Việc bổ sung hơn 3.000 MW điện than trong cơ cấu nguồn điện ở dự thảo Quy hoạch Điện VIII, 10 liên minh, trong đó có Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam cho rằng điều đó không hợp lý. Đồng thời kiến nghị "đưa ra khỏi quy hoạch các dự án điện than chưa xây dựng".
Sự lựa chọn đắt đỏ, không khả thi
Mới đây 10 liên minh - đại diện hơn 200 nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, chống biến đổi khí hậu đã có ý kiến về những thay đổi trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII.
Theo 10 liên minh, việc dự thảo Quy hoạch Điện VIII cắt giảm hơn 8.000 MW năng lượng tái tạo và bổ sung hơn 3.000 MW điện than đã lặp lại những hạn chế của Quy hoạch Điện VII và Điện VII điều chỉnh cách đây 5 năm khi không dự báo đúng sự phát triển của năng lượng tái tạo, dẫn tới sự bị động và không đồng bộ giữa chính sách với thị trường, quy hoạch nguồn và lưới.
Đồng thời đó là sự lựa chọn đắt đỏ, không khả thi để triển khai và cũng không phù hợp với tương lai - bởi các nhà máy điện than được quy hoạch xây dựng từ nay tới năm 2035, sẽ vận hành trong vòng 30-60 năm nữa, trong khi thế giới đang đoạn tuyệt điện than và bước vào kỷ nguyên năng lượng sạch.
"Hầu hết các dự án điện than mới sẽ sử dụng nguồn than nhập khẩu, trong khi đó giá than đang tăng phi mã. Thực tế giá than 6 tháng đầu năm 2020 đã là 98,8 USD/tấn, đến năm nay đã tăng lên 159,7 USD/tấn (có nghĩa là tăng 150%). Trong khi đó, giá than được dự báo trong dự thảo vào năm 2030 chỉ ở mức 75 USD/tấn.
Như vậy, giá sản xuất điện than đưa ra trong dự thảo đang thấp hơn so với thực tế. Nếu tính cả chi phí ngoại biên (chi phí môi trường sức khỏe) giá sản xuất điện than có thể tăng thêm 5 UScent/kWh nữa, tương đương 15- 16UScent/kWh, đắt hơn tất cả các loại hình năng lượng tái tạo", 10 liên minh cho hay.
Từ những phân tích trên, 10 liên minh kiến nghị Bộ Công Thương điều chỉnh lại bản dự thảo trước khi trình lên Chính phủ, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học độc lập và các ý kiến phản biện xã hội, theo hướng đưa ra khỏi quy hoạch các dự án điện than chưa triển khai xây dựng.
Bộ Công Thương nói gì về việc tăng điện than trong cơ cấu nguồn điện
Theo Bộ Công Thương, trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII, cơ cấu nguồn điện đã có một số thay đổi. Tổng công suất đặt nguồn điện trong phương án phụ tải cơ sở đạt 130.371 MW giảm khoảng gần 7.700 MW so với Tờ trình 1682 và trong phương án phụ tải cao, con số này lần lượt là 143.839 MW và 6.000 MW. Như vậy, tổng công suất đặt các nguồn điện đáp ứng các chỉ đạo đề ra trong Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị.
Các nguồn điện năng lượng tái tạo tiếp tục được ưu tiên phát triển với tỉ lệ hợp lý, hài hòa giữa các miền, đảm bảo các tiêu chí kinh tế - kỹ thuật và vận hành, phù hợp với chương trình phát triển hệ thống điện tổng thể giai đoạn tới năm 2030. Năng lượng tái tạo (không tính thủy điện) sẽ tăng từ mức khoảng 17.000 MW hiện nay lên tới 31.600 MW vào năm 2030, chiếm tỉ lệ khoảng 24,3% tổng công suất đặt toàn hệ thống.
Lý giải việc tại sao theo dự thảo mới, nguồn điện năng lượng tái tạo giảm khoảng hơn 8.000 MW và điện than sẽ tăng hơn 3.000 MW so với Tờ trình 1682, Bộ Công Thương cho biết, Quy hoạch Điện VIII đã hạn chế tối đa phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới.
Các dự án nhiệt điện than tiếp tục triển khai là những dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, phần lớn đã có chủ đầu tư được Bộ Công Thương đánh giá tính khả thi cao sẽ được kế thừa trong Quy hoạch điện VIII. Tổng công suất đặt các nguồn điện than trong phương án phụ tải cơ sở năm 2030 là 40.700 GW, thấp hơn so với Quy hoạch Điện VII điều chỉnh khoảng 15.000 MW.
"Nhiều nhà máy điện than trên toàn quốc đã không được xem xét để phát triển trong thời gian tới tại các khu vực như Hải Phòng, Quảng Ninh, Long An, Bạc Liêu, Tân Phước… và được thay thế bằng các nguồn điện khí LNG thân thiện hơn với môi trường.
Chính vì vậy, tỉ trọng các nhà máy nhiệt điện than chỉ chiếm khoảng 31% năm 2030 trong kịch bản phụ tải cơ sở và khoảng 28% với kịch bản phụ tải cao" - Bộ Công Thương nêu.