Thủ tướng chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo về công tác phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: VGP
Ngày 23-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 - đã chủ trì cuộc họp về công tác phòng chống dịch COVID-19, với sự tham dự của các thành viên Ban chỉ đạo và các bộ ngành liên quan.
Đánh giá về tình hình dịch, Thủ tướng cho rằng cơ bản đang được kiểm soát và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong 2 tuần gần đây, số ca tử vong và mắc trong cộng đồng liên tiếp giảm. Nhiều tỉnh chuyển trạng thái theo các tiêu chí kiểm soát dịch của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, tình hình dịch tại TP.HCM vẫn diễn biến phức tạp, dù một số chỉ số chuyển biến tích cực như số ca tử vong giảm. Việc tổ chức thực hiện các biện pháp chống dịch vẫn là khâu yếu cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, khắc phục.
Đã có bài học xương máu nhưng người dân vẫn ra đường đông
Dành nhiều thời gian để phân tích đợt dịch lần thứ 4, Thủ tướng cho rằng đối tượng rủi ro nhất là những người trên 50 tuổi vì 85% số ca tử vong thuộc đối tượng này, thuộc địa bàn thành phố lớn, các khu công nghiệp, nơi tập trung đông người.
Do đó, phòng chống dịch phải kết hợp hài hòa giữa tổng thể và cụ thể, linh hoạt, phù hợp đặc thù từng nơi, trọng tâm, trọng điểm.
Trong đó, cần lưu ý kiểm soát tốt dịch ở hai trung tâm lớn là Hà Nội và TP.HCM, bởi nếu hai thành phố này bùng phát dịch thì các địa phương khác cũng có nguy cơ rất cao. Trong bối cảnh vắc xin vẫn còn khan hiếm, thì cách sử dụng phải thông minh hơn nữa, đặc biệt chú ý đối tượng trên 50 tuổi, các lực lượng tuyến đầu, công nhân trong các khu công nghiệp…
Một lần nữa nhấn mạnh người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân. Thủ tướng nhắc lại những bài học kinh nghiệm như đợt dịch bùng phát hồi đầu năm, việc không thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 đã tạo ra đợt dịch lần thứ 4.
Do đó, khi độ bao phủ vắc xin chưa nhiều, phải kêu gọi nhân dân vào cuộc, chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch, tăng cường sự giám sát của các cơ quan chức năng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể.
"Sự vào cuộc của nhân dân là rất quan trọng. Chúng ta đã có những bài học xương máu. Vừa qua, ở một số địa phương, đêm trung thu, người dân đổ ra đường quá đông, nguy cơ lây nhiễm cao. Thực hiện Chỉ thị 15 như thế là không đúng, cần rút kinh nghiệm vấn đề này. Chúng ta phải luôn nhắc nhở vì vẫn còn tình trạng chủ quan khi chưa có dịch bùng phát", Thủ tướng nói.
Có hướng dẫn mới về phòng chống dịch, đảm bảo 6 nguyên tắc
Thủ tướng cũng cho biết vừa qua lãnh đạo Hà Nam có báo cáo là tỉnh an toàn, song ông yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, phải xét nghiệm tầm soát ở những nơi có nguy cơ cao. Kết quả, Hà Nam phát hiện ngay các ca mắc mới trong cộng đồng.
"Muốn đánh địch thì phải tìm địch. Với virus, chúng ta không nhìn thấy, không nghe thấy, không sờ thấy, không ngửi thấy, khám lâm sàng cũng không khẳng định được. Vậy thì cách duy nhất là xét nghiệm nhưng phải xét nghiệm thần tốc, xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây lan thì mới ngăn chặn được dịch", Thủ tướng nêu rõ
Thực tiễn chỉ ra các biện pháp phòng chống dịch cơ bản là đúng hướng, phù hợp, hiệu quả trong điều kiện Việt Nam nhưng vẫn phải tiếp tục điều chỉnh. Tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, tổ chức thực hiện, lãnh đạo, chỉ đạo cũng phải thay đổi.
"Đạt 'zero COVID' sẽ là một điều rất khó khăn vì ngay tại những nước phát triển có tỉ lệ tiêm vắc xin đạt 90% dân số, điều đó cũng là không thể. Chúng ta đang xây dựng hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19", Thủ tướng nêu rõ.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành và địa phương tham gia ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo về "Thích ứng an toàn với dịch COVID-19" để Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện hướng dẫn.
Cụ thể, có 6 nguyên tắc cần quán triệt khi xây dựng hướng dẫn gồm: Y tế là trụ cột, là trung tâm; Kinh tế là cơ sở, là nền tảng; Dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; Ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên; Vắc xin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.
TTO - Sở Nội vụ TP.HCM vừa có tờ trình UBND TP về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn.