưng vẫn có phần vì cá nhân mình. Chuyện đó giống như hai mặt của một đồng tiền. Không thể tách rời. Thậm chí nếu mục đích ban đầu của họ có hoàn toàn vì đánh bóng tên tuổi đi chăng nữa thì chuyện từ thiện mà họ đã làm vẫn rất tốt!
CHO DÙ THỦY TIÊN CÓ KÊU GỌI ĐƯỢC 200 TỶ ĐỒNG MÀ CHUYỂN ĐẾN TAY NGƯỜI DÂN ĐƯỢC NGẦN ẤY ĐÃ LÀ RẤT NỖ LỰC
- Nhưng điều mà lúc này dư luận đang quan tâm lại là sự minh bạch.
PGS. TS Trịnh Hòa Bình: Thực tế là dù trong sạch cũng thật khó chứng minh.
Minh bạch nói thì dễ nhưng vốn đã là chuyện khó rồi. Ngay cả các dự án có chứng từ mười mươi người ta còn đàm tiếu.
Cho nên nếu nói một cách công bằng dù Thủy Tiên có kêu gọi được 200 tỷ và chuyển đến tay người dân được từng ấy đã là nỗ lực rất lớn rồi.
Thu Hường
DOANH NGHIỆP VÀ TIẾP THỊ