Anh Nguyễn Thanh Vũ cố gắng tính toán trong những tháng khó khăn - Ảnh: NVCC
"Khi chỉ thị 15 ban hành, tôi nghĩ không bán trực tiếp thì cũng bán online được nên chủ quan. Cuối tháng 5, tôi còn nhập thêm hàng tỉ đồng tiền hàng, dự tính bán được sẽ có lợi nhuận rất tốt. Ai ngờ..." - anh Nguyễn Thanh Vũ, chủ một shop giày nổi tiếng, nhớ lại.
Doanh thu gần như chạm đáy nhiều tháng
Lúc đó, anh Vũ (ngụ huyện Nhà Bè, TP.HCM) nghĩ dịch đợt này cũng mau qua đi như các lần trước. Nhưng đến nay, cửa hàng đã đóng hơn ba tháng, cũng không thể bán online, 3 tỉ đồng anh bỏ ra nhập hàng về đến nay vẫn "ngủ" trong kho. Cửa hàng giày chính hãng của anh Vũ ngừng bán trực tiếp từ đầu tháng 6 vì dịch bùng phát. "Lúc đó tôi và nhân viên ở tại shop để bán online và ship hàng" - anh Vũ cho biết thời gian đó doanh thu cửa hàng đã sụt 70%.
Từ tháng 7 thực hiện chỉ thị 16, "do cửa hàng một nơi, tôi và các nhân viên ở một nẻo nên buộc phải ngừng hoạt động hết" - đơn hàng giảm hơn 90%, đồng nghĩa doanh thu gần chạm đáy.
"Doanh thu thời điểm bình thường của cửa hàng từ 800 triệu đến hơn 1 tỉ đồng mỗi tháng. Con số này hồi đầu dịch chỉ còn chừng 100 triệu đồng. Nếu rải hết các chi phí thì lỗ và thâm từ từ vào vốn. Nhưng từ tháng 7, 8, 9 đến nay hầu như không bán được gì - anh Vũ cho biết - 3 tỉ đồng tiền nhập hàng cả trong lẫn ngoài nước về mà không bán được, chưa kể hao hụt do lưu kho lâu ngày".
Lợi nhuận không có nhưng tiền thuê mặt bằng 14 triệu đồng/tháng (được giảm 3%), trả 70% lương nhân viên mất việc tạm, các chi phí vận hành, sinh hoạt gia đình, ăn uống khiến anh Vũ rơi vào bế tắc.
"Có một khoản tiền ở ngoài để xoay xở mấy tháng qua, nhưng tới lúc này đã cạn và cứ thâm dần vào vốn" - anh Vũ cho hay. Đầu tháng 9 được địa phương hỗ trợ 3 triệu đồng trong gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng của Nhà nước cho các hộ kinh doanh khó khăn, song với chủ hộ kinh doanh này thì chỉ như muối bỏ bể.
Anh Vũ cho biết tuy có kinh doanh thêm mảng đồng hồ cao cấp, nhưng hiện tại không giao nhận được, đường vận chuyển từ Singapore về VN cũng bị đứng.
"Mảng này tôi làm từ trước dịch, mấy tháng trước làm rất ổn, tiền lời đủ để trang trải các chi phí. Giờ dịch bùng mạnh nên nguồn hàng khan hiếm, bản thân những khách hàng mua bị ảnh hưởng từ dịch nên mọi thứ ngừng lại hết. Mặt hàng này cũng tồn kho và hiện không có doanh thu.
Từng mua đồ không nhìn giá, giờ đắn đo từng đồng lẻ
Là người trước giờ mua đồ không nhìn giá, song ông chủ trẻ cho biết hiện chi tiêu bất kỳ cái gì cũng phải xem có giảm giá không, có cần thiết hay không. "Tôi chưa bao giờ mua đồ giảm giá trên mạng, nhưng giờ muốn mua phải lên các sàn thương mại điện tử so sánh, xem chỗ nào rẻ hơn thì mua" - anh cho biết.
Không có lợi nhuận, mỗi tháng anh Vũ phải lẹm vào tiền vốn nhập hàng để trả lãi ngân hàng. Trong tháng 7 và 8, cửa hàng không bán được gì. Bước qua tháng 9, anh Vũ nghĩ ra cách để cầm cự là bán trước giao sau. Khách chuyển khoản thanh toán trước, đợi hết giãn cách shop sẽ giao hàng sau. Anh nói cách này chỉ bán được 10% so với bình thường, ví dụ ngày thường bán một ngày trên dưới 20 đơn, giờ chỉ còn 2-3 đơn.
"Dịch khó khăn nên người ta dùng tiền sẽ phải suy tính kỹ càng, chi cho những thứ cần thiết hơn" - anh nghĩ. Sắp tới khi cửa hàng hoạt động lại, anh Vũ phải hạ giá bán, chịu lỗ để lấy lại dòng tiền mặt. "Tôi cũng không dám nhập thêm hàng mới vì tình hình sắp tới không đoán được" - anh Vũ nói do đóng cửa quá lâu, khi mở lại người ta sẽ loay hoay không biết làm gì, e dè vì nhiều thứ.
"May là tôi nhiều lần dự định mở thêm chi nhánh nhưng chưa làm vì khi đó thấy bán trên sàn thương mại điện tử vẫn còn tốt. Nếu đã mở thêm mặt bằng thì càng khổ nặng rồi", anh chia sẻ. Điều anh Vũ đang mong nhất là cửa hàng sẽ được "sống lại" vào đầu tháng 10, nếu không thì cửa hàng không thể phục hồi trong hai tháng cuối năm, "lúc đó chấp nhận bỏ luôn, qua năm sau mới tính tiếp được".
Ông chủ quay quắt lo đóng tiền trọ
"Năm nay coi như vứt rồi!" - anh Mỹ ngồi một mình trước cửa tiệm vắng lặng, "chốt" một câu khi nhắc tới việc kinh doanh của mình.
Anh Huỳnh Mỹ là chủ tiệm đồ uống take away (bán mang về) tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Anh thuê mặt bằng để vừa ở vừa kinh doanh, song từ đầu đợt dịch thứ tư đến giờ, người xung quanh thấy anh mỗi tối hay ngồi buồn ở hiên cửa. Trước mặt anh là con hẻm vốn kẹt xe giờ tan tầm, sau lưng là quầy bán nước ép, sinh tố, trà sữa, sữa chua đã "ngủ đông" mấy tháng nay.
TP.HCM tăng cường giãn cách vì dịch, anh Mỹ đành nói lời tạm biệt với 4 nhân viên của mình. Khi đó, ông chủ quê Quảng Trị chỉ nghĩ đợt này đóng cửa chừng một tháng là cùng, đâu ngờ phải cửa đóng then cài tới giờ.
Anh Mỹ vốn làm shipper cho một hãng xe công nghệ, đồng thời kinh doanh thức uống qua app. Quán đóng cửa, anh dồn sức làm shipper để có tiền trả tiền thuê mặt bằng 12 triệu/tháng, chưa kể điện nước, ăn uống...
Tuy nhiên, gần cuối tháng 7, khu vực này bị phong tỏa do có ca nhiễm COVID-19, anh Mỹ phải nghỉ chạy nửa tháng. Sau đó TP siết chặt giãn cách, "Ai ở đâu ở yên đó", nên anh lúc chạy lúc nghỉ vì sợ bị phạt và lo nhiễm bệnh. Mỗi ngày anh chạy ít đơn, từ sáng sớm đến 18h để kiếm chút tiền đóng tiền nhà.
"Quán đóng cửa, chủ nhà giảm 2 triệu, sang tháng 8 được hỗ trợ 6 triệu và tháng 9 được giảm 7 triệu đồng" - anh Mỹ nói hãng xe cũng hỗ trợ shipper một phần và anh được nhận 1,5 triệu đồng gói hỗ trợ an sinh đợt 2 nên cũng tạm có đồng ra đồng vào.
Thấy chủ quán khó khăn, 4 nhân viên của anh không đòi hỏi lương bổng trong lúc nghỉ. "3/4 nhân viên của tôi đều có nhà ở Sài Gòn, ở cùng gia đình nên cũng đỡ tốn tiền trọ, ăn uống" - anh cho hay hai nhân viên đang mắc COVID-19, một bạn cách ly tại nhà trọ ở khu Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) hơn một tuần nay. Còn một nhân viên vốn là người chị quen biết của anh thì đang điều trị tại một bệnh viện dã chiến ở TP Thủ Đức.
Gần đây, TP.HCM cho phép hoạt động bán mang về, song tiệm đồ uống anh Mỹ vẫn phải "ngủ" tiếp.
"Muốn bán lại phải đăng ký với quận để xin các giấy phép, rồi xét nghiệm COVID-19 cho nhân viên thường xuyên. Khó nhất là thực hiện "3 tại chỗ" vì thiết kế của tiệm đâu đủ chỗ cho 5 người vừa ở vừa bán. Chưa kể nếu nhân viên ăn ngủ tại quán thì phải trả lương cho họ cao hơn bình thường và bao ăn ở, phí test COVID-19 để họ an tâm ở lại làm việc" - anh chia sẻ những thứ đó làm chi phí đội lên rất nhiều, trong khi bán lại thì lượng đơn hàng và doanh thu cố lắm cũng chỉ bằng 1/3 trước kia, lỗ là chắc chắn.
Anh Huỳnh Mỹ ngày nào cũng lặng lẽ ngồi trước cửa tiệm nghỉ hoạt động - Ảnh: DIỆU QUÍ
Anh Huỳnh Mỹ tâm sự thêm: "Nguyên liệu nhập về cũng đắt hơn vì chợ đầu mối chưa mở cửa, phải lấy hàng qua các nhà chuyên phân phối trái cây, nhưng họ bắt phải lấy từ 60-100kg mới chịu giao, tiền ship cũng tăng cao. Mà đâu phải nhà cung cấp nào cũng cung cấp đủ hàng chục loại trái cây mình bán, có khi chỉ 3-4 loại, mình phải đi tìm thêm. Mua nguyên liệu khó nên nếu mình giữ nguyên giá bán thì lỗ, mà tăng giá thì khách không mua".
*********
>> Kỳ cuối: Những mong muốn cho ngày hoạt động lại
Những ông bà chủ đang tính toán thế nào để vượt qua khủng hoảng? Họ có mong muốn, kiến nghị gì để tháo gỡ tình thế quá khó khăn?
TTO - Bình thường, những người có tay nghề chuyên môn sống rất ổn, thậm chí còn được săn đón làm việc và trả lương cao, nhưng đợt dịch thứ tư này họ cũng phải mỏi mòn nằm dài ở nhà suốt gần 4 tháng qua.
Xem thêm: mth.53944400222901202-gnud-ueid-gnuc-uhc-4-yk-mal-ceiv-oc-gnohk-yagn-021/nv.ertiout