Theo thông tấn nhà nước Philippines PNA, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 22-9 đã nhấn mạnh tầm quan trọng chiến thắng lịch sử của Philippines liên quan phán quyết của Toà trọng tài về Biển Đông năm 2016 trước các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong đoạn băng ghi hình bài phát biểu trong phiên họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 22-9, ông Duterte cho biết phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về tranh chấp Biển Đông, cũng như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), đưa ra một "con đường rõ ràng hướng tới một giải pháp công bằng và cùng có lợi cho tất cả các bên".
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: VĂN PHÒNG TRUYỀN THÔNG TỔNG THỐNG PHILIPPINES
“Phán quyết phải được nhìn nhận vì chính bản chất của nó, vốn đem lại lợi ích toàn diện cho tất cả các bên tuân theo sự uy nghiêm của pháp luật”- ông Duterte nói trong bài phát biểu quan trọng của mình.
Đưa ra tuyên bố trên, ông Duterte nhấn mạnh cam kết của Philippines trong việc giữ cho Biển Đông là “một vùng biển hòa bình, an ninh và thịnh vượng”.
Tổng thống Philippines nhấn mạnh không quốc gia nào có thể phá hoại phán quyết về biển có lợi cho Philippines.
“Không một quốc gia nào, dù lớn và mạnh mẽ, có thể phá hoại hoặc làm giảm tầm quan trọng của phán quyết” - vị tổng thống nói thêm.
Theo PNA, Philippines cũng tìm cách giải quyết các tranh chấp trên biển thông qua các cuộc đàm phán hòa bình và ngoại giao, vì Manila có ý định giữ mối quan hệ gắn bó với Bắc Kinh.
Trong bài phát biểu mới nhất của mình hôm 22-9, ông Duterte đã nhắc lại lập trường của Philippines là tránh các hành động khiêu khích có thể gây ra sự thù địch giữa các bên tranh chấp.
Ông nhấn mạnh: “Chúng ta phải giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, như chúng ta đã thể hiện trong Tuyên bố Manila về Giải quyết Hòa bình các Tranh chấp Quốc tế năm 1982”.
Tuyên bố Manila về Giải quyết Hòa bình các Tranh chấp Quốc tế được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua năm 1982, trong đó quy định nghĩa vụ của tất cả các quốc gia phải giải quyết các tranh chấp quốc tế của họ bằng các biện pháp hòa bình.
Các cuộc đàm phán giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc vẫn đang được tiến hành để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) cuối cùng và ràng buộc ở Biển Đông, nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định ở các vùng biển có tranh chấp.
ASEAN và Trung Quốc vẫn cam kết thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002. DOC nhấn mạnh việc tự kiềm chế và thúc đẩy phi quân sự hóa tại Biển Đông.
Yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò” đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.
Trong tuyên bố, Tòa cho biết "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có quyền lịch sử" tại Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ theo phán quyết.