Những kênh podcast nổi trội trong Spotify Top Podcast Việt
Trái với nồi lẩu nội dung giải trí thập cẩm trên mạng xã hội, podcast ghi điểm với nhiều cuộc đối thoại chuyên sâu, các chủ đề có góc nhìn từ giới chuyên môn, hay cả những tin tức cần biết trong mùa dịch.
Chủ đề có thể xuất hiện trên podcast rất đa dạng, từ tin tức, âm nhạc, phim ảnh, sách, công nghệ, thể thao cho đến cả những tâm sự, quan điểm cá nhân về một nội dung bất kỳ... đều có thể được đào sâu và thảo luận trong thế giới của podcast.
Người muốn chia sẻ, người cần lắng nghe
Tại Việt Nam, những cái tên xếp đầu trong Top Podcast trên Spotify là các kênh mang đến kiến thức, thông tin bổ ích, thú vị như The present writer của Chi Nguyễn về phát triển bản thân hay Trôi theo dòng Indie để âm nhạc đi kèm với những suy tư của người trẻ.
"The present writer" của Chi Nguyễn là một trong những kênh podcast được giới trẻ yêu thích nhất hiện tại
Cộng đồng podcast tại Việt Nam đã và đang dần hình thành những màu sắc và cá tính riêng, gây ấn tượng bởi sự chỉn chu và đa dạng trong cả nội dung lẫn cách biểu đạt. Vietcetera với Have a sip là nơi phỏng vấn những người có sức ảnh hưởng với sự dẫn dắt của Thùy Minh.
M.A.D thảo luận kiến thức về các ngành nghề đang được giới trẻ quan tâm. The blue expat chia sẻ về cuộc sống của người Việt khi ở nước ngoài cùng những kinh nghiệm về du lịch, sống tích cực. Chàng ngốc già của Võ Đình Trí mang đến nhiều kiến thức bổ ích về kinh tế, tài chính.
Nhiều bạn trẻ đã và đang chọn làm podcast để chia sẻ góc nhìn và đam mê của mình như Trạm radio dành cho cộng đồng yêu văn chương của hai cô gái trẻ Thu Hoài và Hà Trang.
Hay Oddly normal giải đáp hàng ngàn câu hỏi hóc búa ở các đề tài từ chính trị, tôn giáo, văn hóa của nhiều bạn trẻ người Việt từ khắp nơi trên thế giới.
Podcast của thầy Minh Niệm không nói quá nhiều về tôn giáo mà chia sẻ các vấn đề dưới góc nhìn của một người tu thiền, khơi dậy niềm tin, sự an lạc và xoa dịu những tổn thương bên trong tâm hồn
Việc thu âm podcast dễ dàng và đỡ tốn kém hơn ghi hình, khi chỉ cần một chiếc micro để thu âm và một giọng nói truyền cảm. Trong mùa dịch, những người làm nội dung podcast vẫn có thể tiếp tục công việc và phát hành đều đặn.
Và khi xã hội ngày càng bận rộn, podcast có thế mạnh lấn át các nền tảng hình ảnh ở chỗ nó không đòi hỏi người nghe tập trung 100% năng lượng tinh thần. Nhiều người có thể nghe khi đang lái xe, tập thể dục, nấu ăn, đi tản bộ...
Đặc biệt trong mùa dịch, việc ở nhà quá lâu khiến nhiều người buộc phải tìm đến thú vui "chậm" như nấu ăn, vẽ, trồng cây, viết nhật ký... - những hoạt động rất phù hợp để ghép với nghe podcast.
Minh Thư - tác giả của podcast Amateur psychology - cho biết: "Trước khi các tỉnh thành có chỉ thị giãn cách, số lượt nghe cao nhất một tuần của mình khoảng 8.000 lượt, nhưng thời gian gần đây, số lượt nghe có thể lên đến hơn 30.000 lượt một tuần, tăng gần 4 lần".
Còn Kiên Trần, chủ nhân kênh podcast "Đừng chạy theo số đông", thông tin số lượt nghe trên kênh của anh cũng tăng khoảng 50%
Giá trị chữa lành
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, nhà văn kiêm nhạc sĩ, ca sĩ Hamlet Trương - người từng làm nhiều podcast được yêu thích trong cộng đồng - cho biết trong hai năm dịch COVID-19 hoành hành, chức năng "chữa lành" của nhiều kênh podcast trở nên cần thiết trong đời sống tinh thần của nhiều người:
"Podcast có một lợi thế là mang tính cá nhân của người làm rất cao. Nếu người làm podcast hoài vọng về con đường chữa lành, họ sẽ dốc sức để tạo nên những sản phẩm mang tính chia sẻ, xoa dịu nỗi niềm. Nghe được một podcast đồng điệu sẽ có ích cho tâm trạng".
Theo Hamlet Trương, giọng đọc là một yếu tố quan trọng đối với người làm podcast
Nguyên Nhi - một bạn trẻ vừa làm podcast với kênh Limdim, nơi tác giả dùng để tâm sự về những vấn đề trong cuộc sống thường nhật - chia sẻ rằng lý do bắt đầu hành trình này đến từ sự ra đi của một người thân sau thời gian bị rối loạn lưỡng cực.
Nguyên Nhi chọn podcast làm nơi để cô có thể chuyện trò, sẻ chia với bất cứ ai ngoài kia đang cần những tiếng nói thủ thỉ của mình, từ đó góp phần cảnh tỉnh mọi người về sự nguy hiểm của căn bệnh tâm lý trên.
Còn Minh Thư - tác giả kênh Amateur psychology - cho biết vì bản thân là một du học sinh ngành tâm lý tại Anh nên mục đích làm podcast của cô là sử dụng kiến thức chuyên môn để nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần cho người nghe.
"Tôi lựa chọn các chủ đề đậm tính cá thể, như những chật vật trong suy nghĩ và cảm xúc, vì đây là hai khía cạnh mà tâm lý học chú trọng nghiên cứu. Mục đích của podcast tôi sản xuất đều chỉ mang tính chia sẻ.
Tôi là một người trẻ, cũng có những chật vật riêng nên điều mình nói đến đều là thật lòng và dễ liên cảm với các bạn đồng lứa. Tôi hy vọng mình có thể hỗ trợ và xoa dịu tinh thần các bạn thính giả, hay hoa mỹ hơn là "chữa lành" sự cô đơn trong mùa giãn cách".
Podcast giúp tôi bớt cô đơn
Nói về cảm nhận sau một thời gian nghe những podcast giúp xoa dịu tâm hồn để đời sống tinh thần tích cực hơn, Nguyên Phạm - một sinh viên tại TP.HCM - chia sẻ:
"Tôi ở phòng trọ liên tục nhiều tháng qua và podcast là một người bạn đã giúp tôi bớt cô đơn ít nhiều. Thời gian rảnh, tôi thường nghe các bài giảng trên kênh của thầy Minh Niệm để hướng mình tới một lối sống an nhiên, rũ bỏ muộn phiền.
Tôi cũng hay nghe Chầm chậm mà sống của Nam Phương với những bài học phát triển bản thân như sống chậm lại, yêu thương bản thân, trân trọng môi trường, ăn uống đúng cách... Đó thực sự là những giá trị bổ ích và cần thiết cho tôi vào thời điểm hiện tại".
Vào những năm 1980, podcast xuất hiện dưới tên gọi "blog âm thanh". Đến khi iPod tạo nên một làn sóng mới vào năm 2000, những "blog âm thanh" này nhanh chóng chuyển sang định dạng MP3 và trở nên phổ biến hơn.
Vài năm sau đó, thuật ngữ podcast ra đời và là sự kết hợp của pod trong ipod và cast trong broadcast (truyền tin). Đến ngày nay, chúng ta hiểu podcast là một hình thức tiếp thu thông tin thông qua các tệp tin âm thanh trên các nền tảng số.
Khác với radio, podcast là một chương trình âm thanh mà bạn có thể nghe trên các ứng dụng và đăng ký theo dõi hoặc tải về. Thời lượng của podcast đa dạng, có thể dài tới hàng giờ đồng hồ, thính giả sẽ nghe bất cứ lúc nào mà không phải rà kênh, chọn tần số hay canh giờ phát sóng.
TT - Cách đây một năm, thuật ngữ “Podcast” đã bị từ chối đưa vào Từ điển tiếng Anh New Oxford American vì lúc đó nó chưa được nhiều người biết đến.